Giảm tải áp lực cung ứng vốn tín dụng

Lan Ngọc| 24/05/2023 03:26

Để vượt qua khó khăn, thách thức, doanh nghiệp cần có thêm nguồn lực tài chính, nhưng tiếp cận tín dụng vẫn luôn là bài toán khó. Thúc đẩy phát triển mạnh, có hiệu quả thị trường vốn sẽ giúp giảm tải cung ứng tín dụng, hỗ trợ các doanh nghiệp đa dạng hóa kênh huy động vốn.

Giảm tải áp lực cung ứng vốn tín dụng

Ông Trương Văn Cẩm - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, ngành dệt may đã gặp khó khăn từ cuối quý II/2022 khi đơn hàng bị suy giảm 15-20%, đơn giá giảm 20-30% (thậm chí có thời điểm giảm 40-50%). Đầu ra ngành dệt may xuất khẩu tới 80-85%, nhưng tình hình kinh tế thế giới suy giảm đã khiến tiêu thụ sản phẩm của các doanh nghiệp dệt may khó khăn, hiện tồn kho khoảng 25-30%.

Trong 4 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu của toàn ngành dệt may mới chỉ đạt 11,7 tỷ USD, giảm 19,6% so với cùng kỳ năm 2022. Số liệu trong lĩnh vực ngân hàng quý I/2023 cũng cho thấy, tín dụng toàn ngành ngân hàng chỉ tăng trưởng 2%, trong khi cùng kỳ năm 2022 tăng 5%. Điều này phản ánh, sức hấp thụ vốn của cộng đồng doanh nghiệp đã chững lại. Theo dự báo thì tình hình khó khăn có khả năng kéo dài đến hết quý III/2023 mới giảm, để duy trì sản xuất, tăng trưởng kinh doanh.

Ông Cẩm cho biết thêm, các doanh nghiệp rất cần có thêm nguồn lực tài chính, nếu không tiếp cận được tín dụng có thể sẽ bị đứt gãy dòng tiền kinh doanh. Riêng ngành dệt may, từ nay đến năm 2030 sẽ cần khoảng từ 500.000-600.000 tỷ đồng để "chuyển đổi xanh" và rõ ràng đây là một khối lượng vốn rất lớn. Ngành dệt may mong muốn ngân hàng xem xét ưu tiên cơ cấu lại nợ, bởi dư nợ tín dụng ngành dệt may mới chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ, ở mức 1,5% trong tổng dư nợ của toàn nền kinh tế.

-1861-1684854881.jpg

Hoạt động giao dịch ngân hàng - tín dụng

TS. Võ Trí Thành - nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, nguồn vốn tín dụng luôn rất cần với doanh nghiệp, ngân hàng thì cũng mong muốn cho vay, nhưng câu chuyện tiếp cận tín dụng đối với các doanh nghiệp đến nay vẫn luôn là một bài toán khó. Lý do bởi ngoài yếu tố năng lực tự thân của doanh nghiệp, thì pháp lý về tín dụng vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Trong xu thế phát triển mới thì "tín dụng xanh" phục vụ cho các lĩnh vực đầu tư, sản xuất "xanh" cũng chưa phát triển mạnh, cho nên dòng tín dụng đi được vào đúng chỗ mong muốn vẫn còn hạn chế.

Ở góc độ người làm ngân hàng, ông Lê Thanh Tùng - thành viên HĐQT Ngân hàng Vietinbank chia sẻ, khách hàng (doanh nghiệp) gặp khó khăn, thì hoạt động của ngân hàng cũng bị ảnh hưởng, bởi thu nhập của ngân hàng chủ yếu là từ cho vay (lãi), khi chất lượng nợ bị suy giảm sẽ phải trích lập dự phòng rủi ro cao, thoái lãi dự thu, tăng thêm chi phí hoạt động.

Số liệu của 27 ngân hàng niêm yết có vốn hóa khoảng 90% trên thị trường chứng khoán cho thấy, lợi nhuận quý I/2023 của các ngân hàng đã sụt giảm 4,4%. Rủi ro hoạt động ngân hàng trong năm 2023 đang dồn vào tín dụng, do các doanh nghiệp khó khăn chưa trả được nợ.

Ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho biết, tỷ trọng cung ứng vốn cho nền kinh tế qua kênh tín dụng vẫn rất cao (khoảng 91% - số liệu năm 2021), mỗi khi nền kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp gặp khó khăn thì áp lực về vốn lại đổ dồn lên ngân hàng.

Để hỗ trợ khó khăn cho doanh nghiệp, mới đây Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 02/2023/TT-NHNN cho phép gia hạn nợ và giữ nguyên nhóm nợ (từ ngày 24/4/2023 đến hết ngày 30/6/2024), nhưng các ngân hàng vẫn phải tự chịu trách nhiệm trong việc điều chỉnh, cơ cấu lại nợ, quản lý nợ không để tăng nợ xấu. Để thực hiện việc này, ngân hàng phải tăng tỷ lệ trích lập dự phòng rủi ro khiến bị bào mòn nguồn lực tài chính. 

Ngoài kênh tín dụng, thị trường vốn (trái phiếu, cổ phiếu…) đã phát triển, cần thúc đẩy phát triển mạnh các thị trường này để giúp doanh nghiệp đa dạng kênh huy động vốn, đồng thời giúp giảm tải cung ứng vốn qua kênh tín dụng ngân hàng. Nếu các ngân hàng gặp khó khăn mà không cung ứng được tín dụng, doanh nghiệp lại không thể huy động được vốn từ các kênh khác, thì doanh nghiệp chỉ có con đường chết.

Theo bà Dương Thị Thanh Bình - Phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước thì khơi thông tín dụng không chỉ phụ thuộc vào các chính sách tiền tệ, mà còn phụ thuộc vào tái cấu trúc nền kinh tế để nâng cao năng lực của doanh nghiệp. Bởi doanh nghiệp muốn tiếp cận được tín dụng, bản thân họ phải có dự án kinh doanh, năng lực quản lý tài chính, năng lực sử dụng vốn hiệu quả, có phương án trả nợ khả thi… thì các ngân hàng mới cho vay. Dẫn vốn cho nền kinh tế ngoài kênh tín dụng, còn có các kênh khác trên thị trường vốn, nếu áp lực vẫn cứ đổ dồn vào kênh tín dụng thì mặt bằng lãi suất sẽ vẫn còn cao, chi phí vốn sẽ tăng khiến hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp suy giảm.

Để đa dạng kênh tiếp cận vốn ngoài tín dụng theo hướng thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho rằng, cần tiếp tục triển khai đồng bộ các pháp phát triển thị thị trường trái phiếu, mở rộng thị trường cổ phiếu. Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia vào thị trường trái phiếu thông qua tháo gỡ vướng mắc pháp lý, khó khăn, hỗ trợ ưu đãi về thuế, lãi suất... Tăng cường thu hút các nhà đầu tư tham gia thị trường cổ phiếu thông qua hỗ trợ các doanh nghiệp niêm yết, đào tạo nhà đầu tư. Hỗ trợ các công ty môi giới chứng khoán và các nhà đầu tư để thúc đẩy phát triển mạnh thị trường chứng khoán.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Giảm tải áp lực cung ứng vốn tín dụng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO