Một thời gian dài, thị trường chứng khoán Việt Nam rơi vào tình trạng tụt dốc không phanh. Những cụm từ khá bi quan như "Nhà đầu tư tháo chạy", "Nhà đầu tư mất niềm tin", "Chợ chiều sàn chứng khoán"... được nhắc đi nhắc lại khá nhiều, cả trong tán gẫu lẫn trên các phương tiện thông tin đại chúng...
Một số chuyên gia vẫn rất hăng hái phân tích, đánh giá, đưa ra những dự báo vô thưởng, vô phạt - và vô trách nhiệm - trên các phương tiện thông tin đại chúng. |
VN-Index từ mức trên 1.100 điểm vào tháng 10/2007 đã tụt xuống mức dưới 240 điểm vào tháng 2/2009 - mức sụt giảm có thể nói là kinh khủng. Trong bối cảnh đó, nhiều nhà đầu tư đã rút lui, nếu không muốn nói là tháo chạy khỏi thị trường.
Cũng trong giai đoạn thị trường chứng khoán đi xuống, xuất hiện rất nhiều phân tích, đánh giá và dự báo của các chuyên gia. Và hầu hết những dự báo này, có lúc lạc quan, có lúc bi quan nhưng đều không mấy chính xác. Khi dự báo lên thì chứng khoán đi xuống, khi dự báo xuống thì chứng khoán lại lên. Quả thật, khó có ai có thể dự đoán chính xác diễn biến chỉ số chứng khoán; và không ít các chuyên gia, các nhà phân tích hàng đầu “tháo chạy” khỏi thị trường hoặc “án binh bất động” với danh mục đầu tư của mình vì không tài nào tìm ra quy luật tăng giảm của các chỉ số.
Biết vậy, nhưng một số chuyên gia vẫn rất hăng hái phân tích, đánh giá, đưa ra những dự báo vô thưởng, vô phạt - và vô trách nhiệm - trên các phương tiện thông tin đại chúng. Khi thị trường chứng khoán khởi sắc trở lại trong những ngày đầu tháng Tư năm nay và các nhà đầu tư đang bừng tỉnh sau một “giấc ngủ đông”, một số chuyên gia đã giội ngay gáo nước lạnh vào thị trường này bằng những phân tích và dự báo rất bi quan. Ai cũng biết, sự sống, cái chết, sức mạnh, điểm yếu của thị trường chứng khoán và của một mã cổ phiếu phụ thuộc rất nhiều vào tâm lý của nhà đầu tư.
Khi nhà đầu tư có niềm tin, lập tức họ sẵn sàng tham gia cuộc chơi và nhờ đó, thị trường sẽ phục hồi, kéo theo sự khởi sắc của cả nền kinh tế. Những giải pháp kích cầu, ít nhiều cũng phải hướng vào việc làm cho người tiêu dùng an tâm để họ mạnh dạn tiêu xài, chứ không chỉ cứ bơm tiền ra, nhưng lại khuyên người tiêu dùng hãy thắt lưng buộc bụng vì tình hình kinh tế có thể xấu đi.
Nếu vậy, chủ trương kích cầu sẽ phản tác dụng, và thị trường sẽ tiếp tục trì trệ, kinh tế sẽ khó phát triển. Những phát biểu chung chung mang hơi hướng cảnh báo, khuyên can, thậm chí “dạy dỗ” nhà đầu tư “nên cẩn trọng vì thị trường đang quá nóng”, vì “khủng hoảng tài chính thế giới còn đang diễn biến khó lường”, vì “nguy cơ sụp đổ”..., thiết tưởng đã không còn hợp thời. Nó chẳng giúp ích gì cho thị trường chứng khoán Việt Nam, vốn đã có quá nhiều những dự báo bi quan trong suốt một thời gian dài. Một lời khuyên “nên cẩn trọng” thì thật dễ và nghe có vẻ là một lời khuyên tốt.
Thế nhưng, nếu nó được đưa ra không đúng lúc, không hợp với bối cảnh dập tắt mọi hưng phấn, mọi niềm tin. Đặc biệt, khi lời khuyên đó được phát qua các phương tiện thông tin đại chúng, được truyền đi cho hàng triệu người nghe, nhưng không hề dựa trên một cơ sở vững chắc nào, thì lại càng không có lợi, nếu không muốn nói là khá nguy hiểm cho thị trường vì nó gây hoang mang cho các nhà đầu tư vốn đã đầy ắp những lo âu.
Giống như một người vừa vượt qua tâm trạng suy sụp, chưa kịp yêu đời đã được nghe một lời cảnh báo: “Chưa hết đâu, đừng vội lạc quan, anh bạn ạ!” Thiết nghĩ, các nhà phân tích, dự báo cần cẩn trọng và ý thức được tác động to lớn của những phân tích, dự báo và những lời khuyên mang tính “đại chúng” của mình. Những lời khuyên, lời cảnh báo vô thưởng, vô phạt và vô trách nhiệm (vì nếu cảnh báo sai thì cũng đâu có bị gì) là hết sức nguy hiểm trong bối cảnh hiện nay, khi các nhà đầu tư còn đang khá dè dặt, chưa lấy lại được niềm tin. Ngư dân thường ngồi nhà cho an tâm nếu nghe dự báo “Có thể sẽ có bão!”.
Nếu bão không xảy ra, người dự báo chẳng chịu trách nhiệm gì, chỉ có ngư dân mất một ngày ra khơi, mất một ngày thu nhập...