Bản tin tổng hợp

Bản tin chiều 19/5: Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các điểm bán vàng miếng treo bảng nhận biết

Thanh An 19/05/2025 16:00

Tin tức đáng chú ý chiều 19/5: Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các điểm bán vàng miếng treo bảng nhận biết; Đồng Nai mời đầu tư dự án kéo dài tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên; Bộ Công Thương yêu cầu đẩy mạnh công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại; Rà soát trọng điểm việc lập hóa đơn bán vàng, thuốc; Đề xuất giảm từ 20 - 50% phí, lệ phí trong nông nghiệp và môi trường... và một số tin tức đáng chú ý khác.

Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các điểm bán vàng miếng treo bảng nhận biết

Ngày 19/5, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh khu vực 2 có công văn yêu cầu các đơn vị điểm kinh doanh vàng miếng SJC trên địa bàn treo bảng để người dân biết điểm kinh doanh vàng miếng.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh khu vực 2 yêu cầu các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp được phép kinh doanh vàng miếng (gọi tắt là đơn vị) trên địa bàn TP.HCM thực hiện đầy đủ trách nhiệm theo quy định tại Nghị định 24/2012 về quản lý thị trường vàng.

6842-1717389067_860x0.jpg

Đồng thời, tại các địa điểm mua, bán vàng miếng, đề nghị đơn vị thực hiện việc thông tin cho khách hàng, người dân nhận diện được đây là địa điểm mua bán vàng miếng được Ngân hàng Nhà nước cấp phép. Cụ thể, các đơn vị thực hiện treo bảng hiệu ghi rõ thông tin địa điểm được cấp phép kinh doanh mua, bán vàng miếng và niêm yết công khai bản sao có chứng thực giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng đã cấp cho đơn vị... tùy theo vị trí phù hợp của đơn vị.

Ngoài ra, các đơn vị chấp hành chế độ báo cáo đúng quy định, đảm bảo số liệu, thông tin báo cáo phản ánh đầy đủ, kịp thời, chính xác tình hình hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng của tổ chức tín dụng, doanh nghiệp theo quy định tại các thông tư hướng dẫn Nghị định 24.

Đồng Nai mời đầu tư dự án kéo dài tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên

Tỉnh Đồng Nai tổ chức xúc tiến, tìm kiếm nhà đầu tư thực hiện 5 dự án giao thông trọng điểm và Trung tâm Chính trị - Hành chính tỉnh với tổng mức đầu tư gần 100.000 tỷ đồng. Theo thông báo của Sở Xây dựng Đồng Nai, tỉnh mời gọi đầu tư dự án kéo dài tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên đến huyện Trảng Bom (Đồng Nai).

metro-so-1-01.jpg

Tuyến metro có chiều dài 20,74 km, kết nối từ ga Bến xe Suối Tiên của tuyến đường sắt đô thị số 1 TP.HCM đến Km20+738 tại Depot dự kiến thuộc xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom. Tổng mức đầu tư dự án 34.719 tỷ đồng; được đầu tư theo hình thức vốn hỗn hợp, trong đó có vốn Trung ương hỗ trợ, ngân sách tỉnh, nguồn vốn BOT, nguồn khai thác quỹ đất. Cùng với đó, tỉnh mời gọi đầu tư dự án đường Vành đai 4 qua địa bàn các huyện Vĩnh Cửu, Trảng Bom, Thống Nhất và huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai.

Ngoài ra, tỉnh cũng mời gọi đầu tư dự án cầu thay phà Cát Lái, tại huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. Đây là dự án cầu liên vùng, kết nối tỉnh Đồng Nai và TP.HCM; quy mô mặt cắt ngang cầu 6 làn cơ giới và 2 làn hỗn hợp. Tổng mức đầu tư 19.391 tỷ đồng; hình thức đầu tư đối tác công - tư (PPP).

Bộ Công Thương yêu cầu đẩy mạnh công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại

Nhằm triển khai hiệu quả Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 17/5/2025 và Công điện số 65/CĐ-TTg ngày 15/5/2025 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong tình hình mới, Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công Thương) vừa ban hành Kế hoạch số 01/KH-TTTN nhằm giám sát, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm nêu trên.

hang-hia-20250517112543026.png

Theo đó, Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước yêu cầu các đơn vị bám sát diễn biến của thị trường, tăng cường thu thập, phân tích thông tin về diễn biến cung cầu, giá cả hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu, dễ bị lợi dụng để đầu cơ, buôn lậu như các sản phẩm sữa, thuốc tân dược, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, xăng dầu, đường, thuốc lá, phân bón... Chủ động phát hiện những biến động bất thường, những vấn đề nổi cộm của thị trường, từ đó có phương án giám sát, kiểm tra và xử lý kịp thời.

Cơ quan chức năng của Bộ Công Thương cũng yêu cầu các đơn vị giám sát, kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các mặt hàng thiết yếu trên các kênh bán lẻ, đại lý không chính thức, nhất là trên các sàn giao dịch thương mại điện tử và các mạng xã hội, nơi tiềm ẩn nhiều nguy cơ về hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng kém chất lượng, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Rà soát trọng điểm việc lập hóa đơn bán vàng, thuốc

Chi cục Thuế khu vực I (địa bàn quản lý Hà Nội, Hòa Bình) có công văn chỉ đạo liên quan hướng dẫn người nộp thuế lập hóa đơn ghi đầy đủ nội dung bắt buộc và xử lý vi phạm (nếu có).

Theo đó, đơn vị này yêu cầu các trưởng phòng quản lý, hỗ trợ doanh nghiệp, đội trưởng đội thuế chỉ đạo đến từng công chức thuế thường xuyên giám sát việc lập, sử dụng hóa đơn điện tử của người nộp thuế thuộc trách nhiệm quản lý.

vangbac.jpg

Tập trung giám sát, rà soát trọng điểm việc lập hóa đơn bán hàng hóa (từ năm 2024 trở đi) đối với các doanh nghiệp là nhà sản xuất, kinh doanh đầu mối, phân phối thương mại thuộc các ngành: vàng, bạc; thuốc chữa bệnh; vật liệu xây dựng; phân bón và thức ăn gia súc, gia cầm; gas và chất đốt; hàng tiêu dùng; bê tông thương phẩm; thiết bị nội thất...

Thực hiện kết xuất dữ liệu hóa đơn điện tử đầu ra để rà soát, nhận diện dấu hiệu rủi ro, nghi vấn trong việc lập hóa đơn điện tử gửi cho người mua không đảm bảo đúng, đầy đủ về hình thức và nội dung theo quy định (đặc biệt là không ghi mã số thuế của người mua là cơ sở kinh doanh có mã số thuế vào nội dung hóa đơn). Trên cơ sở dữ liệu hóa đơn điện tử đã kết xuất có dấu hiệu rủi ro, các phòng quản lý, hỗ trợ doanh nghiệp, các đội thuế lập kế hoạch để triển khai kiểm tra tại trụ sở cơ quan thuế.

Đề xuất giảm từ 20 - 50% phí, lệ phí trong nông nghiệp và môi trường

Phúc đáp công văn số 5648/BTC-CST ngày 28/4/2025 của Bộ Tài chính về việc rà soát, đề xuất giảm phí, lệ phí tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh và khuyến khích sử dụng dịch vụ công trực tuyến, để góp phần tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đề xuất giảm mức thu phí của các loại phí và lệ phí trong 6 tháng cuối năm.

khuyennong1.jpg

Về phí, đối với phí duy trì hiệu lực bằng bảo hộ giống cây trồng: Giảm 20% mức thu phí hiện tại được quy định tại điểm 3 Mục III Biểu phí, lệ phí trong lĩnh vực trồng trọt và giống cây lâm nghiệp ban hành kèm theo 207/2016/TT-BTC (đối với mục từ năm thứ 1 đến năm thứ 3; từ năm thứ 4 đến năm thứ 6; từ năm thứ 7 đến năm thứ 9; giảm 30% mức thu phí hiện tại được quy định tại điểm 3 Mục III Biểu phí, lệ phí trong lĩnh vực trồng trọt và giống cây lâm nghiệp ban hành kèm theo 207/2016/TT-BTC (đối với mục từ năm thứ 10 đến năm thứ 15; từ năm thứ 16 đến hết thời gian hiệu lực của Bằng bảo hộ).

Đối với phí kiểm dịch động vật (kiểm tra lâm sàng gia cầm): Giảm 50% mức thu phí quy định tại điểm 1.4 Mục III Biểu phí, lệ phí trong công tác thú y ban hành kèm theo Thông tư số 101/2020/TT-BTC. Các loại phí thẩm định đề án, báo cáo khai thác, sử dụng nguồn nước do cơ quan trung ương thực hiện: Giảm 20% mức thu quy định tại Thông tư 01/2022/TT-BTC.

SHB chốt danh sách cổ đông để chi trả cổ tức bằng tiền năm 2024

Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn - Hà Nội (SHB) thông báo về ngày chốt danh sách cổ đông để chi trả cổ tức năm 2024 bằng tiền mặt với tỷ lệ 5%. Theo Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025, SHB chi trả cổ tức năm 2024 với tổng tỷ lệ 18%, gồm 5% bằng tiền và 13% bằng cổ phiếu.

7382-1739428274_860x0.jpg

Theo đó ngày 10/6 là ngày đăng ký cuối cùng để cổ đông thực hiện quyền nhận cổ tức năm 2024 bằng tiền mặt với tỷ lệ 5% và ngày 20/6/2025 là ngày thanh toán tiền cho người sở hữu chứng khoán.

Với hơn 1.500 cổ đông và người ủy quyền dự đại hội trong tổng số hơn 100.000 cổ đông, SHB là một trong những doanh nghiệp có số lượng người tham dự đông nhất trên thị trường, minh chứng cho sự quan tâm và niềm tin của nhà đầu tư với Ngân hàng. Cổ đông bày tỏ vui mừng với kết quả kinh doanh của SHB và chính sách cổ tức đều đặn hằng năm với tỷ lệ cao bằng cả cổ phiếu và tiền mặt.

Kiểm tra ngay khi người dân tố giác hành vi buôn bán hàng giả

Sáng 19/5. Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn chủ trì Phiên họp thứ nhất Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về cao điểm đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả. Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn đánh giá cao các bộ, ngành, địa phương, lực lượng chức năng thời gian qua đã có nhiều cố gắng, nỗ lực trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

dsc5015-17476343001471948735360.jpg
Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn

Trong đợt cao điểm này, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành thành viên của Tổ công tác hoàn thiện, ban hành trong ngày 20/5 kế hoạch hành động chi tiết thực hiện đợt cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong ngành, lĩnh vực mình quản lý, bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm. Bên cạnh đó, thành lập tổ công tác của bộ, ngành mình để theo dõi, đôn đốc quá trình triển khai các kế hoạch nêu trên.

Đối với công tác tuyên truyền, Phó Thủ tướng đề nghị các cơ quan báo chí tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân, huy động sự tham gia của người dân vào cuộc chiến chống gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái; quản lý chặt chẽ nội dung quảng cáo sản phẩm. Phó Thủ tướng giao Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia kiến nghị cấp có thẩm quyền bổ sung Văn phòng Chính phủ là thành viên của Tổ công tác.

Xây dựng Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia mang tầm cỡ khu vực và thế giới

Sáng 19/5, kiểm tra tiến độ xây dựng Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia tại huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu khẩn trương hoàn thành Trung tâm để chào mừng, phục vụ Triển lãm thành tựu của đất nước dịp 80 năm Cách mạng tháng Tám (19/8/1945 – 19/8/2025) và Quốc khánh 2/9 (2/9/1945 – 2/9/2025). Cùng đi có lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, thành phố Hà Nội.

96-1728546593-5555.jpg

Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia tại huyện Đông Anh là dự án trọng điểm quốc gia trong lĩnh vực thương mại dịch vụ, thay thế cho Trung tâm Triển lãm cũ tại Giảng Võ. Trung tâm được khởi công xây dựng cuối tháng 8/2024, có quy mô 90 ha, thuộc top 10 trung tâm triển lãm lớn nhất thế giới; được dự báo sẽ là "kỳ quan mới" của Thủ đô, khởi phát nền kinh tế "Expo" sôi động, sánh ngang với các tâm điểm giao thương toàn cầu.

Tại buổi kiểm tra, Thủ tướng chỉ đạo, về lâu dài phát triển Trung tâm Hội chợ Triển lãm quốc gia tại vùng đất Cổ Loa, quê hương của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thành biểu tượng mới của Hà Nội và cả nước về quy mô, văn hóa, kiến trúc, kết cấu, cảnh quan môi trường, quản trị; thể hiện tầm vóc quốc gia, xứng tầm truyền thống lịch sử, văn hoá, nhất là thể hiện thành quả đất nước sau 40 năm đổi mới của đất nước... Đồng thời, xây dựng Trung tâm thành Trung tâm hội chợ, triển lãm tầm cỡ của khu vực và thế giới, thông qua đó người dân được hưởng thụ thành quả phát triển, giá trị văn hóa, nghệ thuật của đất nước và thế giới.

TikTok quảng bá văn hóa, du lịch Việt Nam ra thế giới

Ngày 19/5, tại Hà Nội, Cục Hợp tác quốc tế (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cùng nền tảng TikTok đã ký Bản ghi nhớ hợp tác về truyền thông, quảng bá văn hóa, thể thao và du lịch Việt Nam trên nền tảng TikTok.

z661681815453880df86ad7ac9599195720a034bddc737-1747644262286569635376.jpg

Một trong những nội dung nổi bật của Bản ghi nhớ là sự đồng hành của nền tảng TikTok với Cục Hợp tác quốc tế trong sự hiện diện và hoạt động của Việt Nam tại các kỳ Triển lãm thế giới World EXPO - trước mắt chính là EXPO 2025 Osaka, Kansai, Nhật Bản diễn ra từ ngày 13/4 đến 13/10/2025.

Thông qua sự hỗ trợ và phối hợp của TikTok như xây dựng chương trình với hashtag #vnworldexpo, mời các nhà sáng tạo nội dung Việt Nam và quốc tế đến tham quan và sản xuất nội dung về Nhà Triển lãm Việt Nam…, qua đó, góp phần gia tăng độ nhận diện của Việt Nam tại một trong những sự kiện lớn nhất toàn cầu, quảng bá thành công hình ảnh Việt Nam ra thế giới.

Bộ Công Thương đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo

Nhân dịp kỷ niệm Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5 (18/5/2013 - 18/5/2025), Cục Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi xanh và Khuyến công, Bộ Công Thương, tổ chức hội nghị chuyên đề triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 71/NQ-CP của Chính phủ về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Sự kiện nhằm tổng kết kết quả đạt được trong giai đoạn vừa qua và định hướng trọng tâm giai đoạn 2026 - 2030, góp phần hiện thực hóa khát vọng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

2_96e41.png

Tại hội nghị, Cục Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi xanh và Khuyến công thông tin, trong giai đoạn 2021 - 2025, công tác khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của ngành Công Thương được triển khai đồng bộ trên cả ba trụ cột: Xây dựng thể chế, xác định định hướng ưu tiên và kiện toàn bộ máy tổ chức. Theo đó, Bộ Công Thương đã chủ động tham gia xây dựng, đóng góp nội dung quan trọng trong quá trình ban hành các văn bản chiến lược như Nghị quyết 57-NQ/TW, Nghị quyết 71/NQ-CP và Dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo đang được Quốc hội xem xét thông qua.

Ngay sau khi các văn bản này được ban hành, Bộ đã ban hành kế hoạch hành động, phân công cụ thể cho từng đơn vị nhằm triển khai hiệu quả, đúng tiến độ và sát với thực tiễn ngành. Căn cứ Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển ngành Công Thương đến năm 2030, Bộ đã hướng dẫn các đơn vị xây dựng Kế hoạch Khoa học và công nghệ giai đoạn 2026 - 2030.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bản tin chiều 19/5: Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các điểm bán vàng miếng treo bảng nhận biết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO