Xuyên suốt trong buổi trò chuyện, ông Đoàn Văn Ninh - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Địa ốc Vạn Xuân nhắc đi nhắc lại hai chữ T - “tín” và “tâm”. Đó là hai chữ mà bất cứ doanh nhân chân chính nào cũng phải ghi nhớ song song với thượng tôn pháp luật và đạo đức trong kinh doanh.
Đọc E-paper
Ngại chia sẻ về bản thân nhưng khi nói về công việc, ông Đoàn Văn Ninh như một con người khác với những trăn trở, đau đáu về những dự án đang dang dở, về thực tế ngành bất động sản Việt Nam.
Nhìn những khu nhà bỏ hoang hoặc chỉ sử dụng một phần trong nhiều năm qua với hạ tầng xuống cấp nghiêm trọng, ông cảm thấy quá lãng phí. Trong khi có hàng trăm ngàn người dân phải chật vật tìm chỗ ở thì nhiều khu nhà dù đã xây dựng hạ tầng kỹ thuật tốt nhưng vẫn không được đưa vào sử dụng, thế nên ông rất mong Nhà nước có các chính sách phù hợp để nhanh chóng giải quyết tình trạng này.
Kinh doanh bất động sản nhưng ông Ninh lại rất mê thiên văn, dành nhiều thời gian để nghiền ngẫm những cuốn sách thiên văn và trang bị cả đồ nghề để ngắm trăng sao vào những đêm trời quang mây tạnh. Ông bảo vũ trụ này bao la lắm, con người như hạt cát nhỏ bé trong sa mạc mênh mông nên phải biết trân quý những gì đang có.
Dù là một người bình thường hay một nhà kinh doanh khi làm bất cứ việc gì cũng phải đặt cái tâm và uy tín lên trên hết. Kinh doanh mà không có tâm, không uy tín sẽ rất khó thành công và chắc chắn khách hàng sẽ rời xa. Cũng vì chữ tín, chữ tâm mà dù Vạn Xuân có bị “xếp sau” các thương hiệu được thành lập sau này nhưng ông vẫn kiên định với nguyên tắc “chậm mà chắc”.
Trong khi các doanh nghiệp chú trọng vào thị trường căn hộ thì ông Ninh lại chọn đất nền, nhà phố và biệt thự để đầu tư. Và khi thị trường bão hòa về căn hộ thì ông lại bắt đầu lấn sân vào phân khúc này ở một vài tỉnh. Cách làm của ông có vẻ như đi ngược với xu hướng đám đông nhưng có nhiều lý do để ông làm điều đó và tin sự lựa chọn ấy là đúng.
* Vốn hoạt động trong lĩnh vực điện máy, vì sao ông chuyển sang lĩnh vực bất động sản?
- Sau khi xuất ngũ, tôi làm tiếp thị trong lĩnh vực điện máy. Kinh nghiệm những năm làm thuê đã cho tôi vốn kiến thức quý báu để mạnh dạn cùng em trai mở Công ty Điện máy Đại Thành. Năm 2003, nhận thấy thị trường bất động sản bắt đầu phát triển, cùng với việc kinh doanh điện máy, chúng tôi kiêm thêm giới thiệu nhà đất, bất động sản ở khu vực vùng ven TP.HCM.
Sau hai năm tích cóp kinh nghiệm trong lĩnh vực mới, giao Đại Thành cho em trai, tôi thành lập Công ty Vạn Xuân chuyên kinh doanh bất động sản tại quận 12. Thời gian đầu, Công ty chỉ hơn 10 người, chủ yếu theo kiểu mua đi bán lại căn hộ và dần dần phát triển thành Công ty CP Tập đoàn Địa ốc Vạn Xuân với hai thành viên là Công ty CP Xây dựng Vạn Xuân Sài Gòn và Công ty CP Phát triển địa ốc Vạn Xuân (Vạn Xuân Land), có văn phòng đại diện tại Bình Phước, chuyên về phân phối như hiện nay.
* Chuyển qua một lĩnh vực mới chắc không phải dễ đối với một người “tay ngang” như ông?
- Thời gian đầu chúng tôi phải lấy vốn từ Đại Thành để nuôi Vạn Xuân. Để phát triển, chúng tôi lấy uy tín và chất lượng sản phẩm làm phương châm hoạt động, đồng thời chọn thị trường biệt thự và nhà phố làm sản phẩm chính.
Theo nhu cầu thị trường, với lực lượng lao động chuyên nghiệp, những biệt thự và nhà phố do Vạn Xuân đầu tư nhanh chóng được triển khai và giao cho khách hàng. Mỗi năm, Công ty CP Xây dựng Vạn Xuân Sài Gòn xây dựng khoảng 300 căn biệt thự và nhà phố, và Vạn Xuân Land chuyên về phân phối và đầu trên địa bàn Thủ Đức, Bình Dương, Bình Phước. Hiện tại Công ty đang triển khai hai dự án lớn về đất nền và nhà phố tại thị trấn Đồng Xoài (Bình Phước) và đang mở rộng đầu tư vào lĩnh vực căn hộ tại TP.HCM.
* Tại sao ông lại chọn thời điểm này để đầu tư vào phân khúc căn hộ khi mà thị trường đã bão hòa?
- Chúng tôi muốn đa dạng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng, trong đó vừa phát triển nhà phố, vừa phát triển căn hộ. Chúng tôi sẽ phát triển thêm những khu căn hộ ở vùng ven như Thủ Đức, quận 9...
Thời sốt đất, các công ty nhà nước ồ ạt bung ra làm bất động sản, đến khi thị trường trầm lắng hoặc do những quy định không được đầu tư ngoài ngành, hoặc chịu áp lực từ các cổ đông, phải bán. Chúng tôi mua lại các dự án này và xây dựng thành những khu nhà hiện đại cho người dân có nhu cầu. Thị trường dù được cho là bão hòa nhưng nếu sản phẩm làm ra có chất lượng tốt, giá cả phù hợp với đại đa số người tiêu dùng thì chắc chắn sẽ được chấp nhận.
* Chắc có lý do nào đó để Vạn Xuân vẫn “nằm ở vùng ven” trong khi hầu hết các doanh nghiệp bất động sản đều tập trung ở khu vực nội thành?
- Ở khu vực vùng ven, quỹ đất vẫn còn lớn và những năm gần đây, hạ tầng cơ sở đã được đầu tư nên việc kết nối, đi lại cũng thuận lợi. Hơn nữa, hiện nay, người lao động ở các tỉnh làm việc tại thành phố rất đông và nhu cầu về nhà ở là rất lớn nhưng họ không có khả năng để sở hữu những căn nhà ở nội đô, vì thế, khu vực vùng ven là thích hợp nhất.
Thêm vào đó, nhiều khu vực bị giải tỏa, mở đường nên người dân tìm đến các vùng ven để có chỗ ở rộng rãi hơn. Ngoài ra, có không ít gia đình có điều kiện kinh tế muốn có một không gian rộng rãi, một căn hộ có chỗ để ô tô đã chọn khu vực này. Tâm lý của người Việt thường thích có một căn nhà với đất liền thổ và đây cũng là dòng sản phẩm chính của Vạn Xuân.
Hiện tại, có đến vài trăm doanh nghiệp trong và ngoài nước hoạt động trong lĩnh vực bất động sản. Phân khúc nhà phố và biệt thự ít cạnh tranh hơn nên chúng tôi chọn thị trường này để phát triển. Bên cạnh đó, để đa dạng sản phẩm, chúng tôi cũng đầu tư vào một số chung cư với giá trên dưới 1 tỷ đồng.
* Sức nóng của thị trường bất động sản vùng ven hiện nay như thế nào, thưa ông?
- Sản phẩm chúng tôi ra đến đâu được khách hàng đón nhận đến đó. Nhờ xây dựng được thương hiệu uy tín nên hầu như các khu nhà do Công ty triển khai đều được khách hàng đặt mua. Năm 2016, ở khu vực vùng ven, chúng tôi đã giao cho khách hàng trên 200 căn nhà phố và biệt thự, 100 nền đất.
Ở Vạn Xuân, khi nhà xây xong phần thô mới đóng 20% phí, khi giao nhà đóng thêm 30% và khi xong giấy tờ mới đóng phần còn lại. Đây là cách chúng tôi áp dụng từ những năm thị trường trầm lắng để hỗ trợ khách hàng cũng như tạo uy tín và niềm tin với những người đã ủng hộ Vạn Xuân. Làm như vậy, lượng vốn đầu tư xây dựng rất lớn và lợi nhuận sẽ giảm nhưng chúng tôi chấp nhận để thu hút khách hàng.
* Sau 12 năm dấn thân vào lĩnh vực bất động sản, thành tựu mà ông và Vạn Xuân đạt được là gì?
- So với những thương hiệu bất động sản khác ở trung tâm thành phố thì Vạn Xuân chỉ là thương hiệu nhỏ đang trên đà phát triển. Tuy nhiên, nếu tính ở khu vực vùng ven thì Vạn Xuân là một thương hiệu có uy tín, thương hiệu về phân khúc khách hàng biệt thự và nhà phố. Điều quan trọng là chúng tôi có đội ngũ cán bộ, nhân viên chuyên nghiệp và gắn bó với Công ty. Chúng tôi mong muốn trong những năm tới Vạn Xuân sẽ là một trong những thương hiệu bất động sản lớn của TP.HCM, thực hiện nhiều khu nhà quy mô lớn cho khách hàng.
Điều tôi tâm niệm là kinh doanh phải đúng pháp luật, uy tín với khách hàng và phải làm sao để hài hòa lợi ích giữa khách hàng với doanh nghiệp. Làm kinh doanh ai cũng tính đến lợi nhuận nhưng không vì thế mà đánh mất đạo đức của con người. Làm ăn lâu dài quan trọng nhất vẫn là chữ tín.
* Thời gian qua, có rất nhiều người giàu lên nhờ vào bất động sản. Có phải ngành này “dễ ăn”?
- Bất động sản là lĩnh vực dễ kiếm tiền và nhanh làm giàu khi thị trường sốt. Vào thời điểm những năm 2006 - 2007, 2015 - 2016, khách hàng chỉ cần mua nhà rồi sang tay ngay là đã có lời khá. Tuy thị trường bất động sản sôi động nhưng vẫn bị chi phối bởi giới đầu cơ.
Nhiều khu nhà trong đó đến 70% là mua đầu cơ và cho đến nay vẫn “trùm mền”. Khi thị trường đảo chiều, những người đầu cơ lớn thoát không kịp sẽ lãnh hậu quả. Những năm 2008 - 2009, có những người mất đến 30 - 40% giá trị đầu tư vì những rủi ro này. Thời điểm năm 2009 - 2010, có những nơi giá đất xuống đến 40% và rất nhiều dự án đành bỏ dở giữa chừng.
* Điều ông băn khoăn là...
- Có rất nhiều khu nhà đầu tư cách đây mười mấy năm và đã ra sổ đỏ nhưng vẫn thành những nơi hoang tàn với cỏ mọc, rác rến và là nơi chứa chấp các tệ nạn xã hội. Nhà mà không có người ở thì xuống cấp rất nhanh. Trên thực tế, có những khu nhà phố cách đây cả chục năm đã phân lô, bán nền nhưng tỷ lệ lấp đầy chỉ 30%. Hiện nay, hầu như quận - huyện nào ở TP.HCM cũng có những khu nhà xây dang dở rồi bỏ hoang, vừa rất lãng phí vừa bất lợi cho những người đang sinh sống ở những nơi ấy.
Để giải quyết tình trạng này, thiết nghĩ Nhà nước nên có chính sách điều tiết, bắt buộc những người có đất phải đưa vào sử dụng hoặc bán ngay cho những người có nhu cầu về nhà ở. Theo tôi, nên đưa ra mức thuế đất phù hợp để người dân không dám để đất hoang. Ở các nước như Mỹ, Úc, giá nhà rẻ nhưng thuế sử dụng đất hằng năm rất cao.
Nhà nước thay vì đánh thuế vào căn nhà thứ hai thì nên thu thuế đất đã chuyển đổi thành đất ở. Khi thị trường ổn định, nhu cầu về nhà ở tương đối hài hòa thì mới nên đánh thuế vào căn nhà thứ hai để khuyến khích xây dựng. Điều này sẽ giải quyết được tình trạng lãng phí trên.
* Doanh nhân thường rất bận rộn và gặp nhiều áp lực, những lúc như thế ông xả stress bằng cách nào?
- Áp lực công việc là thường xuyên nhưng không vì thế mà không có thời gian cho gia đình và bạn bè. Gia đình tôi thường quây quần bên nhau vào buổi tối, cùng nhau ăn cơm, cùng nhau xem phim. Những hôm rảnh rỗi, tôi cùng bạn bè nhâm nhi cà phê, hoặc đọc sách. Tôi rất thích thú khi nghiên cứu về những nhân vật lịch sử của Việt Nam như Trần Hưng Đạo, Quang Trung...
Tôi học được rất nhiều từ những vị anh hùng này trong việc làm thế nào để thu phục được tình cảm của những người xung quanh cũng như mạnh dạn, quyết liệt khi phải ra những quyết định khó khăn. Mà điều này là rất cần thiết vì trong kinh doanh, có những lúc buộc doanh nhân phải nhanh chóng ra quyết định mới có thể nắm phần thắng.
Tôi cũng rất thích ngắm trăng sao và đọc sách về lĩnh vực thiên văn. Những lúc nhìn lên bầu trời bao la tôi thấy vũ trụ này rộng lớn quá và con người thật nhỏ bé, lại tồn tại thật ngắn ngủi. Mọi sự vật đều vô cùng, thời gian rất quý giá với chúng ta, vì thế phải sống sao cho có ích nhất.
* Cám ơn ông về những chia sẻ!