Toàn cảnh

Doanh nhân Việt Nam đi dưới cờ Tổ quốc: Sẵn sàng bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Hưng Khánh 30/04/2025 10:24

Sáng 30/4/2025, trong không khí hân hoan của Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), khối doanh nhân Việt Nam chính thức xuất hiện, sải bước trên đại lộ Lê Duẩn (TP.HCM) cùng các lực lượng. Hình ảnh những người "chiến sĩ" trên mặt trận kinh tế trong trang phục chỉnh tề, hiên ngang dưới lá cờ Tổ quốc, đã trở thành điểm nhấn đặc biệt, gửi gắm nhiều thông điệp ý nghĩa.

Đến tham dự Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước có Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn. Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên.

Dự buổi lễ còn có nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; nguyên Chủ tịch nước Nguyên Minh Triết, Trương Tấn Sang; nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, Nguyễn Thị Kim Ngân; các nguyên thường trực ban Bí thư Phan Diễn, Lê Hồng Anh, Trần Quốc Vượng.

Các ủy viên, nguyên ủy viên Bộ Chính trị; ủy viên, nguyên ủy viên Trung ương Đảng; lãnh đạo, nguyên lãnh đạo bộ, ngành, TP.HCM và các địa phương; cùng với các cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong, các lực lượng tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử…

Bên cạnh đó còn có lãnh đạo của các nước bạn: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith và đoàn đại biểu cấp cao Đảng, Nhà nước Lào; Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia Hun Sen và đoàn đại biểu cấp cao Vương quốc Campuchia.

Phó chủ tịch nước Cộng hòa Cuba Salvador Valdés Mesa và đoàn đại biểu Đảng, Nhà nước Cộng hòa Cuba; Phó chủ tịch Hạ viện Cộng hòa Belarus Ipatau Vadzim và đoàn đại biểu cộng hòa Belarus; Bộ trưởng Bộ các vấn đề quân nhân xuất ngũ Bùi Kim Giai và đoàn đại biểu Đảng, Nhà nước CHND Trung Hoa.

Ngoài ra còn có thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng các nước; các chính Đảng, các tổ chức quốc tế; đại sứ, trưởng cơ quan đại diện, các tổ chức quốc tế, tùy viên quốc phòng của các nước tại Việt Nam.

z6555817611691_965fe2ff5900ab2f4f9ac7a49a4fbd2b.jpg
Tổng Bí thư Tô Lâm và nhiều lãnh đạo cao cấp Đảng, Nhà nước và khách mời các nước bạn cùng hàng ngàn người dân tham dự

Tổng Bí thư Tô Lâm đọc Diễn văn Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước

Trong phần phát biểu, Tổng Bí thư nhấn mạnh rằng Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là mốc son chói lọi nhất trong lịch sử, đánh dấu sự kết thúc oanh liệt của cuộc chiến đấu kiên cường 30 năm dành độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc. Chiến thắng vĩ đại này chấm dứt ách thống trị hơn một nửa thế kỷ của chủ nghĩa thực dân cũ và mới, đưa đất nước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

"Đây là chiến thắng của niềm tin, của ước nguyện độc lập, tự do và thống nhất đất nước; chiến thắng của sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam; chiến thắng của chân lý "Không có gì quý hơn độc lập, tự do" và của tinh thần yêu nước nồng nàn, ý chí chiến đấu, bất khuất ngàn đời của nhân dân Việt Nam, của các lực lượng tiến bộ và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới", Tổng Bí thư nhấn mạnh.

_dsc7138.jpg
Tổng Bí thư Tô Lâm đọc Diễn văn Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước

Tổng Bí thư cho biết sau 50 năm thống nhất đất nước, gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, đất nước ta đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách và đã đạt được những thành tựu vĩ đại, có ý nghĩa lịch sử; tạo được cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín quốc tế. Từ nước nghèo nàn, lạc hậu, bị chiến tranh tàn phá nặng nề, bị bao vây cô lập, đến nay Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có thu nhập bình quân tiệm cận trung bình cao, hội nhập sâu rộng vào nền chính trị thế giới, nền kinh tế toàn cầu, nền văn minh nhân loại.

Việt Nam cũng đảm nhận nhiều nhiệm vụ quan trọng quốc tế, diễn đàn đa phương quan trọng; độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững. Tiềm lực kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội không ngừng được củng cố; quan hệ đối ngoài ngày càng mở rộng; vị thế, uy tín của đất nước không ngừng nâng cao.

Đến nay Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 194 nước là thành viên Liên hợp quốc; xây dựng các mối quan hệ đối tác chiến lược, đối tác chiến lược toàn diện với tất cả cường quốc trên thế giới, trong đó có Hoa Kỳ và năm 2025 cũng là năm kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.

_dsc8211.jpg
Chiến thắng 30/4/1975 là chiến thắng của niềm tin, của ước nguyện độc lập, tự do và thống nhất đất nước

Tổng Bí thư Tô Lâm chia sẻ rằng nửa thế kỷ đi qua, với những thành tựu vĩ đại đạt được chúng ta đang đứng trước khởi điểm lịch sử mới để đưa đất nước vươn mình, cất cánh, sánh vai với các cường quốc năm châu.

"Để hiện thực hóa khát vọng xây dựng nước Việt Nam hơn mười lần ngày nay, chúng ta phải giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực; phát huy mọi tiềm năng, nguồn lực của đất nước để thúc đẩy phát triển mạnh mẽ kinh tế, xã hội. Năm 2025 phấn đấu tăng trưởng kinh tế đạt từ 8% trở lên và đạt hai con số trong giai đoạn 2026 - 2030", Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Tổng Bí thư chia sẻ hiện nay Đảng, Nhà nước triển khai mạnh mẽ chính sách hòa hợp, hòa giải dân tộc với tinh thần chúng ta đều mang dòng máu Lạc Hồng, là anh em ruột thịt như cây một cội, như con một nhà. Tất cả người Việt Nam đều là con dân nước Việt, đều có quyền sống, làm việc, quyền tự do mưu cầu hạnh phúc và yêu thương trên mảnh đất quê hương, đều có quyền và trách nhiệm góp sức xây dựng Tổ quốc.

Với chủ trương khép lại quá khứ, tôn trọng khác biệt, hướng tới tương lai, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta cùng ra sức phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, hạnh phúc, giàu mạnh và phát triển.

"Là một dân tộc đã trải qua nhiều mất mát từ chiến tranh trong quá khứ và cũng là dân tộc hưởng thụ những lợi ích to lớn từ hòa bình, hợp tác, hữu nghị trong những thập kỷ vừa qua, Việt Nam tha thiết, mong muốn cùng cộng đồng quốc tế xây dựng tương lai hòa bình, ổn định, thịnh vượng, đoàn kết, phát triển. Chúng ta hãy làm được tất cả những gì mong muốn ngày hôm nay để để lại cho thế hệ mai sau không chỉ một thế giới tốt đẹp hơn, mà cả niềm tin về ý thức trách nhiệm, sự thông tuệ của thế hệ hôm nay", Tổng Bí thư chia sẻ.

Doanh nhân Việt Nam sẵn sàng cùng đất nước bước vào kỷ nguyên mới

Chương trình diễu binh, diễu hành với sự hiện diện của khối doanh nhân không chỉ là hình ảnh biểu tượng đầy tự hào về một lực lượng kinh tế quan trọng của đất nước, mà còn là lời khẳng định mạnh mẽ cho tinh thần đồng hành cùng dân tộc trong suốt nửa thế kỷ qua. Từ những ngày đầu gian khó sau chiến tranh đến giai đoạn hội nhập và phát triển ngày nay, đội ngũ doanh nhân Việt Nam luôn tiên phong đổi mới, kiến tạo việc làm, góp phần nâng cao vị thế quốc gia trên trường quốc tế.

Mỗi bước chân của các doanh nhân trong lễ diễu hành là một thông điệp gửi đến tương lai: sau 50 năm thống nhất, kinh tế Việt Nam không chỉ phục hồi, mà còn đang bền bỉ vươn mình mạnh mẽ nhờ bản lĩnh, trí tuệ và lòng yêu nước của cả dân tộc, trong đó có những doanh nhân - chiến sĩ trên mặt trận kinh tế. Đặc biệt, trong thời đại hội nhập sâu rộng và cạnh tranh toàn cầu, doanh nhân Việt Nam tiếp tục giữ vai trò nòng cốt trong công cuộc xây dựng một đất nước hùng cường, thịnh vượng.

z6555791967016_7361061cead44dba990d2d56fbe1e4c4.jpg
Khối đại diện Doanh nhân Việt Nam tiến vào lễ đài

Khu vực kinh tế tư nhân được chính thức thừa nhận trong Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ VI tháng 12/1986 và ngày càng khẳng định vai trò, vị trí trong nhiều nghị quyết, định hướng của Đảng. Quan điểm, chủ trương nhất quán, đúng đắn và xuyên suốt của Đảng, Nhà nước coi kinh tế tư nhân là nền tảng, đã thúc đẩy kinh tế tư nhân vươn lên mạnh mẽ, đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của đất nước suốt chặng đường 40 năm đổi mới.

Trong bài viết “Phát triển kinh tế tư nhân - đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng”, Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ: Nếu như trong giai đoạn đầu đổi mới, kinh tế tư nhân chỉ giữ vai trò thứ yếu, nền kinh tế chủ yếu dựa vào khu vực nhà nước và vốn đầu tư nước ngoài, thì trong hai thập niên trở lại đây, nhất là khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 09 năm 2011 và Trung ương ban hành Nghị quyết 10 năm 2017 về phát triển kinh tế tư nhân, khu vực kinh tế này đã trỗi dậy mạnh mẽ, trở thành một trong những trụ cột quan trọng hàng đầu của nền kinh tế và ngày càng thể hiện là động lực quan trọng nhất để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quốc gia.

anh-man-hinh-2025-04-30-luc-10.10.05.png
Những người chiến sĩ trên mặt trận kinh tế đang gánh vác sứ mệnh “làm giàu cho mình và cho đất nước”, ngày càng thể hiện bản lĩnh kiên cường, trí tuệ sắc sảo và lòng yêu nước không đổi

Từ một nền kinh tế nghèo nàn lạc hậu, thu nhập bình quân đầu người năm 1989 chỉ đạt 96 USD/người, đến nay, Việt Nam đã vươn lên, lọt vào top 40 nền kinh tế hàng đầu thế giới. Tính đến cuối năm 2024, thu nhập bình quân đầu người đã tăng lên gần 4.700 USD/năm, quy mô tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt 476,3 tỷ USD. Trong thành tựu chung của đất nước, có sự đóng góp rất quan trọng của khu vực kinh tế tư nhân.

Số liệu thống kê cho thấy, tính đến ngày 31/12/2024, khu vực kinh tế tư nhân có hơn 940 nghìn doanh nghiệp, khoảng 5,2 triệu hộ kinh doanh cá thể, đóng góp khoảng 51% GDP, hơn 30% ngân sách nhà nước, tạo ra hơn 40 triệu việc làm (chiếm hơn 82% tổng số lao động trong nền kinh tế). Mặc dù đối mặt nhiều khó khăn nhưng kinh tế tư nhân liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, tiếp tục là lực lượng nòng cốt tạo ra của cải vật chất, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm cho người lao động, góp phần ổn định xã hội.

img_5482.jpg
Qua gần 40 năm đổi mới, đội ngũ Doanh nhân Việt Nam không ngừng lớn mạnh, trở thành trụ cột của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước

Khối doanh nhân diễu hành trong ngày trọng đại của dân tộc hôm nay không chỉ mang ý nghĩa tri ân - khẳng định - tôn vinh, mà còn là hình ảnh của một lời hứa với tương lai: tiếp tục dựng xây đất nước bằng sự năng động, sáng tạo và tinh thần trách nhiệm.

Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, cạnh tranh khốc liệt, những người chiến sĩ trên mặt trận kinh tế đang gánh vác sứ mệnh “làm giàu cho mình và cho đất nước”, ngày càng thể hiện bản lĩnh kiên cường, trí tuệ sắc sảo và lòng yêu nước không đổi. Và hôm nay, họ sánh vai cùng các lực lượng quân đội, công an, công - nông - trí thức… như một lực lượng tiên phong cùng đất nước tiến vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Màn diễu binh, diễu hành hoành tráng với sự tham gia của hơn 13.000 người. Ngoài khối Doanh nhân Việt Nam còn có sự tham gia của 23 khối lực lượng quân đội, 3 khối dân quân tự vệ, 12 khối công an, 11 khối quần chúng nhân dân và 3 khối quân đội đến từ Trung Quốc, Lào và Campuchia.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Doanh nhân Việt Nam đi dưới cờ Tổ quốc: Sẵn sàng bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO