Tái cơ cấu để tránh nợ xấu
Dù đã hy sinh 4.000 tỷ đồng tiền lãi để giảm lãi suất hỗ trợ khách hàng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của Vietcombank năm 2020 vẫn đạt hơn 23 nghìn tỷ đồng, xấp xỉ năm 2019. Tương tự, BIDV cũng giảm thu nhập hơn 6,4 nghìn tỷ đồng để thực hiện cơ cấu nợ, hạ lãi suất và miễn giảm lãi, phí cho khách hàng. Đáng chú ý là VietinBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế tăng trưởng mạnh 45%, đạt hơn 17 nghìn tỷ đồng dù đã dành gần 5 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ khách hàng.
Nhóm ngân hàng thương mại thậm chí còn vượt trội hơn khi nhiều nhà băng chứng kiến tăng trưởng lợi nhuận lên mức kỷ lục mới, như MSB công bố lợi nhuận trước thuế năm 2020 tăng hơn gấp đôi so với năm 2019, VIB tăng 42%, ACB tăng 27%, Techcombank tăng 23%, OCB tăng 21%, LienVietPostBank tăng 19%...
![]() |
Dù vậy, theo ý kiến của một số chuyên gia, con số lợi nhuận này chưa phản ánh thực chất hoạt động của ngân hàng, khi một phần nợ xấu đã được tạm “che” đi khi được phép hoãn chuyển nhóm và tái cơ cấu theo quy định của Thông tư 01/2020/TT-NHNN, nhằm hỗ trợ những khách hàng bị thiệt hại và ảnh hưởng bởi dịch bệnh trong năm 2020. Điều này đồng nghĩa với việc, các ngân hàng không phải thoái thu lãi cũng như trích lập dự phòng rủi ro cho những khoản vay có chất lượng bị suy giảm này.
Cụ thể, tính đến cuối năm 2020, đã có 355 nghìn tỷ đồng nợ được cơ cấu lại, chiếm xấp xỉ 3,9% tổng dư nợ tín dụng toàn ngành. Trong đó, một số ngân hàng có số nợ tái cơ cấu khá lớn như BIDV và VPBank là 28 nghìn tỷ đồng, ACB 9 nghìn tỷ đồng, TPBank hơn 8,4 nghìn tỷ đồng, Techcombank 7,9 nghìn tỷ đồng, VietinBank 6,5 nghìn tỷ đồng, Vietcombank 5,1 nghìn tỷ đồng...
Đáng lưu ý là chưa cần tính đến các khoản nợ tái cơ cấu này, nợ xấu đã chuyển của nhiều nhà băng cũng tăng khá mạnh trong năm 2020. Như VietBank có nợ xấu tăng 45%, ACB tăng 27%, Bắc Á tăng 26%, LienVietPostBank tăng 24%, VIB tăng 17%, TPBank tăng 15% và MBBank tăng 11%.
Ngoài ra, nếu như năm 2020 chứng kiến nhiều ngân hàng khá thành công trong việc xử lý xong nợ VAMC trước hạn, thì một rủi ro về nợ xấu khác lại xuất hiện chính là những khoản vay tái cơ cấu do bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh này. Nếu như không có những giải pháp hỗ trợ kịp thời như Thông tư 01, khả năng lợi nhuận của không ít ngân hàng đã bị suy giảm nặng nề trong năm vừa qua do phải chuyển nhóm nợ đúng quy định, kéo theo thoái thu lãi và trích lập dự phòng đầy đủ cho những khoản vay này.
Chờ đợi Thông tư 01 sửa đổi
Tuy nhiên, đó cũng chỉ là chính sách trì hoãn mang tính tạm thời, vì những khoản vay này nếu không được xử lý tốt thì trước sau gì cũng buộc phải chuyển nhóm theo đúng quy định, do đó không ít dự báo về việc nợ xấu của ngành ngân hàng sẽ gia tăng trong năm nay và ảnh hưởng lên lợi nhuận của các nhà băng trong giai đoạn tới.
Dự thảo sửa đổi Thông tư 01 của Ngân hàng Nhà nước gần đây được hé lộ đã phần nào cho thấy những lo ngại này là có cơ sở, với đề xuất các ngân hàng trong năm 2021 này phải bắt đầu trích dự phòng bổ sung cho những khoản nợ đã tái cơ cấu này, với tỷ lệ 30% số tiền chênh lệch giữa dự phòng cụ thể phải trích lập đối với toàn bộ dư nợ của khách hàng và số trích lập trên dư nợ được cơ cấu của khách hàng. Đến năm 2020 sẽ nâng lên 60% số tiền chênh lệch và năm 2023 là 100%, xem như buộc phải xử lý xong trước năm 2024.
Trước những kỳ vọng nền kinh tế đang và sẽ tiếp tục phục hồi tích cực, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp sẽ khởi sắc trở lại giúp năng lực tài chính của nhóm này được cải thiện, đủ sức trả lãi cũng như nợ gốc như giai đoạn trước đây, giúp các khoản nợ của những khách hàng vốn đã được tái cơ cấu này sẽ không còn là nguy cơ trở thành nợ xấu.
Dù vậy, trước những kỳ vọng nền kinh tế đang và sẽ tiếp tục phục hồi tích cực, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp sẽ khởi sắc trở lại giúp năng lực tài chính của nhóm này được cải thiện, đủ sức trả lãi cũng như nợ gốc như giai đoạn trước đây. Điều này sẽ giúp các khoản nợ của những khách hàng vốn đã được tái cơ cấu này sẽ không còn là nguy cơ trở thành nợ xấu, theo đó các ngân hàng cũng sẽ dỡ bỏ dần được gánh nặng này và cho thấy quyết sách của Thông tư 01 trong năm 2020 là phù hợp.
Thực tế con số nợ tái cơ cấu của 11 ngân hàng đang niêm yết là ACB, BIDV, VietinBank, HDBank, MBBank, Sacombank, Techcombank, TPBank, Vietcombank, VIB và VPBank sau khi đạt mức cao nhất trong quý III/2020 là 120,7 nghìn tỷ đồng đã giảm trở lại trong quý IV/2020 chỉ còn 102,916 nghìn tỷ đồng, theo thống kê của Công ty Chứng khoán BIDV.
Có được kết quả này là nhờ vào việc kiểm soát dịch bệnh thành công tại Việt Nam và nền kinh tế phục hồi đã giúp các doanh nghiệp nằm trong diện tái cơ cấu bắt đầu quay trở lại hoạt động sản xuất kinh doanh, từ đó không cần tái cơ cấu. Ngoài ra, các khoản nợ đã tái cơ cấu sau đó đã trả được nợ và không còn nằm trong diện tái cơ cấu. Do đó, con số nợ tái cơ cấu có nguy cơ trở thành nợ xấu trong thời gian tới có thể tiếp tục giảm xuống, giúp giảm áp lực trích lập dự phòng rủi ro tín dụng cho các ngân hàng nếu phải thực hiện theo quy định.
Như vậy, lợi nhuận của các ngân hàng này có thể vẫn tiếp tục duy trì đà tăng trưởng trong năm nay, nhất là khi tăng trưởng tín dụng trong năm nay được kỳ vọng sẽ đạt mức cao hơn và nhu cầu vay vốn có thể mạnh mẽ ngay từ đầu năm. Với lợi nhuận tiếp tục khả quan, kỳ vọng sẽ tạo điều kiện cho ngành ngân hàng có thể giảm thêm lãi suất cho vay theo định hướng của nhà điều hành, như là một giải pháp quan trọng để hỗ trợ cho tăng trưởng.