Ông Ngô Vi Đồng - Chủ tịch HĐQT Công ty HPT: “Muốn phát triển văn hóa đọc tại doanh nghiệp, trước hết người lãnh đạo phải yêu mến sách”

Hồng Như| 25/11/2021 03:57

Đưa cho phóng viên xem quyển “Thép đã tôi thế đấy!” bản in năm 1957, sách ngả vàng nhưng đã được đóng bìa cẩn thận, ông Ngô Vi Đồng - Chủ tịch HĐQT Công ty HPT đã chứng tỏ niềm vui và sự yêu mến với những trang sách.

Ông Ngô Vi Đồng - Chủ tịch HĐQT Công ty HPT: “Muốn phát triển văn hóa đọc tại doanh nghiệp, trước hết người lãnh đạo phải yêu mến sách”

"Ngay từ nhỏ tôi đã cảm thấy mình thích và có niềm đam mê đặc biệt với sách", ông Ngô Vi Đồng - Chủ tịch HĐQT Công ty HPT

Tại văn phòng, ông Đồng có một tủ sách không chỉ có những ấn phẩm, tài liệu và sách liên quan đến công nghệ thông tin - lĩnh vực ông đang quản lý và kinh doanh tại Công ty CP Dịch vụ Công nghệ Tin học HPT mà còn có nhiều tác phẩm viết về những lĩnh vực khác. Chẳng hạn như quyển sách ảnh giới thiệu các trường đại học đẹp nhất thế giới, sách có kích thước lớn do ông sưu tầm được và nhiều quyển khác với đề tài đa dạng, từ quản trị, kỹ năng sống đến văn hóa, nghệ thuật, triết học, tôn giáo, lịch sử… 

* Không biết ông bắt đầu đọc sách và có niềm đam mê với sách từ khi nào, thưa ông?

- Ngay từ nhỏ, tôi đã cảm thấy mình thích và có niềm đam mê đặc biệt với những trang sách. Lúc ấy, đọc chỉ là đọc thế thôi, nhưng lâu dần tôi ý thức rõ những giá trị tôi nhận được từ sách. Đó là một thế giới mênh mông, rộng lớn nhưng hỗ trợ rất nhiều cho hành trình sống và làm việc của tôi. Trong một thời điểm, tôi không chỉ có một mà có hai, ba quyển sách “gối đầu giường”.

* Mọi người thường nói rằng, họ rất bận rộn, không đủ thời gian đọc sách. Với những người lãnh đạo, người điều hành doanh nghiệp thì lại càng bận rộn hơn. Ông nghĩ sao về câu trả lời này?

- Mỗi ngày, mỗi người đều có 24 giờ như nhau, làm việc gì, sắp xếp như thế nào là do sự lựa chọn của mỗi cá nhân. Tôi nghĩ rằng điều quan trọng là các bạn biết cách quản lý thời gian và xây dựng kế hoạch làm việc trong ngày. Trong 24 giờ đó, nên có ít nhất một khoảng thời gian dành cho việc đọc sách. 

Một số người đổ lỗi rằng tôi đang có nhiều vấn đề về sản xuất kinh doanh, cạnh tranh, quản trị nhân sự, công việc, gia đình, cuộc sống… cần giải quyết gấp không có thời gian đọc sách. Thi thoảng tôi tự hỏi, phải chăng vì không đọc sách, không đúc rút được những ý hay, ý đẹp từ những quyển sách kỹ năng, quản trị nên các bạn mới rơi vào trạng thái như thế? 

Nói vui nhưng tôi hy vọng một ngày cuối tuần nào đó, khi đi dạo tại đường sách Nguyễn Văn Bình tôi sẽ gặp nhiều doanh nhân hơn. Bởi văn hóa đọc không chỉ xây dựng từ việc cặm cụi đọc sách suốt ngày mà có thể từ những việc đơn giản hơn, gần gũi hơn như dành thời gian thư giãn với sách, đi dạo tại đường sách hay đến thư viện tìm những quyển sách mới, đến nhà sách cũ lục tìm những quyển sách quý, xuất bản từ nhiều năm trước. Với tôi, tất cả cứ đơn giản và nhẹ nhàng nhưng lâu dần sẽ trở thành thú chơi đặc biệt.

* Riêng ông, mỗi ngày ông đọc sách lúc nào?

- Trước khi đi ngủ, tôi thường đọc sách, có thể đọc rồi ngủ quên luôn hoặc có thể vì sách hay nên tôi cứ mải miết đọc đến mất ngủ. Hôm nào có quá nhiều việc, không sắp xếp được tôi dừng đọc một hôm nhưng hôm sau sẽ đọc bù, chắn chắn không bỏ ngày nào. Trong các kỳ nghỉ hoặc khi đi du lịch tôi cũng luôn mang theo sách để đọc. 

Thực sự, một người không thể nào có được sự hiểu biết mà không đọc!

An-pham-HPT-8149-1637812664.jpg

Một số ấn phẩm đặc biệt của HPT, gián tiếp xây dựng thói quen đọc cho toàn thể cán bộ công nhân viên của công ty

* Vậy ông đã mang niềm đam mê cá nhân để phát triển văn hóa đọc tại công ty ra sao?

- HPT là công ty về công nghệ thông tin nhưng văn hóa đọc, đặc biệt là đọc tất cả sách nhiều thể loại, đa dạng lĩnh vực đã và đang thấm vào từng con người, điển hình là ban lãnh đạo công ty. Chúng tôi đều rất thích đọc sách vì vậy thường xuyên có những buổi chia sẻ và trò chuyện về sách trong nhiều tình huống khác nhau, có thể là một nhóm nhỏ vài người bạn hoặc cả nhóm lớn là một hội đồng. Hễ có sách hay, ban lãnh đạo chúng tôi giới thiệu cho nhau trước tiên.

Mặc dù công ty có tủ sách nhưng có lẽ đó chỉ là nơi để cán bộ công nhân viên đến tìm một số quyển các bạn cần chứ chưa phát huy tác dụng trong việc xây dựng văn hóa đọc bởi tủ sách chỉ mang tính tương đối. Thay vào đó chúng tôi xây dựng thói quen tặng sách cho nhau trong những dịp đặc biệt hay chỉ đơn giản là ban lãnh đạo, những người quản lý tìm được một quyển sách hay thì sẽ mua thêm để tặng cho các bạn trong phòng ban hoặc toàn thể nhân viên.

Một cách gián tiếp khác, để tạo nhận thức và xây dựng văn hóa đọc trong công ty, chúng tôi đã tự tạo ra những bộ sách, những ấn phẩm riêng. Cứ 5 năm một lần HPT sẽ tổng hợp những câu chuyện nội bộ, những kinh nghiệm, bài học kinh doanh và chia sẻ của nhân viên trong quá trình làm việc để xuất bản thành một quyển sách mang dấu ấn của công ty. Ngoài ra, hằng quý hoặc hằng tháng, công ty đều ra một tờ báo nội bộ phản ánh hoạt động của công ty, cập nhật xu hướng khoa học, công nghệ và có nhiều bài viết về đời sống, văn hóa - nghệ thuật. 

Tất cả ấn phẩm này, HPT sẽ tặng lại cho cán bộ công nhân viên như một cách lưu giữ kỷ niệm và cổ xúy cho việc đọc, tạo cho các bạn thói quen đọc nhiều hơn. Bởi thế, văn hóa đọc tại HPT nhẹ nhàng như một phần trong đời sống tinh thần của mỗi người chúng tôi.

Hotnews-4723-1637812664.jpg

Tạp chí HotNews của HPT được phát hành hằng quý nhằm cung cấp các thông tin hữu ích cho nội bộ công ty

* Theo ông, điều gì quan trọng nhất trong quá trình đưa văn hóa đọc vào doanh nghiệp?

- Để mang sách vào văn phòng, tạo cho tất cả nhân viên thói quen đọc sách hoàn toàn không dễ. Xây dựng văn hóa đọc không đồng nghĩa với việc lập nên một tủ sách hay xây một thư viện trong doanh nghiệp. Điều quan trọng là cần thổi hồn cho những quyển sách và lan tỏa tinh thần đọc bằng những tấm gương điển hình, những con người cụ thể. Theo tôi, đây là một cuộc chơi nghiêm túc do người lãnh đạo điều phối với vai trò đặc biệt. 

Để xây dựng nền văn hóa thì con người đóng vai trò quan trọng, trong phạm vi doanh nghiệp thì con người ở đây không ai khác là những người lãnh đạo. Trước tiên, ban quản trị, ban lãnh đạo, các cấp quản lý phải là những người yêu mến sách, phải ý thức được vai trò của việc đọc sách và thường xuyên đọc sách. Có như vậy, những người này mới có tinh thần xây dựng văn hóa đọc tại doanh nghiệp, có thể động viên và tìm những cách phù hợp để toàn thể cán bộ công nhân viên tại doanh nghiệp hình thành và phát triển thói quen đọc sách.

* Người lãnh đạo cần làm gì để xây dựng văn hóa đọc cho nhân viên?

- Mỗi người lãnh đạo, mỗi doanh nghiệp sẽ có những hình thức, cách làm khác nhau. Với kinh nghiệm cá nhân, tôi có thể gợi ý một số việc như tặng sách cho nhân viên, đây là một điều thú vị, vừa như một món quà ghi nhận sự đóng góp của các bạn ấy, vừa nhấn mạnh vai trò của sách, hình thành và thúc đẩy thói quen đọc của các bạn. 

Tổ chức các buổi giao lưu, chia sẻ các vấn đề xoay quanh sách trong những ngày cuối tuần hoặc trong các hoạt động của doanh nghiệp cũng là cách làm hay. Buổi đó có thể là nói chuyện thân mật giữa lãnh đạo và nhân viên về những quyển sách, những bài học, kinh nghiệm mà người lãnh đạo đã đọc được và tự rút ra hoặc có thể mời các tác giả của những quyển sách mới ra mắt, sách nhân viên quan tâm đến văn phòng công ty chia sẻ và giới thiệu rõ hơn về quyển sách và những điều có liên quan.

Suy cho cùng, dù các bạn thực hiện cách nào thì mục đích cuối cùng hướng đến là truyền cảm hứng, giúp toàn thể cán bộ công nhân viên có niềm đam mê và yêu thích sách. Chỉ cần có cảm tình và ý thức được tầm quan trọng của sách, mỗi người sẽ tự biết cách tìm kiếm, tự biết cách đọc và chủ động hình thành văn hóa đọc mang phong cách riêng của cá nhân.

* Để phát triển văn hóa đọc trong doanh nghiệp, giải pháp là gì?

- Đây là vấn đề tôi vẫn luôn trăn trở. Thật khó có những giải pháp cụ thể, vì hiện chúng ta chưa có thống kê có bao nhiêu doanh nghiệp tại Việt Nam xây dựng được văn hóa đọc, bao nhiêu doanh nghiệp có thư viện, một năm doanh nghiệp đầu tư bao nhiêu tiền cho sách, lãnh đạo có đọc sách hay không… Có lẽ chúng ta nên có một cuộc điều tra nghiêm túc, đánh giá lại về thực trạng này để có được một bức tranh tổng thể, hướng đến xây dựng, phát triển văn hóa đọc tại doanh nghiệp một cách tốt hơn, đồng bộ hơn. 

* Cảm ơn ông đã có những chia sẻ giá trị.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ông Ngô Vi Đồng - Chủ tịch HĐQT Công ty HPT: “Muốn phát triển văn hóa đọc tại doanh nghiệp, trước hết người lãnh đạo phải yêu mến sách”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO