"Vaccine cho doanh nghiệp", từ sống sót đến thịnh vượng

An Phương| 17/10/2021 09:00

Giống như con người cần được tiêm vaccine để phòng bệnh, để sống khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống, doanh nghiệp cũng cần "vaccine" để tồn tại, thích ứng an toàn trong đại dịch và phục hồi mạnh mẽ sau dịch bệnh.

Đại dịch Covid-19 kéo dài đã khiến nhiều doanh nghiệp (DN) phải đối mặt nguy cơ phá sản; chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế bị đứt gãy do các đợt giãn cách liên tiếp. Theo Tổng cục Thống kê, trong 9 tháng năm 2021, tổng số doanh nghiệp thành lập mới đạt 85.500, giảm 13,6% so với cùng kỳ năm trước; số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 90.300, tăng 15,3%. Tăng trưởng âm trong 9 tháng đầu năm của một số ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn đã làm giảm mức tăng chung của khu vực dịch vụ và toàn bộ nền kinh tế. Ngành bán buôn, bán lẻ giảm 3,1% so với cùng kỳ năm trước, làm giảm 0,3% điểm phần trăm trong tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành vận tải kho bãi giảm 7,79%, làm giảm 0,47 điểm phần trăm; ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm 23,18%, làm giảm 0,57 điểm phần trăm.

Mới đây, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tổng kết 8 nhóm vấn đề khó khăn mà nhiều DN đang phải đối mặt. Đó là tổng cầu giảm mạnh khiến các đơn hàng, hợp đồng, sản lượng giảm theo; doanh thu lao dốc trên diện rộng, nhất là với nhà hàng, khách sạn, công ty du lịch, hãng hàng không; chi phí đầu vào, chi phí vận chuyển tăng cao; chuỗi cung ứng sản xuất, xuất khẩu bị gián đoạn, đình trệ cục bộ; lưu thông hàng hóa trong và ngoài nước gặp khó khăn; phải cắt giảm nhân viên trước mắt và đối mặt tình trạng thiếu lao động sau khi đại dịch Covid-19 được khống chế; thiếu chuyên gia nước ngoài vì họ gặp khó trong vấn đề nhập cảnh, mất thời gian cách ly; và khả năng tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước còn thấp.

hinh-top-6769-1634395994.jpg

Trong khi đó, đại dịch Covid-19 trên toàn cầu vẫn diễn biến phức tạp, nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam, xác định phải thích ứng linh hoạt, tiến tới chung sống an toàn với SARS-CoV-2. Giống như vaccine cho cơ thể người, "vaccine cho doanh nghiệp" giúp tạo ra kháng thể, bảo vệ DN trước "virus" rủi ro, thách thức trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Loại "vaccine cho doanh nghiệp" được thực tiễn chứng minh có hiệu quả nhất, cả trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, chính là "vaccine sách". Tất nhiên, sách phải được thiết kế riêng, để nội dung phù hợp nhất với doanh nhân, nhà quản lý, đáp ứng tốt nhất nhu cầu của DN trong bối cảnh khó khăn chung cũng như trong những tình huống cụ thể.

Hiện nay, "vaccine sách" có thể được quy vào 3 nhóm. Nhóm 1 giúp DN sống sót qua suy thoái, biến nguy thành cơ. Nhóm 2 trợ giúp tinh gọn để hồi phục từ nghịch cảnh. Nhóm 3 giúp tăng trí tuệ xúc cảm trong vận hành DN.  

Nhóm 1 tập trung vào 2 chủ đề chính là chiến lược và quản trị. Về quản trị DN, nhất là trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp 4.0 diễn ra mạnh mẽ, mô hình, phương thức sản xuất, kinh doanh thay đổi đáng kể trong đại dịch Covid-19, yếu tố tinh gọn trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Điều này giải thích tại sao các đầu sách có từ khóa “tinh gọn” được tìm đọc nhiều, như “Vận hành tinh gọn”, “Phát triển khách hàng tinh gọn”, “Phân tích dữ liệu tinh gọn”… Ví dụ, cuốn “Phát triển khách hàng tinh gọn” nêu rõ thực tế nhiều DN tập trung tối ưu hóa quá trình phát triển sản phẩm mà quên phát triển khách hàng, khiến sản phẩm mới khó được thị trường chấp nhận. Và quan trọng hơn, sách đưa ra giải pháp 6 bước để khách hàng không thể chối từ sản phẩm, dù mới được tung ra trong bối cảnh DN buộc phải đa dạng hóa sản phẩm trong tình hình kinh tế khó khăn. 

hinh-01-5849-1634395994.jpg

Nhóm 2 có 8 chủ đề chính, gồm: cách thức làm việc, quản lý năng suất lao động, quy trình làm việc, công nghệ, quản trị nhân sự, marketing và bán hàng, sản xuất và tài chính.

Khi Covid vẫn diễn biến phức tạp trên toàn cầu, cách thức làm việc đã thay đổi mạnh mẽ, nhiều DN chuyển từ offline (trực tiếp) sang online (trực tuyến). Nhưng làm thế nào để giảm chi phí vận hành mà vẫn duy trì, thậm chí nâng cao hiệu suất, hiệu quả?

Những "vaccine sách" có chủ đề này được khuyến nghị đọc bao gồm: “Làm việc từ xa từ A tới Z”, “Làm việc trực tuyến, quán xuyến tương lai”, “HBR 20 phút”… Trong “Làm việc từ xa từ A tới Z”, tác giả Lisette Sutherland (quán quân thế giới về chiến lược nhóm ảo) đã cô đặc những bài phỏng vấn doanh nhân, người lao động, kinh nghiệm chuyên môn của các lão tướng trên thương trường thành bộ cẩm nang gồm 5 phần. Đó là đánh giá và phát triển năng lực làm việc nhóm của cá nhân, thiết lập văn phòng làm việc từ xa, tạo lập thỏa thuận nhóm, điều hành họp trực tuyến hiệu quả và tạo điều kiện cho hoạt động truyền thông tích cực.

hinh-02-7903-1634395995.jpg

Về quy trình làm việc, bộ sách về OKR (Objective Key Results - Mô hình mục tiêu và kết quả then chốt) được lãnh đạo của nhiều công ty lớn nhỏ khắp thế giới nghiền ngẫm và áp dụng thành công.

Đó là các cuốn “OKRs - Hiểu đúng làm đúng”, “OKRs - Nguyên lý và thực tiễn”, “OKRs - Bí mật của tăng trưởng”… Trong “OKRs - Nguyên lý và thực tiễn”, hai nhà tư vấn quản lý nổi tiếng Paul R.Niven và Ben Lamorte đã “nội soi” quá trình hình thành, phát triển của OKR, rồi hướng dẫn chi tiết theo kiểu “lý thuyết đi đôi với thực hành”, “cầm tay chỉ việc” cách thức triển khai OKR theo trình tự thời gian. Cách viết của hai ông đậm đặc chất “cơ khí chính xác” (chính xác, cụ thể, đi vào trọng tâm), nhưng cũng không thiếu chất “hành vân lưu thủy” – nước chảy mây trôi (uyển chuyển, hình tượng, mang tính minh họa cao). 

hinh-03-9824-1634395995.jpg

Về công nghệ, các bí quyết ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông từ khi khởi nghiệp đến mở rộng sản xuất, kinh doanh đã được trình bày mạch lạc, dễ hiểu trong các cuốn như “Dữ liệu lớn”, “Chiến lược kết nối”, “Cuộc cách mạng nền tảng”…

Cuốn “Cuộc cách mạng nền tảng” cho thấy, với mô hình đường ống truyền thống, thế giới khó có thể có được những tên tuổi lớn như Facebook, Amazon, Grab, Airbnb…, nhưng nếu kinh doanh theo mô hình nền tảng, ai cũng có cơ hội thành công nhanh và đột phá nếu khai thác tốt cơ sở hạ tầng mở, các nền tảng trực tuyến sẵn có. Sự bùng nổ của các kênh bán hàng online, dịch vụ đi chợ hộ… ở Việt Nam thời Covid-19 là minh chứng cho sức sống của mô hình nền tảng.

hinh-04-6959-1634395995.jpg

Tuy nhiên, dù đã thay đổi mô hình, phương thức sản xuất, kinh doanh; dù đã tinh gọn bộ máy, đã chuyển sang chế độ online trong thời Covid-19, DN vẫn có thể gặp khó khăn như thường, nếu người lãnh đạo không xây dựng được văn hóa DN thích ứng trong tình hình mới, không bảo đảm được sức khỏe tâm thần, yếu tố tâm lý cho người lao động (thực tế, khi phải làm việc theo mô hình “3 tại chỗ” trong thời gian dài, nhiều công nhân gặp căng thẳng tâm lý, không ít người đã xin nghỉ việc).

Vì vậy, nhóm "vaccine sách" thứ 3 giúp các nhà quản lý mọi cấp độ nhanh chóng trở thành vị sếp tốt trong nền kinh tế xấu nhờ gia tăng sức bền tâm lý, độ linh hoạt ứng xử, trí tuệ xúc cảm trong vận hành DN, chống chọi mọi áp lực trong cuộc sống.

Sách gối đầu giường thể loại này bao gồm những cuốn có tựa đề bao gồm cụm từ “trí tuệ xúc cảm”, “cảm xúc”, “áp lực”, như “HBR Emotional - Trí tuệ cảm xúc”, “Trí tuệ xúc cảm ứng dụng trong công việc”, “Thoát khỏi bẫy cảm xúc”, “Khiêu vũ với áp lực”… Trong cuốn “HBR Emotional - Trí tuệ cảm xúc”, các giáo sư tâm lý, nhà báo, doanh nhân thành đạt đã phân tích các trường hợp cụ thể rồi nêu bật hướng tiếp cận để cá nhân, các tế bào của tổ chức, có thể gượng dậy mạnh mẽ như phượng hoàng lửa vươn lên từ đống tro tàn, sau khi thất bại trong cuộc sống đời thường, khủng hoảng trong sự nghiệp, bị sang chấn tâm lý nặng nề…

hinh-05-3322-1634395995.jpg

Dù bạn là DN khởi nghiệp mới chập chững những bước đầu tiên hay một DN đã có vị thế trên thị trường thì quản lý rủi ro, quản lý trong bối cảnh suy thoái vẫn luôn là một đề tài cần được quan tâm sâu sắc. Đặc biệt là sau khủng hoảng kép do ảnh hưởng của đại dịch Covid -19, rất nhiều DN thậm chí đã đứng trên bờ vực phá sản.

Đứng trước khủng hoảng, dường như các công ty thường nhắm đến việc thu hẹp quy mô, giảm giờ làm, cắt giảm nhân sự hay lương thưởng. Nếu bạn là chủ DN, với tình hình kinh tế suy giảm, khó khăn trăm bề như hiện nay, công ty của bạn có lựa chọn cách làm tương tự? Còn nếu bạn là nhân viên, làm thế nào để bản thân giữ được công việc hiện tại trong tương lai?

Việc chuẩn bị kế hoạch dự phòng đối phó với rủi ro khi suy thoái là vô cùng quan trọng, không chỉ đối với các nhà quản lý, lãnh đạo mà còn với những cá nhân. Mỗi chúng ta phải nắm bắt được tình hình, đưa ra những quyết định chắc chắn để bảo vệ công ty, bảo vệ việc làm của mình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
"Vaccine cho doanh nghiệp", từ sống sót đến thịnh vượng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO