Bản tin chiều 14/5: VN-Index vượt mốc 1.300 điểm, thanh khoản đạt đỉnh 3 tuần
Tin tức nổi bật chiều 14/5: Thủ tướng đề nghị Tập đoàn Hoa Điện góp phần đảm bảo an ninh năng lượng cho Việt Nam; Khai trương tuyến vận tải đường bộ quốc tế Trung Quốc - Việt Nam; VN-Index vượt mốc 1.300 điểm, thanh khoản đạt đỉnh 3 tuần; Vốn FDI đổ vào bất động sản tăng mạnh trong quý I/2025; Thủ tướng chỉ đạo mở đợt cao điểm truy quét hàng giả, gian lận thương mại; Doanh nghiệp Việt Nam tăng cường tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Hoa Kỳ... và một số thông tin đáng chú ý khác.
Thủ tướng đề nghị Tập đoàn Hoa Điện góp phần đảm bảo an ninh năng lượng cho Việt Nam
Trưa 14/5, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp ông Bành Cương Bình - Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Tập đoàn Khoa học Kỹ thuật Hoa Điện Trung Quốc.
Thủ tướng đánh giá cao vai trò và quy mô ngày càng mở rộng của Tập đoàn Hoa Điện, đồng thời nhấn mạnh nhu cầu lớn về điện, đặc biệt là điện sạch để đáp ứng mục tiêu tăng trưởng 8% vào năm 2025 và cao hơn trong những năm tới. Việt Nam hoan nghênh các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có Trung Quốc, tham gia phát triển các lĩnh vực chiến lược như năng lượng tái tạo, theo hướng phát triển xanh và bền vững.

Tập đoàn Hoa Điện hiện đã đầu tư khoảng 2,8 tỷ USD vào Việt Nam, gồm Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải và 4 dự án điện gió tại Đắk Lắk. Ông Bành Cương Bình cho biết, Tập đoàn mong muốn mở rộng đầu tư vào điện sinh khối, điện gió, thủy điện tích năng, hydro và lưu trữ năng lượng tại nhiều địa phương.
Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành phối hợp với Tập đoàn tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ các dự án, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, phát triển năng lượng xanh và hỗ trợ kỹ thuật cho ngành điện Việt Nam.
VN-Index vượt mốc 1.300 điểm, thanh khoản đạt đỉnh 3 tuần
Sau 3 phiên tăng liên tiếp, VN-Index chính thức vượt mốc 1.300 điểm trong phiên giao dịch ngày 14/5, nhờ tâm lý nhà đầu tư cải thiện khi lo ngại về thuế quan dần lắng xuống. Chỉ số đại diện sàn HoSE đóng cửa sát 1.310 điểm, tăng 16 điểm so với tham chiếu, đánh dấu mức tăng tổng cộng 83 điểm trong 8 phiên gần nhất.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng tiếp tục là động lực chính cho đà hồi phục. Trong 10 mã góp phần lớn vào đà tăng, có đến 6 mã thuộc nhóm này, nổi bật là VPB tăng trần với dư mua hơn 1,7 triệu cổ phiếu. Các mã VCB, BID, TCB, HDB cũng ghi nhận mức tăng từ 1,5-4,6%.
Dòng tiền lan tỏa rộng giúp thanh khoản thị trường đạt hơn 27.300 tỷ đồng, cao nhất trong 3 tuần. Khối ngoại trở lại mua ròng mạnh, giải ngân gần 5.590 tỷ đồng và mua ròng hơn 2.260 tỷ, mức cao nhất kể từ cuối năm 2022, chủ yếu vào nhóm ngân hàng và cổ phiếu sản xuất lớn.
Việt Nam muốn hợp tác phát triển AI với Intel và Meta
Trong khuôn khổ chuyến công tác tại Hoa Kỳ, sáng 13/5 (giờ địa phương), đoàn công tác của Bộ Tài chính Việt Nam đã có các buổi làm việc quan trọng với lãnh đạo cấp cao của Intel và Meta nhằm thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghiệp bán dẫn.
Tại buổi làm việc với bà Sarah Kemp - Phó chủ tịch phụ trách đối ngoại của Intel, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn đánh giá cao sự phối hợp giữa Intel và Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) qua chương trình “AI for All”, góp phần đào tạo hơn 10.000 nhân lực chất lượng cao. Ông đề nghị Intel hỗ trợ thiết kế chương trình đào tạo, học bổng và xây dựng trung tâm R&D tại Việt Nam. Bà Kemp ghi nhận môi trường đầu tư thuận lợi tại Việt Nam và đánh giá cao chính sách thuế kịp thời, ổn định của Chính phủ.

Cùng ngày, đoàn cũng làm việc với bà Molly Montgomery - Giám đốc Chính sách công phụ trách thị trường Hoa Kỳ của Meta. Bà Montgomery đánh giá cao vai trò chiến lược của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu và mong muốn mở rộng đầu tư tại đây. Đại diện NIC và Cục Đầu tư nước ngoài cam kết tạo điều kiện để Meta sớm có hiện diện thương mại, đồng thời thúc đẩy hợp tác công nghệ số và đổi mới sáng tạo.
Khai trương tuyến vận tải đường bộ quốc tế Trung Quốc - Việt Nam
Sáng 14/5, đoàn xe chở linh kiện điện tử, rau quả tươi và hàng bách hóa từ hai thành phố Nam Ninh (Quảng Tây) và Côn Minh (Vân Nam), Trung Quốc đã đồng loạt khởi hành đến Hà Nội, Việt Nam. Đây là lần đầu tiên hàng hóa từ Trung Quốc được vận chuyển trực tiếp vào Việt Nam thông qua Hiệp định tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa và hành khách qua biên giới giữa các nước Tiểu vùng sông Mekong mở rộng.

Hai tuyến vận tải kết nối Trung Quốc với Việt Nam thông qua cửa khẩu Hà Khẩu (Vân Nam) và Hữu Nghị Quan (Quảng Tây), áp dụng phương thức “một thùng hàng đến đích” và “một xe tải đến đích”. Hình thức vận tải này giúp rút ngắn thời gian vận chuyển khoảng 1 ngày so với phương thức truyền thống và tiết kiệm chi phí từ 800-1.000 nhân dân tệ (tương đương 2,8-3,6 triệu đồng/xe).
Vốn FDI đổ vào bất động sản tăng mạnh trong quý I/2025
Theo Bộ Xây dựng, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực bất động sản Việt Nam ghi nhận mức tăng mạnh trong quý I/2025, đạt gần 10,98 tỷ USD, tăng 34,7% so với cùng kỳ năm trước.
Bất động sản tiếp tục giữ vị trí thứ hai trong các lĩnh vực thu hút FDI, phản ánh niềm tin của nhà đầu tư quốc tế vào tiềm năng thị trường Việt Nam. Một số dự án nổi bật có thể kể đến như tổ hợp sân golf và khách sạn tại Hưng Yên (1,5 tỷ USD) và dự án Tháp Phương Trạch tại Hà Nội (1,55 tỷ USD).

Cùng với đó, tín dụng bất động sản cũng có chuyển biến tích cực. Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 28/2, dư nợ tín dụng cho hoạt động kinh doanh bất động sản đạt gần 1,49 triệu tỷ đồng, tăng 25%. Ngân hàng Nhà nước đã triển khai gói tín dụng 145.000 tỷ đồng hỗ trợ nhà ở xã hội và thúc đẩy tín dụng cho các dự án phục vụ nhu cầu ở thực.
Hà Nội phê duyệt 148 khu đất thí điểm phát triển nhà ở thương mại
UBND TP. Hà Nội vừa phê duyệt kế hoạch bố trí 148 khu đất với tổng diện tích khoảng 840,36ha để triển khai thí điểm các dự án nhà ở thương mại theo Nghị quyết 171/2024/QH15 của Quốc hội. Đây được xem là bước đi quan trọng nhằm cụ thể hóa cơ chế thí điểm phát triển thị trường bất động sản thông qua hình thức thỏa thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất hợp pháp.

Trong đó, khoảng 169,54ha là đất trồng lúa. Các khu đất sẽ được sử dụng để xây dựng các loại hình nhà ở như nhà thấp tầng, cao tầng, nhà ở thương mại, nhà ở sinh thái và tổ hợp nhà ở - dịch vụ thương mại.
Việc thí điểm này không chỉ mở ra cơ hội phát triển nhà ở, mà còn góp phần khơi thông nguồn cung, thúc đẩy thị trường bất động sản Hà Nội trong thời gian tới.
Tín dụng tại TP.HCM lần đầu vượt mốc 4 triệu tỷ đồng
Tính đến hết tháng 4/2025, tổng dư nợ tín dụng tại TP.HCM lần đầu vượt 4 triệu tỷ đồng, theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước chi nhánh khu vực II. Con số này tăng 12,78% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 2,62% so với cuối năm 2024.

Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh khu vực II Nguyễn Đức Lệnh đánh giá, kết quả tích cực này cho thấy chính sách tín dụng linh hoạt, lãi suất thấp đã hỗ trợ hiệu quả cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng. Dòng vốn tín dụng tiếp tục tập trung vào lĩnh vực sản xuất - kinh doanh và 9 nhóm ngành dịch vụ chủ lực của thành phố, chiếm 35,4% tổng dư nợ, tăng hơn 3,6% so với cuối năm 2024.
Tín dụng tiêu dùng cũng ghi nhận tín hiệu phục hồi, tăng 2,3% trong ba tháng đầu năm - mức cải thiện đáng kể so với cùng kỳ 2023 và 2024. Tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng tại TP.HCM 4 tháng qua cũng tăng 20%, cho thấy sức cầu nội địa đang hồi phục mạnh.
Thủ tướng chỉ đạo mở đợt cao điểm truy quét hàng giả, gian lận thương mại
Ngày 14/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu thành lập tổ công tác đặc biệt và phát động đợt cao điểm truy quét hàng giả, gian lận thương mại, vi phạm sở hữu trí tuệ từ 15/5 đến 15/6. Tổ công tác Trung ương do Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn làm tổ trưởng, địa phương do Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố đứng đầu.

Chỉ đạo trên được đưa ra tại cuộc làm việc với các bộ, ngành về tình hình chống buôn lậu, hàng giả đầu năm 2025. Thủ tướng nhấn mạnh tình trạng vi phạm diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế - xã hội, sức khỏe người dân và uy tín quốc gia. Một số cá nhân thuộc lực lượng chức năng thậm chí còn vi phạm, gây mất niềm tin.
Thủ tướng yêu cầu xử lý nghiêm các sai phạm, truy tố kịp thời, công khai kết quả để răn đe. Đồng thời, giao Bộ Công an xác lập chuyên án lớn; Bộ Tài chính, Công Thương và các bộ liên quan hoàn thiện chính sách, tăng cường hậu kiểm, kiểm soát chặt thuốc giả, hàng hóa không rõ nguồn gốc.
Doanh nghiệp Việt Nam tăng cường tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Hoa Kỳ
Từ ngày 11-14/5, hơn 100 doanh nghiệp Việt Nam đã tham gia Hội nghị Thượng đỉnh Đầu tư SelectUSA 2025 tại Hoa Kỳ, nhằm tìm kiếm cơ hội hợp tác và mở rộng đầu tư vào nền kinh tế lớn nhất thế giới. Đoàn công tác do Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn dẫn đầu.

Các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động đa lĩnh vực như công nghệ, năng lượng, công nghiệp, nông nghiệp, logistics, giáo dục… đã tích cực kết nối với đối tác Hoa Kỳ qua các phiên thảo luận và sự kiện giao lưu do Ban tổ chức SelectUSA tổ chức. Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Nguyễn Quốc Dũng khẳng định sự tham gia đông đảo thể hiện cam kết hội nhập sâu rộng và nâng tầm quan hệ song phương.
Phía Hoa Kỳ đánh giá cao sự hiện diện mạnh mẽ của doanh nghiệp Việt Nam, cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư. Tính đến tháng 4/2025, Việt Nam có 252 dự án tại Hoa Kỳ với tổng vốn đầu tư hơn 1,36 tỷ USD, chủ yếu trong các lĩnh vực công nghệ cao, bất động sản và chế biến.
VinSpeed đăng ký đầu tư đường sắt cao tốc Bắc - Nam, hướng tới khởi công trước tháng 12/2025
Ngày 14/5, Công ty CP Đầu tư và Phát triển đường sắt cao tốc VinSpeed chính thức đăng ký đầu tư dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam, với mục tiêu hoàn thành trước năm 2030. Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 1.562 nghìn tỷ đồng (tương đương 61,35 tỷ USD), trong đó VinSpeed tự thu xếp 20%, phần còn lại đề xuất vay Nhà nước không lãi suất trong 35 năm.

VinSpeed cam kết đẩy nhanh tiến độ để khởi công trước tháng 12/2025 và đưa toàn tuyến vào khai thác trước cuối năm 2030. Doanh nghiệp đang đàm phán với các đối tác đến từ Đức, Nhật, Trung Quốc để chuyển giao công nghệ và phát triển công nghiệp đường sắt trong nước.
Theo lãnh đạo VinSpeed, đây là dự án cống hiến dài hạn, kỳ vọng góp phần đưa ngành đường sắt Việt Nam vươn tầm quốc tế và tạo động lực phát triển mới cho nền kinh tế.