Chính phủ Việt Nam đang trực tiếp cung cấp dịch vụ hành chính công, các dịch vụ công phi lợi nhuận và các dịch vụ công ích, nhưng hiệu quả chưa cao. Việt Nam đang tìm kiếm các tiêu chí, mô hình tư nhân hóa dịch vụ công để áp dụng trong bối cảnh kinh tế phát triển chậm lại những năm gần đây.
Đọc E-paper
Nguồn lực chi cho hệ thống cung cấp dịch vụ công từ trung ương đến địa phương ở Việt Nam hiện rất lớn, bởi có đến hơn 55.000 đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động trong nhiều lĩnh vực. Thế nhưng chi tiêu cho dịch vụ công ở Việt Nam vẫn còn thấp so với chuẩn quốc tế, đó là chưa nói đến các thủ tục cung cấp dịch vụ công phức tạp và tạo ra nhiều rào cản.
Chính phủ Việt Nam thể hiện quyết tâm cải cách dịch vụ công thông qua việc ban hành các văn bản pháp quy về cổ phần hóa đơn vị sự nghiệp công lập. Thế nhưng, cổ phần hóa các lĩnh vực giáo dục, y tế, trong đó có nghiên cứu khoa học phải có cách tiếp cận khác, đó là phải có sự tham gia của khu vực tư nhân.
Khái niệm tư nhân hóa ở đây được hiểu theo nghĩa rộng, không chỉ liên quan đến bán trực tiếp tài sản của lĩnh vực công, dịch vụ công cho tư nhân mà cả những dịch vụ được giao khoán cho khu vực tư nhân.
Khu vực kinh tế tư nhân của Việt Nam có tốc độ phát triển nhanh trong 20 năm gần đây, chiếm 99% tổng số doanh nghiệp, đóng góp khoảng 29% GDP. Khu vực kinh tế tư nhân hiện đã có đủ nguồn lực và công nghệ để cung cấp dịch vụ công thay cho khu vực nhà nước.
Việt Nam đã có 2 đơn vị dịch vụ công cổ phần hóa, trong đó Bệnh viện Giao thông - Vận tải - một bệnh viện quy mô nhỏ thành lập năm 1995, năm 2016, khi cổ phần hóa đã bán 30% cổ phần cho khu vực tư nhân.
>>Tập đoàn kinh tế tư nhân Việt học gì từ chaebol Hàn?
Bây giờ người lao động có lương cao hơn, chất lượng phục vụ bệnh nhân tốt hơn. Thế nhưng làm thế nào để mô hình này hoạt động bền vững là không dễ, bởi vì lĩnh vực y tế gắn chặt với hệ thống bảo hiểm, mà tới mức độ nào thì chính phủ có thể điều chỉnh mức giá bảo hiểm bằng giá dịch vụ y tế tương ứng với chất lượng dịch vụ.
Việt Nam có thể học hỏi một vài kinh nghiệm của Hàn Quốc về cổ phần hóa dịch vụ công, dù mô hình này giữa 2 nước có sự khác biệt. Hàn Quốc có 320 đơn vị công lập như doanh nghiệp công, doanh nghiệp bán công, các tổ chức công khác. Theo luật pháp Hàn Quốc, doanh nghiệp công phải có trên 50 người làm việc, phải có 50% doanh thu từ hoạt động. Hàn Quốc cũng có những tổ chức cung cấp dịch vụ công.
Tiêu chí dành cho một tổ chức cung cấp dịch vụ công là có tài sản trị giá 2 nghìn tỷ won (khoảng 2 tỷ USD) và trên 85% doanh thu là do tự doanh. Các doanh nghiệp công hoạt động theo cơ chế thị trường, một số có sản phẩm sở hữu trí tuệ, tức là hoạt động một phần theo cơ chế thị trường và một phần vẫn của nhà nước và đã tiến hành IPO (niêm yết lần đầu ra công chúng). Hàn Quốc còn có các tổ chức bán công hoạt động theo hợp đồng khoán.
Tại Hàn Quốc, các đơn vị y tế công lập được gọi là bệnh viện công, phòng khám công. Cạnh đó cũng có các bệnh viện được chia thành 2 nhóm: các tổ chức chăm sóc y tế phi lợi nhuận và các phòng khám do bác sĩ mở ra 100% vốn tư nhân để thu lợi nhuận. Tuy nhiên trong lĩnh vực y tế, chính phủ không cho tư nhân hóa hệ thống chăm sóc y tế do nhà nước tổ chức.
Hàn Quốc có 28 viện nghiên cứu quốc gia và 52 viện nghiên cứu công lập, người lao động đều là công chức. Chính phủ Hàn Quốc chưa cho phép tư nhân hóa các viện nghiên cứu.
Chính phủ Việt Nam có thể đặt ra những tiêu chí phân loại, xem xét và đưa ra những quyết định có cổ phần hóa hay không khu vực công. Nếu cổ phần hóa, Việt Nam cần xác định bản chất của dịch vụ, tính phổ biến của dịch vụ, đồng thời tính đến tính hấp dẫn của thị trường. Cổ phần hóa các cơ sở y tế cần được xem xét đồng thời với hệ thống bảo hiểm y tế và tính chất của các dịch vụ.
Cạnh đó, Chính phủ Việt Nam nên đánh giá lợi ích của các chương trình nghiên cứu do mỗi tổ chức nghiên cứu khoa học và công nghệ thực hiện khi xem xét có nên cổ phần hóa hay không.
>>Arab Saudi tư nhân hóa sân bay nhằm tăng nguồn thu ngân sách