Người tiêu dùng cũng cần được “giải cứu”

Chung Thanh Huy| 02/03/2020 07:54

Những ngày qua, trước việc các loại nông sản, hàng hóa bị đình trệ xuất khẩu vì dịch Covid-19, người dân khắp nơi chung tay khắc phục hậu quả bằng việc tuyên truyền, kêu gọi và thành lập nhiều điểm “giải cứu”, nhằm thúc đẩy việc tiêu thụ nông sản, hàng hóa trong nước, giúp bà con, tiểu thương giảm thiểu thiệt hại.

Người tiêu dùng cũng cần được “giải cứu”

Bên cạnh sự ấm áp của tình người, lợi dụng tâm lý người dân sẵn sàng “giải cứu” những loại hàng hóa bị đình trệ xuất khẩu vì dịch Covid-19, nhiều tiểu thương đã trà trộn những sản phẩm kém chất lượng, thậm chí “treo đầu dê, bán thịt chó” để trục lợi. Đã có không ít ý kiến của người tiêu dùng cho rằng chất lượng của nông sản  được “giải cứu” thuộc dạng “may nhờ rủi chịu” chứ chẳng biết đâu mà lường. Mới nghe có vẻ phủ phàng nhưng trong thực tế đã có tình trạng trà trộn nông sản kém chất lượng đánh lừa người tiêu dùng. Bởi lẽ chẳng ai giám sát, kiểm tra chất lượng các mặt hàng dang giải cứu đang tràn lan khắp nơi.    

Bên cạnh các loại nông sản, tôm hùm là một mặt hàng gây sốt được nhiều tiểu thương kêu gọi “giải cứu”. Giá tôm hùm được bán rẻ, chỉ bằng một nửa, thậm chí bằng 1/3 so với thường ngày. Tuy nhiên theo các thương nhân kinh doanh hải sản tại chợ Bình Điền cho biết, trong thời gian qua, nhiều người ăn tôm hùm xanh mà tưởng là... "giải cứu" tôm hùm bông. Tôm hùm ngộp, giá thường chỉ 250.000 đồng/kg, mua giá 500.000 đồng/kg thì người bán đã lãi gấp đôi rồi. Còn tôm hùm bông sống, không bao giờ cần "giải cứu".

Một vấn đề rất nóng bỏng khác, đó là giá thịt lợn cũng phải làm Chính phủ phải nêu ra câu hỏi “Thịt lợn nói không thiếu và trên thực tế không thiếu, nhưng tại sao giá vẫn cao? Xuống giá ít hoặc không xuống?”. Một số “ông lớn” trong ngành chăn nuôi có lượng thịt lợn áp đảo trên thị trường chỉ sau khi có ý kiến của Chính Phủ mới giảm giá 2 lần trong 1 tháng qua. Cũng nên nhắc lại, vào năm 2017, thời kỳ giá lợn hơi xuống thấp 20.000 – 22.000đ/kg thì chăn nuôi đề nghị được giải cứu, nhưng hiện nay giá lợn hơi đắt đỏ, cách quá xa với giá thành chăn nuôi thì lại chưa “giải cứu” cho người tiêu dùng, đó là nghịch lý xảy ra trên thị trường.

Câu chuyện “giải cứu nông sản” vốn mang ý nghĩa nhân văn tốt đẹp, thể hiện sự tương thân tương ái của cộng đồng, giờ đã bị đẩy đi quá xa bởi những hành động trục lợi từ nhiều tiểu thương. Đối với người tiêu dùng, sau những “cú lừa” như vậy, liệu sau này họ còn có tin vào các cuộc “giải cứu”?

Theo tôi, không cần những cuộc giải cứu mà cần sự thay đổi về tư duy kinh doanh của chính các hộ nông dân. Nhà nước có thể hỗ trợ một phần từ quy hoạch, tìm hiểu thị trường, liên kết doanh nghiệp, hay cung cấp ưu đãi về tín dụng, nhưng những hộ sản xuất phải tự đưa ra quyết định kinh doanh và chịu trách nhiệm chính cho sự thành bại của các quyết định đó. Để giúp nông dân thoát khỏi tình trạng này, cơ quan quản lý cần giám sát và khảo sát nhu cầu thị trường; đưa ra kế hoạch định hướng cho người trồng sát với thực tế. Song song đó, các doanh nghiệp cần vào cuộc để phát triển công nghệ sau thu hoạch, đặc biệt khâu chế biến cần được đẩy mạnh để tạo đầu ra cho nông dân.

Ngần ấy năm giải cứu mà không thiết kế được chiến lược mới, không thay đổi được, đó là vấn đề của mình. Nếu kéo dài tình trạng giải cứu nông sản, nghĩa là chúng ta biến một căn bệnh cấp tính thành bệnh mãn tính. Căn bệnh mãn tính đó cũng kéo dài cả chục năm nay, nếu cứ tiếp tục giải cứu thì nó sẽ còn lây lan ra nữa, làm hại cả cơ thể ngành nông nghiệp Việt Nam.

Các cơ quan quản lý nhà nước cần phải chấn chỉnh một cách kịp thời, chúng ta đều biết trong thực tế, việc mua bán trên thị trường là thỏa thuận, song thỏa thuận một cách áp đặt quá vô lý thì cần phải uốn nắn và chấn chỉnh. Công bằng xã hội, trong đó có công bằng cho người tiêu dùng là một định hướng lớn trong chính sách phát triển kinh tế xã hội. Không để thị trường phát sinh những diễn biến làm cho giá cả méo mó như hiện nay là trái với quy luật của một nền kinh tế thị trường ở Việt Nam đang tiến tới.

Một thực trạng nữa là, không ít người tiêu dùng trong nước cảm thấy buồn khi doanh nghiệp làm ra những sản phẩm tốt, chất lượng cao thì đem xuất khẩu, còn hàng lỗi, hàng kém chất lượng thì đưa về thị trường nội địa; hàng ùn ứ bán không hết mới kêu gọi giải cứu. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến người tiêu dùng mất niềm tin vào nông sản Việt.

Người tiêu dùng Việt cũng cần được đối xử công bằng ngay trên “sân nhà”!

(Bài dự thi Chương trình Doanh Nhân với Người tiêu dùng)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Người tiêu dùng cũng cần được “giải cứu”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO