Ngành điều với những tín hiệu vui

An Phương| 30/08/2019 06:00

Từ đầu năm 2019, các doanh nghiệp chế biến điều “bớt cạnh tranh lẫn nhau” mà phân tích cặn kẽ thị trường để phục vụ kinh doanh và chuyên tâm vào chế biến sâu...

Ngành điều với những tín hiệu vui

Bảy tháng đầu năm 2019, Việt Nam xuất khẩu gần 245.000 tấn điều nhân, tăng gần 11% so với cùng kỳ năm 2018, nhưng giá lại giảm gần 22%, chỉ đạt 1,8 tỷ USD. Trước tình hình này, các doanh nghiệp (DN) ngành điều càng phải hợp tác làm ăn và chế biến sâu để gia tăng giá trị hạt điều.

Mặc dù 10 năm liền Việt Nam là nước xuất khẩu hạt điều nhiều nhất thế giới nhưng hầu hết là xuất thô, tức chỉ sơ chế thành điều nhân rồi bán cho gần 100 thị trường trên thế giới, kim ngạch hằng năm trên 3 tỷ USD, nhưng phần lãi thu về không tương xứng với số vốn và công sức bỏ ra.

Cũng như hạt gạo, hạt điều Việt Nam gần như chưa có thương hiệu, nhưng hạt gạo thì được nông dân trong nước làm ra, còn để có đủ điều nhân xuất khẩu phải nhập đến 2/3 nguyên liệu, chủ yếu từ Bờ Biển Ngà, Tanzania, một số nước thuộc khu vực Tây Phi và Campuchia. Cách kinh doanh của hầu hết DN ngành điều chẳng khác mấy cách gia công sản phẩm cho DN nước ngoài của ngành may mặc.

Chủ tịch VINACAS Phạm Văn Công yêu cầu DN điều khi ký kết hợp đồng mua điều thô ở nước ngoài phải chặt chẽ từng chi tiết nếu có tranh chấp xảy ra thì dễ giải quyết. Ông Công đặc biệt khuyến cáo trong hợp đồng mua điều thô phải có điều khoản khi đối tác không bảo đảm chất lượng hay “lật kèo” thì phải giải quyết ở Việt Nam chứ không thể qua tận châu Phi.

Không phải DN ngành điều không thấy những bất cập ấy, nhưng phải chấp nhận, do đó đã xảy ra tình trạng tranh mua, tranh bán. Như năm ngoái, do thiếu nguyên liệu, một số DN đã tăng giá để nhập bằng được hạt điều thô. Việc cạnh tranh không lành mạnh trong thu mua nguyên liệu đã tạo ra cơn sốt giá nguyên liệu trong khi nhu cầu điều nhân trên thế giới chỉ tăng khoảng 5% thì điều nhân của Việt Nam tăng tới 25%. Việt Nam là quốc gia đứng đầu thế giới về xuất khẩu điều nhân với thị phần tới 60% mà giá điều nhân còn 8.400 USD/tấn rồi tiếp tục giảm còn hơn 8.100 USD/tấn, buộc 70-80% DN chế biến quy mô nhỏ tại “thủ phủ” điều Bình Dương và một số DN tầm trung tạm ngừng hoạt động.

Năm nay thì tình hình đã khác khi trong 7 tháng đầu năm, DN điều đã hợp tác nhập 940.000 tấn điều thô, với tổng kim ngạch 1,2 tỷ USD, tăng 42% về lượng, giá bình quân giảm trên 31% so với cùng kỳ 2018. Điều này đã giải tỏa đáng kể nỗi lo về nguyên liệu cho DN khi có nguồn cung ổn định thay vì phải cạnh tranh với nhau để mua điều thô như năm 2018 làm giá tăng đột biến.

Đặc biệt, mới đây, Tập đoàn Tân Long - một DN lớn trong lĩnh vực nông sản của Việt Nam đã tham gia vào ngành điều với việc mua 215.000 tấn điều thô từ châu Phi, trong đó có 176.000 tấn mua của Chính phủ Tanzania. Tập đoàn Tân Long cam kết sẽ hợp tác với DN điều bằng cách phân bổ nguồn nguyên liệu này theo nhu cầu. Như vậy là sau ngành gỗ với sàn giao dịch đầu tiên ở Đồng Nai, rồi mới đây là sàn Giao dịch thương mại điện tử chuyên ngành đồ gỗ Bình Định, hy vọng Tập đoàn Tân Long sẽ tạo được  sàn giao dịch chuyên về hạt điều để giúp bình ổn giá nguyên liệu, tiến tới giao dịch theo phương thức khớp lệnh để tránh tình trạng mua - bán giao ngay với giá lên xuống bấp bênh.

Theo các chuyên gia của Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS), giá điều nhân trên thế giới hiện ở mức đáy nên cuối năm có khả năng sẽ tăng do nhu cầu điều nhân toàn cầu tăng trong quý IV/2019.

Dù vậy, các nhà rang chiên lớn của Mỹ và EU - nơi nhập nhiều điều nhân nhất của Việt Nam đều khẳng định sắp tới sẽ áp dụng thêm một số tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và sẽ kiểm kỹ hơn dư lượng hóa chất cấm trong nguyên liệu này. Như vậy đòi hỏi điều nhân của DN Việt Nam ngày càng “sạch” hơn.

Link bài viết

Tín hiệu đáng mừng là từ đầu năm 2019, các DN chế biến điều “bớt cạnh tranh lẫn nhau” mà phân tích cặn kẽ thị trường để phục vụ kinh doanh và chuyên tâm vào chế biến sâu để có giá bán ổn định, có thị trường bền vững, tăng giá trị gia tăng cho sản phẩm. Đáng mừng nữa là DN về thương mại hạt điều thô đã giảm, những DN chế biến lớn đã tập trung nhiều hơn vào lĩnh vực chính thay vì tham gia thị trường nguyên liệu như trước đây.

Về chế biến sâu, ngoài rang chiên muối còn vỏ lụa hay không vỏ lụa, một số DN đã có hạt điều tẩm mật ong, hạt điều tẩm gia vị, hạt điều wasabi (mù tạt), hạt điều rang bơ lá chanh... bán được giá cao trong nước nhưng lượng xuất khẩu chưa nhiều, chưa có thương hiệu nào được khẳng định.

Ông Nguyễn Thế Phiệt - Đại sứ danh dự Bờ Biển Ngà tại Việt Nam - người đại diện VINACAS tại Bờ Biển Ngà cảnh báo, một số nước châu Phi bắt đầu tập trung vào chế biến điều nên nguồn nguyên liệu nhập về Việt Nam sẽ ít hẳn trong tương lai gần, vì thế, các DN điều Việt Nam phải có chiến lược phát triển mang tính bền vững, khác biệt, như hợp tác đầu tư trồng điều ở Campuchia và Lào - nơi quỹ đất còn lớn, đầu tư cùng nông dân trong nước trồng điều giống mới, năng suất cao theo phương thức hữu cơ và tăng cường chế biến sâu. Ông Phiệt cũng đề nghị VINACAS lập danh sách những DN xuất nhập điều uy tín để tạo điều kiện cho họ được hưởng những ưu đãi về tín dụng, đồng thời lập danh sách các đơn vị làm ăn thiếu uy tín ở châu Phi để cảnh báo với các đối tác trên thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ngành điều với những tín hiệu vui
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO