Truyền thông quốc tế ấn tượng với Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của Việt Nam
Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025) cấp quốc gia của Việt Nam đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của truyền thông quốc tế.
"Chiến thắng của niềm tin" là cách mà hãng tin Reuters (Anh) nhấn mạnh tầm vóc của sự kiện khi mô tả. Đồng thời, Reuters đánh giá cao chặng đường chuyển mình của Việt Nam trong 50 năm qua, đặc biệt là mối quan hệ Việt - Mỹ từ đối đầu sang hợp tác.
Tờ Financial Times (Anh) dành nhiều dòng để phân tích bài phát biểu của lãnh đạo Việt Nam, coi đó là minh chứng cho tinh thần tự lực và hòa hợp dân tộc. Tờ báo cũng ghi nhận tinh thần hội nhập quốc tế mạnh mẽ của Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu đầy biến động, cho rằng việc tổ chức lễ kỷ niệm với sự tham gia của các đoàn khách quốc tế, cựu chiến binh nước ngoài đã thể hiện quyết tâm xây dựng hòa bình, thúc đẩy hợp tác khu vực và quốc tế.

Trong khi đó, Hãng thông tấn AP của Mỹ đưa tin về việc hàng nghìn người dân đã đổ ra đường từ đêm hôm trước để giữ chỗ, uống cà phê, vẽ cờ lên mặt và hòa mình trong không khí náo nhiệt.
Hãng tin này cũng dẫn phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm về tinh thần hoà giải dân tộc: "Hòa giải dân tộc không có nghĩa là quên đi lịch sử hay xóa bỏ khác biệt, mà là chấp nhận những quan điểm khác nhau trong sự khoan dung và tôn trọng, để hướng tới mục tiêu lớn hơn: xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, hùng mạnh, văn minh và thịnh vượng".

Có mặt tại sự kiện từ rất sớm, các phóng viên của hãng thông tấn AFP (Pháp) sau đó mô tả trong bài viết của mình rằng hàng nghìn người dân, từ người già đến trẻ nhỏ, mặc áo in quốc kỳ, cắm trại qua đêm trên đường phố để chờ đón sự kiện. Hãng tin nhấn mạnh lễ kỷ niệm diễn ra nửa thế kỷ sau khi chiếc xe tăng húc đổ cổng Dinh Độc Lập năm xưa – dấu mốc kết thúc chiến tranh và là đòn giáng mạnh vào uy tín quân sự của Mỹ.
AFP đã phỏng vấn cựu chiến binh Trần Văn Trường (75 tuổi), ông đã từ Hà Nội vào TP.HCM tham dự lễ diễu hành. Ông tự hào về những đóng góp của mình trong công cuộc giải phóng miền nam, đồng thời khẳng định: "Những gì đã qua thì đã qua. Tôi không mang thù hận với những người ở phía bên kia chiến tuyến".
Đặc biệt, AFP cũng lưu ý rằng lần đầu tiên có sự tham gia của hơn 300 binh sĩ đến từ Trung Quốc, Lào và Campuchia trong lễ diễu binh - một thông điệp cho thấy nỗ lực đối ngoại khéo léo của Việt Nam. Hãng tin gọi đó là minh chứng cho "ngoại giao cây tre" - linh hoạt, mềm dẻo nhưng kiên định của Việt Nam.
AFP còn phản ánh không khí sôi động tại TP.HCM từ đêm 29/4, khi âm nhạc vang vọng khắp các tuyến phố và các nhóm thanh niên háo hức chờ đón lễ kỷ niệm. Sinh viên Thăng Đặng (19 tuổi), cho biết anh cùng 250 bạn học mang theo cờ Đảng tham gia diễu hành và sẽ kể lại trải nghiệm này cho con cháu mình: "Tôi rất tự hào, và cả gia đình tôi cũng vậy".

Không chỉ truyền thông phương Tây, ở châu Á, Đài truyền hình quốc gia NHK đã phát sóng phóng sự trực tiếp từ TP.HCM, mô tả không khí lễ kỷ niệm với hàng chục nghìn người tham dự, cờ đỏ sao vàng rợp trời và màn diễu binh – diễu hành hoành tráng. NHK nhấn mạnh bài phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm, trong đó ông khẳng định: "Chiến thắng năm 1975 là bài học sâu sắc về việc biết gác lại quá khứ, hướng tới tương lai" và thể hiện mong muốn Việt Nam "sánh vai cùng các cường quốc trên thế giới".
Tờ Asahi Shimbun mô tả khung cảnh trung tâm TP.HCM rực rỡ với băng rôn, khẩu hiệu và áp phích kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước. Tờ này cũng dẫn phỏng vấn ông Phạm Ngọc Sơn - một cựu chiến binh 69 tuổi, từng là tài xế xe tải quân đội chở quân và hàng tiếp tế từ miền Bắc vào miền Nam qua đường mòn Hồ Chí Minh. Ông đang trong chuyến tham quan thành phố kéo dài một tuần, nơi ông nhớ lại mình đã từng vào đây với tư cách là một phần của quân đội miền Bắc tiếp quản. Ông cho biết ông trân trọng những kỷ niệm đó và không thể diễn tả được niềm vui mà ông cảm thấy vào thời điểm đó. "Nhưng giờ đây chỉ còn không gian cho hòa bình và hữu nghị giữa Mỹ và Việt Nam. Chiến tranh đã kết thúc từ lâu rồi", tờ Asahi Shimbun dẫn lời ông Sơn.

Thông tấn xã Lào KPL có bài viết đậm nét về Lễ kỷ niệm 50. Trong đó, Trung tướng Vongsone Inpanphim - Thứ trưởng Quốc phòng, Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Lào, nhận định chiến thắng 30/4 không chỉ có ý nghĩa đối với Việt Nam mà còn là mốc lịch sử quan trọng với cả ba nước Đông Dương.
Ông nhấn mạnh dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân và quân đội Việt Nam đã đánh bại một cường quốc quân sự hùng mạnh để giành lại độc lập, thống nhất, đồng thời mở đường cho hành trình phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Sự tham gia của quân đội Lào trong lễ duyệt binh lần này là biểu tượng sinh động cho mối quan hệ đặc biệt, bền chặt và đầy nghĩa tình của hai quốc gia, đồng thời phản ánh sự trưởng thành, sức mạnh và tinh thần quốc tế trong sáng của quân đội Lào và Việt Nam - đội quân anh hùng của các dân tộc anh hùng, sát cánh cùng nhau gìn giữ những thành tựu vô giá của cả hai dân tộc.

Các hãng tin từ Mỹ Latinh và Cuba cũng có những bài viết mang đậm sắc thái chính trị và ngợi ca tinh thần cách mạng. Hãng tin Prensa Latina (Cuba) gọi lễ kỷ niệm là minh chứng cho bản lĩnh, sự kiên cường và trí tuệ của nhân dân Việt Nam. Trong khi đó, báo chí Mexico và Argentina đặc biệt chú ý tới các thành tựu kinh tế của Việt Nam, coi đây là một hình mẫu về phát triển bền vững sau chiến tranh, thu hút đầu tư và duy trì tốc độ tăng trưởng trong bối cảnh toàn cầu đầy bất ổn.
Theo thông tin từ ban tổ chức, có 701 phóng viên của 106 cơ quan Báo chí Việt Nam và 169 Phóng viên nước ngoài thuộc 58 cơ quan Báo chí nước ngoài tham dự tác nghiệp tại 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).