Những giả thuyết về vụ tấn công cầu Crimea

Thanh Tâm| 11/10/2022 00:00

Giới chức Nga nhận định cầu Crimea bị đánh bom xe, nhưng một số chuyên gia tin rằng cây cầu có thể bị tập kích bằng thiết bị không người lái.

Vụ nổ trên cầu Kerch nối vùng Krasnodar ở tây nam nước Nga với bán đảo Crimea sáng 8/10 đã khiến nhiều người choáng váng với quy mô của nó, nhiều chuyên gia tự hỏi ai là người đứng sau và cách thức tiến hành. Các quan chức Nga sau đó nhanh chóng đưa ra nhận định rằng một chiếc xe tải chứa bom đã được kích hoạt trên cầu, khiến hai nhịp cầu bị sập xuống và lửa lan sang đoàn tàu đang chạy qua, khiến 7 toa chở nhiên liệu bốc cháy dữ dội.

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 9/10 nói rằng đây là "hành động khủng bố" do lực lượng đặc nhiệm Ukraine nghĩ ra, thực hiện và tiến hành nhằm phá hủy cơ sở hạ tầng dân sự cực kỳ quan trọng của Nga. Tuy nhiên, ông Putin không đề cập đến thông tin về xe bom.

Tốc độ lan truyền quá nhanh chóng của giả thuyết "xe bom" ở Nga cũng khiến các chuyên gia phương Tây hoài nghi và chỉ ra một số điểm bất hợp lý của nó. Họ cũng nêu ra một số nhận định về nguyên nhân khác có thể gây ra vụ nổ ở cầu Crimea.

Giả thuyết "xe bom" được nêu ra sau khi giới chức Nga công bố video từ camera giám sát cho thấy vụ nổ dường như bùng lên từ một chiếc xe tải màu trắng đang chạy trên cầu. Trong video, quả cầu lửa xuất hiện ở ngay sau đuôi hoặc bên cạnh chiếc xe tải đang leo lên dốc cầu, khi nó đi song song với đoàn tàu chở nhiên liệu, khiến thiệt hại trở nên nặng nề hơn.

Các nhà điều tra Nga cho biết ít nhất ba người thiệt mạng trong vụ nổ, nhưng không rõ liệu họ có là người tham gia vụ tấn công hay người qua đường vô tội. "Tôi đã chứng kiến rất nhiều vụ nổ bom xe cỡ lớn trong sự nghiệp của mình", một chuyên gia về chất nổ từng phục vụ trong quân đội Anh nói với BBC. "Một vụ nổ bom xe ở không gian mở không giống thế này".

Theo các chuyên gia quân sự, luồng sóng xung kích từ bom xe khi kích nổ có xu hướng tạo thành hình nón hướng lên trên, thay vì tập trung sức nổ xuống dưới. Bởi vậy, quả bom trong xe nếu có cũng rất khó làm sập hai nhịp bê tông của cầu Crimea. "Các cây cầu thường được thiết kế để chống chịu rất tốt với sức ép từ trên xuống dưới, cũng như chống lại gió ngang", chuyên gia quân sự người Anh nói.

Serhiy Kuzan, cố vấn Bộ Quốc phòng Ukraine, cũng không đồng tình với giả thuyết "bom xe". Kuzan cho hay khi phân tích các cảnh quay về cây cầu, ông nhận ra có hai vụ nổ đã xảy ra. "Chúng tôi thấy cây cầu bị phá hủy ở hai địa điểm", ông nói, thêm rằng việc nhận định vụ tấn công do chiếc xe tải gây ra cho phép Nga cáo buộc đây là vụ tấn công khủng bố, hơn là cuộc tấn công quân sự có tính toán.

Chuyên gia người Anh chỉ ra một kịch bản khác là cầu Crimea bị một phương tiện không người lái mang bom tấn công từ bên dưới. Một số video dường như cho thấy có phương tiện di chuyển dưới gầm cầu vào thời điểm xảy ra vụ nổ. "Các cây cầu thường không chống chịu tốt với sức nổ từ dưới lên. Tôi cho rằng đây là điều mà bên tấn công đã tận dụng", ông nói.

"Có thể là vụ nổ do con tàu điều khiển từ xa thông qua cảm biến kích nổ khi đi qua phía dưới cây cầu", OSINT Amateur, một nhóm điều tra, dự đoán trên Twitter. 

Hình ảnh một thiết bị lặn không người lái trôi dạt vào bờ biển Crimea, được chia sẻ trên mạng xã hội hồi đầu năm nay, củng cố nhận định Ukraine có thể thực hiện một vụ tấn công kiểu này.

Cầu Crimea sau vụ nổ ngày 8/10. Ảnh: Reuters.

Cầu Crimea sau vụ nổ ngày 8/10. Ảnh: Reuters.

Nhiều chuyên gia quân sự cũng cho rằng cây cầu có thể bị tập kích bằng tên lửa, dù khả năng này khó xảy ra. Cây cầu nằm ngoài tầm bắn của pháo HIMARS mà Washington cung cấp cho Kiev, đồng thời quan chức quốc phòng Mỹ từng cảnh báo Ukraine không sử dụng hệ thống vũ khí đó để tấn công cây cầu.

Nhưng hai tên lửa chống hạm Neptune mà Ukraine tự phát triển và từng được sử dụng để tấn công tàu hạm đội Biển Đen của Nga hồi tháng 4, cho thấy Kiev hoàn toàn có thể sử dụng hiệu quả cách thức tấn công này chống lại Nga, dù ở khoảng cách ngắn hơn.

Những đòn tấn công chính xác đến ngạc nhiên đó cho thấy phương Tây có thể đang cung cấp hỗ trợ kỹ thuật giúp cải thiện vũ khí của Ukraine, theo giới phân tích. Cho đến nay, các đồng minh phương Tây vẫn từ chối yêu cầu của Kiev về các tên lửa tầm xa hơn do Mỹ sản xuất.

Khi được hỏi điều gì đã xảy ra trên cầu Crimea, một quan chức phương Tây nói "hãy kiểm tra thời tiết xem có nhiều mây, sấm sét hay mưa", điều mà giới quan sát cho rằng để ám chỉ tới Grim2, loại tên lửa của Ukraine với tầm bắn lý thuyết lên tới 500 km mà nước này phát triển suốt nhiều thập kỷ qua.

Grim và tên lửa Grom trước đó trong tiếng Ukraine có nghĩa là sấm sét. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng mô tả thời tiết ở Crimea là "nhiều mây" trong bài phát biểu hàng đêm ngày 8/10. NR Jenzen-Jones, chuyên gia về vũ khí và đạn dược tại Tổ chức Nghiên cứu Vũ khí, cho rằng còn quá sớm để khẳng định chắc chắn về nguyên nhân vụ nổ dựa trên những thông tin được công bố. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia quân sự tin rằng lực lượng tình báo Ukraine là nhóm có khả năng cao nhất gây ra vụ tấn công.

Viktor Andrusiv, cựu cố vấn Bộ Nội vụ Kiev, nói rằng lực lượng đặc nhiệm mà ông từng tham gia sở hữu nhiều tên lửa, phương tiện bay không người lái, thiết bị lặn, tàu tàng hình và bom xe tải. Tuy nhiên, các tên lửa mà Ukraine không có tầm bắn xa với độ chính xác như vậy, trong khi các lựa chọn khác cần vũ khí chuyên dụng mà họ không có.

Một cố vấn phương Tây nhận định lực lượng tình báo Ukraine có thể đã kết hợp những hoạt động tác chiến kiểu NATO với hoạt động bí mật kiểu tình báo Mossad của Israel. Họ có thể triển khai lực lượng hoạt động sâu trong các khu vực mà Nga kiểm soát để chờ thời cơ hành động.

Cầu vượt qua eo biển Kerch được khởi công năm 2015, sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea, và hoàn thiện năm 2018. Cây cầu trị giá hàng tỷ USD nối bán đảo Crimea với vùng Krasnodar ở tây nam nước Nga. Đây là cây cầu dài nhất châu Âu, cho phép ôtô và tàu hỏa qua lại. Sau khi mở chiến dịch quân sự hồi cuối tháng 2, Nga sử dụng cầu này để vận chuyển tăng thiết giáp, khí tài và đạn dược vào các khu vực miền nam Ukraine.

Chuyên gia Jenzen-Jones cho rằng tín hiệu được gửi đi qua cuộc tấn công cầu Crimea mạnh mẽ hơn những thách thức hậu cần mà Nga phải đối mặt sau vụ tấn công, bởi thực tế cây cầu chỉ bị thiệt hại một trong hai làn đường bộ và hoạt động giao thông trên cầu được nối lại sau đó không lâu.

"Nếu thiệt hại với cầu Kerch thực sự là do cuộc tấn công của Ukraine gây ra, nó sẽ đại diện cho một chiến thắng về mặt tuyên truyền nhiều hơn là thành quả về quân sự", ông nói.

Andriy Zagorodnyuk, cựu bộ trưởng quốc phòng Ukraine và hiện là cố vấn của chính quyền Tổng thống Zelensky, đồng tình với nhận định này. "Nó phá hoại niềm tin vào quân đội Nga, chính phủ Nga và của người Nga nói chung khi họ không có khả năng bảo vệ vùng lãnh thổ đang kiểm soát. Điều đó cực kỳ quan trọng", Zagorodnyuk nói.

(Theo VnExpress)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Những giả thuyết về vụ tấn công cầu Crimea
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO