Xây dựng vị thế mới cho nông nghiệp Việt Nam

LỮ Ý NHI| 21/02/2019 07:00

Nằm trong 10 nhóm ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD đã tạo đà cho năm 2019, ngành nông nghiệp Việt Nam đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng GDP đạt trên 3,0%, kim ngạch xuất khẩu trên 43 tỷ USD, phấn đấu vào vị trí 15 cường quốc xuất khẩu nông sản trên thế giới.

Xây dựng vị thế mới cho nông nghiệp Việt Nam

Ảnh: NGUYỄN PHONG

Nhận diện thách thức

Dù có nhiều cơ hội và thành quả trong năm 2018 nhưng nông nghiệp Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức phải đối mặt.

Theo thông tin của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), năm 2018 ngành nông nghiệp đạt nhiều thành tích đáng kể, vượt kế hoạch cả năm và cao hơn năm trước với GDP Nông - Lâm - Thủy sản tăng 3,76%, đạt mức cao nhất trong bảy năm gần đây, thị trường tiêu thụ nông sản được mở rộng, cơ cấu sản xuất hiệu quả hơn và gắn với nhu cầu thị trường. Nhiều mô hình sản xuất rau, hoa quả ứng dụng công nghệ cao, hữu cơ đã đem lại thu nhập cao gấp trên 5 lần so với sản xuất lúa.

Giá trị sản xuất trồng trọt tăng 2,52%, cao hơn mục tiêu đề ra 2,5%. Giá trị sản xuất chăn nuôi tăng 3,98%, tổng sản lượng thủy sản đạt 7,74 triệu tấn, tăng 6,1%, nhiều mặt hàng nông sản đã chính thức được xuất khẩu chính ngạch như mặt hàng thịt bò, sữa đã vào Malaysia, thịt lợn, gà, trứng vào Singapore; thịt lợn, sữa, thủy sản, gạo vào Trung Quốc; thịt gà vào Nhật Bản, thịt lợn đông lạnh vào Myanmar, vú sữa vào Hoa Kỳ, chôm chôm vào New Zealand, chanh leo vào EU...

Đặc biệt, trong bối cảnh toàn cầu khó khăn về thương mại nhưng năm 2018 hoạt động xuất khẩu nông sản của Việt Nam vào các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc đều có sự cải thiện rất tích cực.

Tuy đạt nhiều kết quả khả quan nhưng nhận định tình hình năm 2019, nhiều chuyên gia đều cho rằng vẫn còn không ít thách thức. Theo đại diện Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), năm 2019 ngành điều Việt Nam sẽ phải đối mặt nhiều thử thách lớn, trong đó khó khăn khách quan là quy định mới của cơ quan hải quan và thuế của Trung Quốc thay đổi buộc tất cả phải nhập qua đường chính ngạch và nộp nghĩa vụ thuế nhập khẩu đã làm giá cả hạt điều nhập khẩu từ Việt Nam cao hơn, không còn lợi thế cạnh tranh như trước.

Ở góc độ nhà đầu tư, doanh nghiệp quan ngại nhiều rủi ro khi đầu tư vào nông nghiệp như phụ thuộc quá nhiều vào yếu tố tự nhiên và ngành công nghiệp hỗ trợ cho nông nghiệp ở Việt Nam còn hạn chế , thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh trong nông nghiệp vẫn còn bất hợp lý, đặc biệt là khó khăn trong hạ tầng logistics, hạ tầng công nghệ.

Bên cạnh đó, Việt Nam đang rơi vào tình trạng cung vượt quá cầu với sản lượng sản xuất điều nhân tăng tới 25%, trong khi các sản phẩm điều trên thế giới chỉ tăng khoảng 5%, các nhà tiêu thụ Âu Mỹ cũng không đặt hàng xa như các năm trước, nên các nhà chế biến xuất khẩu Việt Nam phải thật năng động tích cực tìm thị trường tiêu thụ, cùng với đó phải nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, giao hàng đúng hạn và tăng dịch vụ hậu mãi...

Với ngành thủy sản, dự báo năm 2019 giá tôm thế giới dự kiến tiếp tục không thuận lợi. Theo Liên minh Nuôi trồng thủy sản toàn cầu, sản lượng tôm của Ecuador, Indonesia và Việt Nam sẽ tăng mạnh trong hai năm tới, sản lượng tôm sẽ đạt 5 triệu tấn vào năm 2020 với tốc độ tăng trưởng kỳ vọng 18% và kèm theo đó là rủi ro dư cung.

Với khu vực chăn nuôi, Bộ NN&PTNT cũng cho rằng, năm 2019 là năm đầu tiên CPTPP thực thi, nông nghiệp sẽ là khu vực gặp rủi ro rất lớn, trong khi một loạt nước CPTPP như Chile, Canada, Australia, New Zealand được đánh giá là tiên tiến, hàng đầu thế giới.

Ở góc độ nhà đầu tư, doanh nghiệp (DN) cũng quan ngại nhiều rủi ro khi đầu tư vào nông nghiệp như phụ thuộc quá nhiều vào yếu tố tự nhiên và ngành công nghiệp hỗ trợ cho nông nghiệp ở Việt Nam còn hạn chế , thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh trong nông nghiệp vẫn còn bất hợp lý, đặc biệt là khó khăn trong hạ tầng logistics, hạ tầng công nghệ.

Chính thức đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp sau mấy chục năm làm xuất khẩu nông sản, ông Phan Minh Thông - Tổng giám đốc Công ty Phúc Sinh cho rằng, hiện nay Chính phủ đang kêu gọi doanh nghiệp ứng dụng công nghệ 4.0 và cho đó là chìa khóa mở cánh cửa hội nhập và phát triển. Tuy nhiên, trong lĩnh vực hạ tầng và logistic, được xem là mạch máu lưu thông hàng hóa của DN vẫn còn nhiều điều phải đổi mới và đồng bộ hóa công nghệ 4.0.

Ông Phùng Quốc Điền, Tổng giám đốc của Công ty NS BlueScope Lysaght cho biết: "Nông nghiệp công nghệ cao được xem là lĩnh vực đầy triển vọng. Tuy nhiên, hiện nay cách đầu tư trang trại đang có khá nhiều bất cập khiến không những không đạt được hiệu suất tối ưu mà còn gây rủi ro và thất thoát cao. Tại Việt Nam, phần lớn giới đầu tư chưa tiếp cận trọn vẹn quy trình xây dựng trang trại chuyên nghiệp. Thay vào đó, vẫn còn là quá trình lắp ghép theo cảm tính và đầu tư khá chủ quan. Thiếu tính toán tổng thể về giải pháp và đầu tư đồng bộ về vật liệu chính là lực cản lớn nhất cho quá trình hiện đại hóa và phát triển bền vững của các trang trại. Vì thế, không chỉ không đạt được mục tiêu về hiệu suất, không ứng dụng được công nghệ cao, mà còn tốn rất nhiều chi phí bảo trì, sửa chữa, làm mới chuồng trại liên tục. Thay vì trung bình 20 năm, tuổi thọ của hầu hết trang trại tại VN chỉ đạt 2 - 3 năm".

Ông Nguyễn Lân Hùng - Tổng thư ký Hội các ngành sinh học Việt Nam nhận định: "Một trong những nguyên nhân khiến DN đầu tư vào nông nghiệp chưa hiệu quả là do chưa có đủ thông tin tin cậy để biết sản phẩm, vật nuôi nào đang có nhu cầu lớn và đầu ra thị trường cũng như những rào cản trong nông nghiệp cần vượt qua".

Bệ phóng liên kết

Liên kết 4 nhà gồm Nhà nông - Nhà nước - Nhà khoa học - Nhà doanh nghiệp được xem là xu thế phát triển tất yếu của nền nông nghiệp hiện đại và bền vững. Những năm gần đây, xu thế này đã chứng minh hiệu quả, trong đó vai trò của doanh nghiệp (DN) đã đóng góp vai trò hết sức quan trọng.

Ông Nguyễn Lân Hùng - Tổng thư ký Hội các ngành sinh học VN cho biết: "Nông nghiệp Việt Nam có một kho tàng dược liệu quý và trái cây phong phú, nếu biết nắm bắt lợi thế này, các DN, nhà đầu tư có thể mang lại nhiều nguồn lợi kinh tế có giá trị.

Ví dụ hiện nay cây dổi có giá 1, 8-2 triệu/kg, nếu DN biết và bắt tay cùng làm, cùng liên kết để chế biến và phân phối thì hiệu quả kinh tế mang lại rất khả quan. Thực tế cho thấy, khi một số nhà đầu tư vào cây mắc ca, Sachi hiệu quả thì đến nay đã có nhiều DN bắt tay vào làm và mang lại giá trị, nguồn thu rất lớn. Hiện dự án này đang biến chuyển rất tốt, đặc biệt tại Lâm Đồng, Đắc Nông (Tây Nguyên) và thời gian tới là Tây Bắc.

Thời điểm mới đầu tư, có nhiều ý kiến trái chiều về việc trồng mắc ca nhưng đến nay trồng mắc ca cơ bản đã đạt nhiều thành công. Thực tế, rất nhiều gia đình trồng mắc ca thành công, thậm chí làm giàu được. Hay như cây chanh dây khi có công ty Ninh Bình vào làm thì lập tức một số nông dân đã trở thành tỷ phú. Công ty Mộc Châu liên kết với nông dân nuôi bò, tổ chức sản xuất và hiện nay, mỗi gia đình đã có nguồn thu mỗi tháng 15 triệu đồng, tất cả gia đình nuôi bò Mộc Châu đều trở nên giàu có. Như vậy, sự đóng góp của các DN cực kỳ quan trọng, nhất là khi DN cùng liên kết với nông dân làm thì mang lại rất nhiều thuận lợi cho nông dân".

Bên cạnh công nghệ cao, việc liên kết giữa các công ty với nhau cùng với các hộ nông dân chính là chiếc chìa khóa mở cửa cho dự án nông nghiệp đạt hiệu quả cao nhất.

Cũng theo ông Hùng, mục đích cuối cùng của kinh doanh chính là tối đa hóa lợi nhuận. Tuy nhiên, theo quan điểm của rất nhiều DN đầu tư vào nông nghiệp thì quan điểm san sẻ lợi nhuận cho các bên liên kết, trong đó có nông dân, khách hàng chính là giá trị giúp cánh cửa nông nghiệp rộng mở hơn.

Đơn cử, sau cú bắt tay trị giá 1 tỷ đô la Mỹ với Thaco, Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) hiện đã ổn định về tài chính và tiếp tục tập trung đầu tư phát triển nông nghiệp, tiến hành chuyển đổi các diện tích cây cọ dầu, cao su kém phát triển sang trồng cây ăn trái với kế hoạch tăng tổng diện tích trồng cây ăn trái lên 16.000 ha, giữ lại 10.000 ha cây cao su.

Theo chiến lược của ông Trần Bá Dương- Chủ tịch Thaco: "3 giải pháp đồng bộ sẽ được Thaco triển khai gồm ứng dụng công nghệ cao, quản trị bằng công nghệ thông tin trên cơ sở số hóa và cơ giới hóa. Ông Dương cho biết: việc hợp tác giữa HAGL và Thaco sẽ tạo ra hệ sinh thái mới cho DN Việt Nam với nền tảng là ứng dụng công nghệ vào quản trị DN cũng như trong sản xuất.

Sau khi mua lại 24% cổ phần của công ty Cổ phần CPS, năm 2019 Kizuna Bà Rịa - Vũng Tàu cũng liên kết với một số công ty khác triển khai đầu tư trồng chuối và thơm trên diện tích 100 ha. Hiện công ty đã xuất khẩu sản phẩm chuối Nam Mỹ sang thị trường Hàn Quốc và tiếp theo là thị trường Hồng Kông, Singapore, Nhật Bản, Nga, Trung Quốc, các nước Trung Đông và cả nội địa.

Ông Võ Quang Bảo, Chủ tịch HĐQT - Tổng giám đốc Kizuna Group cho biết: "Kế hoạch dự kiến đến năm 2023, công ty sẽ triển khai hoàn thành mục tiêu 500 ha chuối, thơm và có kế hoạch sẽ liên kết với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn để giúp cho các chủ vườn có nhu cầu liên kết với Công ty được vay vốn dài hạn, để họ đầu tư trồng chuối".

Ông Bảo khẳng định: "Bên cạnh công nghệ cao, việc liên kết giữa công ty với các DN cùng các hộ nông dân cũng chính là chiếc chìa khóa mở cửa cho dự án nông nghiệp của Kizuna đạt hiệu quả cao nhất. Hiện công ty đã liên kết với các công ty cao su để tận dụng quỹ đất thay thế cây cao su đã quá già cỗi, song song đó là hợp tác cùng một số trang trại với khoảng 600 ha chuối tại các tỉnh như Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Đắk Lăk, Long An.

Đồng thời, đang triển khai trang trại vanilla, vốn là loài cây có giá trị kinh tế cao, không chỉ là một loại hương liệu, gia vị mà còn là thành phần không thể thiếu trong ngành công nghiệp sản xuất thực phẩm, hóa mỹ phẩm và điều chế dược phẩm... Dự kiến sau 3 năm nữa, khi vườn cây vanilla thu hoạch thành công, Công ty sẽ phát triển thêm 5 hoặc 10 ha.

Không chỉ DN, những năm gần đây nông nghiệp hữu cơ và thực phẩm hữu cơ cũng thu hút nhiều quỹ đầu tư bỏ vốn, hợp tác. Cụ thể mới đây, Quỹ đầu tư SWOF đã mua 30% cổ phần của Organica và cam kết một khoản vay dài hạn để công ty có đủ vốn phục vụ cho kế hoạch kinh doanh trong thời gian tới. Ông Phạm Sang, Giám đốc quỹ SWOF cho biết: "Quy mô thị trường sản phẩm hữu cơ tại Việt Nam, đang tăng trưởng từ 17 - 200 triệu USD/năm. Hơn nữa, Việt Nam là đất nước nông nghiệp, đây là một lợi thế nên thời gian qua, số DN tham gia vào ngành nông nghiệp hữu cơ nhiều hơn".

cac-mo-hinh-lien-ket-tao-dieu-8712-3805-

Mở khóa nguồn lực công nghệ

Ứng dụng khoa học công nghệ chính là chìa khóa cho nông nghiệp Việt Nam đạt được vị thế mới.

Sẵn sàng cho cuộc chơi mới

Đó là những câu chuyện làm nông của VinEco, của Vinamit, của tôm Minh Phú và nhiều DN khác.

Sau nhiều thử thách, kể cả thất bại, nhưng nhiều DN vẫn liên tiếp đầu tư vào nông nghiệp, sẵn sàng cho một cuộc chơi chuyên nghiệp hơn, mang lại giá trị cao hơn với thế mạnh, quy mô, nguồn vốn không chỉ tăng về lượng mà còn về chất, đặc biệt là việc tìm tòi, ứng dụng công nghệ đã bắt đầu mở cánh cửa tươi sáng hơn cho các dự án đầu tư vào nông nghiệp. VinEco, thành viên của Vingroup đã bỏ ra hàng ngàn tỷ đồng để áp dụng mô hình tập trung trồng trọt, áp dụng công nghệ kỹ thuật tiên tiến để cung cấp rau quả theo chuẩn VietGap, GlobalGap.

Đến nay, VinEco đã xây dựng và phát triển 15 nông trường, có tổng diện tích sản xuất gần 3.000 ha và đích đến của VinEco không chỉ đơn thuần là rau an toàn mà là "Rau công nghệ 4.0", ứng dụng công nghệ cao trong toàn bộ quy trình sản xuất giúp sản phẩm không chỉ đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm mà còn giàu chất dinh dưỡng hơn, ngon hơn... Đến thời điểm này, VinEco đã có những đơn hàng đầu tiên xuất khẩu sang thị trường châu Âu và đang tiếp tục mở rộng thị phần tới các quốc gia khác.

Với hướng đi xuyên suốt là "nâng tầm giá trị cho nông sản Việt Nam", hướng đến ứng dụng công nghệ sinh học và giải pháp kỹ thuật mới nhất vào cải tạo môi trường, sản xuất, canh tác và chế biến, Công ty Vinamit đã đầu tư vùng nguyên liệu organic rộng 200 ha tại Bình Dương và áp dụng công nghệ mới sấy lạnh chân không, cung cấp sản phẩm không thuốc tăng trưởng, bảo vệ thực vật. Năm 2018, Vinamit tung ra một loạt sản phẩm hữu cơ chế biến tiêu biểu cho công nghiệp 4.0 như cà phê nước mía, mãng cầu tươi đóng viên, rau má tươi đóng viên.

Theo các chuyên gia, phát triển nông nghiệp đòi hỏi phải có vốn lớn. Do vậy, Chính phủ cần hỗ trợ nhiều hơn nữa về đất đai, có chính sách ưu đãi cho các dự án nông nghiệp bền vững, cần sớm thực hiện những quy định, luật lệ hỗ trợ đảm bảo tính khả thi của chính sách, cải cách môi trường đầu tư có cơ chế hỗ trợ đủ mạnh để thu hút đầu tư vào nông nghiệp.

Ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch Vinamit cho biết: "Những loại rau trái bình thường qua công nghệ sấy đông khô trở nên tiện dụng, độc đáo, mà vẫn giữ nguyên hàm lượng dinh dưỡng, sự tươi ngon nguyên chất như vừa mới hái, đó là cuộc cách mạng 4.0 của Vinamit cho biết. Các sản phẩm Organic của công ty đã xuất sang thị trường Mỹ, giá trị cao hơn khoảng 5 - 10 lần so với giá bán thông thường hiện nay và công ty đang đưa vào hoạt động nhà máy thứ 2 với công suất tương đương nhà máy thứ nhất, năm 2019 sẽ đầu tư khoảng 20 triệu USD xây nhà máy công nghệ cao ở Bình Dương".

Với tham vọng nâng cao vị thế xuất khẩu tôm Việt Nam trên bản đồ thủy sản thế giới, nhiều năm qua, Tập đoàn Thủy sản Minh Phú cũng đã nghiên cứu, tìm ra công nghệ nuôi tôm mới. Theo mô hình mới, ao nuôi được thiết kế khung thép ống, thiết kế nối dễ xử lý tạp chất, dễ thay nước, kiểm soát môi sinh nên tỷ lệ tôm sống lên đến 90%... đã tạo ra bước đột phá về hiệu quả kinh tế cho Minh Phú khi tôm thịt được thu đến ba lần, thay vì một lần như cách nuôi cũ.

Kế hoạch từ năm 2019 - 2020, Minh Phú sẽ chuyển dịch toàn bộ ao nuôi theo công nghệ nuôi mới và đích đến cuối cùng của Minh Phú là tiến thêm một bước cao hơn, tự động hóa, kiểm soát toàn bộ quy trình nuôi.

Trả lời phỏng vấn của Fobes VN ông Lê Văn Quang - Chủ tịch Công ty Minh Phú cho biết: "Theo tính toán của Minh Phú, khi ứng dụng công nghệ, nuôi tôm ba vụ với giá tôm ổn định vào thời điểm này, có thể đạt tỷ suất 50%/vụ hay 150%/năm. Lợi nhuận này sẽ thu hút nhiều mô hình nuôi tôm công nghệ cao nên vài năm nữa giá tôm rất cạnh tranh". Ông Quang nhấn mạnh: "Đầu tư cho nông nghiệp công nghệ cao, bài toán cốt lõi của Minh Phú là luôn đổi mới công nghệ mới tạo được hiệu quả, gia tăng giá trị cho sản phẩm và đáp ứng nhu cầu thị trường".

Giấc mơ organic

Giải được bài toán công nghệ không phải con đường dễ dàng. Theo ông Nguyễn Lâm Viên, đầu tư đúng cho nông nghiệp, đặc biệt là công nghệ sinh học thì phải chịu đựng, hy sinh, tốn thời gian, tiền của, vì vậy nhiều DN chỉ tính bài toán tài chính trước mắt để cân bằng rủi ro 50 - 50 là rất khó thành công. Thực tế, quá trình hiện thực hóa giấc mơ organic của Vinamit từng gặp không ít thất bại.

Chẳng hạn, nuôi heo rừng organic không dễ tìm được heo bố mẹ hữu cơ, được nuôi thả tự nhiên hoàn toàn. Heo organic không ăn cám, mà chỉ ăn thức ăn tự nhiên, được cho đi dạo, tắm nắng, phát triển tự nhiên nên tốc độ tăng đàn khá chậm. Còn với nông sản, sau khi trồng nếu phát hiện đất chưa sạch bệnh, phải chặt cây đi để tiếp tục cải tạo đất là chuyện thường.

Bà Phạm Phương Thảo- Giám đốc điều hành Organica với 5 cửa hàng Organica và 10 trang trại gồm đầu tư trực tiếp và liên kết canh tác rau củ quả hữu cơ cũng cho biết : "Làm trang trại rau hữu cơ đòi hỏi vốn lớn gấp nhiều lần làm trang trại rau sạch. Vườn rộng 2ha với một sào nhà lưới tiêu tốn khoảng 60 triệu đồng, và phải có tiền ứng trước cho nông dân trồng rau. Song, thách thức lớn nhất là khi không bán được sản phẩm nhưng vẫn phải bao tiêu cho nông dân, nhiều lúc phải chấp nhận rau tồn bị hư hỏng, đổ bỏ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Xây dựng vị thế mới cho nông nghiệp Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO