Biết mẹ anh ấy là người Huế, mà đa phần phụ nữ Huế rất đảm đang và đặc biệt nấu ăn ngon, tôi cố gắng... nhặt rau cho thật kỹ. Khi tôi đem rau đi rửa, mẹ anh ấy nhẹ nhàng bảo: “Cháu nhặt thêm ít nữa, chỗ rau bỏ đi ấy”. Thì ra tôi đã bỏ đi những lá rau không đáng bỏ. Thấy tôi rửa rau hơi mạnh tay, mẹ anh ấy lại nói: “Cháu nên rửa từng lá dưới vòi nước mở vừa phải, vừa sạch, vừa không làm rau bị dập. Những loại rau nhỏ lá như dền cơm, ngò, húng thì cháu cho ít một vào chậu, chao nhẹ tay với nhiều lần nước”.
Sự chỉ bảo nhẹ nhàng ấy đã để lại nỗi lo mẹ chồng khó tính nếu tôi trở thành con dâu nhà anh ấy. Anh Hai tôi thường khen tôi giỏi luộc trứng, luộc rau và nấu cơm bằng nồi điện, vì mỗi lần má đi vắng, tôi không hề biết làm một bữa ăn với vài món đơn giản cho mấy cha con. Không phải tôi làm biếng hay gia đình có kẻ ăn người ở gì, mà vì má tôi chuyên nội trợ từ khi về nhà chồng, thương tôi bận học nên không cho vào bếp. Đến nhà người yêu lần hai, lần ba, tôi càng thấy mẹ anh ấy rất khéo nấu nướng.
Và rồi ngày cưới của chúng tôi đã đến. Có lẽ biết tôi vụng dại khi vào bếp, mấy tháng đầu, mẹ chồng tôi lo hết việc chợ búa, cơm nước, tôi chỉ được “phân công” rửa chén, ngày thứ bảy, Chủ Nhật, kiêm thêm việc bóc tỏi, cắt hành, nhặt rau! Nhưng tôi là người gặp may, bởi mỗi khi nấu một món ăn mới là mẹ chồng kêu tôi lại chỉ dạy, cho thực hành.
Tôi tự nhủ, nếu mình ỷ lại mẹ chồng như ỷ lại nhà có má thì chẳng bao giờ biết nấu một món ăn cho ra hồn, nên xin được vào bếp trong những ngày nghỉ. Mẹ chồng lưỡng lự, nhưng thấy tôi quyết tâm, bà gật: “Thôi thì con cứ thử như cách mẹ đã bày vẽ”.
Đầu tiên tôi hăm hở làm món mít trộn, tức gỏi mít, với nguyên liệu là mít non, tôm, thịt heo ba chỉ, mè, đậu phụng, rau thơm, đúng như mẹ chồng dạy. Tôi luộc mấy miếng mít đã được gọt vỏ cẩn thận, rửa bằng nước pha chanh cho bớt mủ, tôm thịt cũng luộc, đậu, mè đem rang, nhưng khi món gỏi hoàn thành thì nhão nhoẹt! Mẹ chồng tôi nhỏ nhẹ giọng Huế: “Tại con luộc mít quá lâu, lại luộc cả miếng. Mít non làm gỏi là phải thái chỉ, luộc sơ, vớt ra, cho ngay vào nước lạnh rồi xóc cho thật ráo”.
Ngày nghỉ lần sau tôi lại được vào bếp với món canh chua cá lóc đúng công thức “đao” trên mạng, vậy mà ngay cả ông chồng háu ăn của tôi cũng không một lời khen. Tối đó tôi vào phòng mẹ chồng để hỏi “bí quyết”.
Bà bảo: “Hồi mới vô Sài Gòn, người yêu của mẹ, tức cha chồng con bây giờ đó, đưa vô một tiệm cơm ở Ngã Bảy, ăn món canh chua cá lóc sao mà ngon lạ. Mấy hôm sau mẹ nấu món canh cá lóc y như vậy nhưng không thể ngon bằng. Mãi sau mẹ mới biết nước canh ngon tuyệt như vậy một phần là do nước hầm xương heo. Canh chua cá lóc hay các loại canh chua Nam bộ, muốn ngon phải đạt bốn tiêu chuẩn: Chua nhưng mà ngọt, ngọt nhưng mà mặn, mặn nhưng mà cay, tức chua - cay - mặn - ngọt sao cho hòa quyện, bổ sung lẫn nhau, làm tôn vị của nhau. Nồi canh con nấu không đủ độ chua và dư vị mặn, lại nêm quá nhiều ngò gai và rau ngỗ. Gia vị trong bất cứ món ăn nào, nếu nhiều quá thì có vị đắng, làm hỏng hương vị, nếu ít quá thì không đủ dậy mùi. Việc cho gia vị vào món ăn lúc nào là hợp lý nhất cũng phải học”.
Từ hôm đó, dần dần, tôi học được những “ngón nghề” bếp núc của mẹ chồng. Thú thực, tôi cũng là một “cô dâu hiện đại”, hiện đại từ học thức (có hai bằng đại học chính quy và tiếng Anh đủ xài), hiện đại trong trang phục, nhất là hiện đại trong nếp sống của một thị dân có thu nhập khá, nhưng việc nội trợ, cái gì làm được là tôi không ngại. Và vì thế mà sau khi đã được mẹ chồng truyền dạy cách nấu vài chục món ăn gia đình, tôi chợt nhớ các chuyên viên tư vấn khuyên nên học một khóa bếp tại một trường dạy nấu ăn nào đó, thế là tôi đi học, học ngắn hạn thôi, nhưng do nhà trường có những ông thầy giỏi, là bếp trưởng nhiều nhà hàng 4-5 sao, lại được thực hành thường xuyên trong không gian bếp trang thiết bị hiện đại, nên giờ tôi có thể tự hào mà khoe rằng dư sức làm những món ăn, những loại nước sốt, nước chấm đúng điệu cho những bữa tiệc nho nhỏ toàn người sành ăn!
Người ta thường nói “dâu hiền vợ thảo” để khen những nàng dâu tốt tính và chịu thương chịu khó trong công việc nhà chồng, trong đó hàm ý biết nấu nướng. Tôi nghĩ, bất cứ ai, kể cả đàn ông, biết nấu nướng trước hết là một niềm vui, một việc hữu ích cho mình và gia đình. Xã hội hiện đại, những gia đình khá giả thường thuê người làm việc nhà, trong đó có nấu ăn. Đó cũng là chuyện bình thường, nhưng nếu nàng dâu (rồi trở thành người mẹ, người bà) giỏi nội trợ là không thừa, bởi đó vừa là thiên chức vừa là niềm hạnh phúc được tự phục vụ mình, phục vụ chồng con...
Tôi kể chuyện mình học hỏi để trở thành “bếp trưởng”... gia đình cũng là cách mong ước những nàng dâu khác cũng... giống tôi!