Toàn cảnh

Đề xuất nâng tỷ lệ trích lập Quỹ khoa học và công nghệ lên tối đa 20% cho doanh nghiệp công nghệ cao

TH 14/05/2025 11:23

Tại phiên thảo luận về Dự thảo Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội đã kiến nghị điều chỉnh quy định liên quan đến tỷ lệ trích lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ nhằm tạo đột phá cho doanh nghiệp trong các lĩnh vực công nghệ cao, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI), bán dẫn, dữ liệu lớn và công nghệ số.

Hiện nay, theo Nghị định số 95/2014/NĐ-CP của Chính phủ, các doanh nghiệp Nhà nước bắt buộc trích lập từ 3% đến 10% thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp cho Quỹ phát triển khoa học và công nghệ. Trong khi đó, doanh nghiệp ngoài Nhà nước được quyền trích tối đa 10%.

Tuy nhiên, Dự thảo Luật mới lại quy định mức trích tối đa chỉ 5%, gây lo ngại về việc hạn chế nguồn lực đầu tư dài hạn cho hoạt động nghiên cứu và đổi mới sáng tạo, yếu tố then chốt trong nâng cao năng lực cạnh tranhquốc gia.

Đại biểu Trần Thị Nhị Hà, đoàn TP. Hà Nội nêu ý kiến.
Đại biểu Trần Thị Nhị Hà, đoàn TP. Hà Nội nêu ý kiến

Đại biểu Trần Thị Nhị Hà (đoàn Hà Nội) cho rằng quy định này chưa phản ánh đúng tinh thần của Nghị quyết số 193/2025/QH15 của Quốc hội, vốn đã cho phép doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ cao được trích lập quỹ tối đa 20% thu nhập tính thuế.

Bà nhấn mạnh, hạn chế về tỷ lệ trích lập sẽ làm suy giảm động lực đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp trong bối cảnh Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị đặt yêu cầu phải có chính sách ưu đãi khuyến khích doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, đầu tư cho nghiên cứu, chuyển đổi số và đổi mới công nghệ.

Theo đại biểu Nhị Hà, không chỉ mức trích lập thấp mà các quy định hiện hành về chi tiêu từ quỹ cũng đang là rào cản lớn. Cụ thể, Thông tư số 67/2022/TT-BTC của Bộ Tài chính với các quy định về dự toán, định mức chi và quản lý quỹ còn chưa phù hợp với thực tiễn doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp lúng túng trong việc xác định chi phí hợp lệ, lập quy chế nội bộ và thực hiện thủ tục hành chính, dẫn đến tình trạng quỹ bị “đóng băng”.

Từ thực tế này, đại biểu kiến nghị nâng mức trích lập tối đa lên 15%, riêng đối với doanh nghiệp công nghệ cao, công nghệ lõi như AI, chip, dữ liệu lớn thì cho phép lên tới 20% thu nhập tính thuế.

Bà cũng đề xuất mở rộng phạm vi sử dụng quỹ, bao gồm chi trả lương cho nhân sự nghiên cứu, thuê chuyên gia, mua linh kiện thử nghiệm, tham dự hội thảo chuyên ngành, mua sắm thiết bị phục vụ nghiên cứu… Đồng thời, đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành danh mục chi cụ thể và không bắt buộc lập đề tài riêng cho từng khoản, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp chủ động sử dụng quỹ phù hợp thực tiễn.

Cùng quan điểm, đại biểu Sùng A Lềnh (đoàn Lào Cai) cũng cho rằng quy định trích lập tối đa 5% là chưa tương thích với Nghị quyết số 68 của Trung ương về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế. Theo Nghị quyết này, doanh nghiệp được phép trích tối đa 20% thu nhập tính thuế để lập Quỹ phục vụ các hoạt động nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và phát triển công nghệ.

Ông Sùng A Lềnh nhấn mạnh, ngoài việc nâng tỷ lệ trích lập, cần mở rộng phạm vi sử dụng quỹ, cho phép doanh nghiệp không chỉ tự nghiên cứu mà còn có thể đặt hàng nghiên cứu từ bên ngoài theo cơ chế khoán sản phẩm, một mô hình linh hoạt, phù hợp với xu hướng đổi mới sáng tạo mở.

Đồng thời, ông đề xuất thiết lập cơ chế Nhà nước cùng chia sẻ rủi ro với doanh nghiệp trong các dự án công nghệ có tiềm năng ứng dụng và thương mại hóa cao, thông qua các công cụ tài chính như bảo lãnh tín dụng, vốn mồi, hoặc lãi suất ưu đãi.

Đại biểu đoàn Lào Cai cũng bày tỏ quan ngại về những vướng mắc trong việc thu hút và giữ chân nhân lực chất lượng cao. Ông đề xuất cần có chính sách đặc thù hỗ trợ doanh nghiệp trong đào tạo nội bộ, đặt hàng đào tạo theo nhu cầu thị trường và tạo môi trường làm việc hấp dẫn để thu hút chuyên gia trong và ngoài nước.

Ngoài ra, về chính sách tài chính, ông kiến nghị cần quy định rõ ràng hơn về thanh toán theo sản phẩm nghiệm thu từng phần, phù hợp với đặc thù rủi ro trong nghiên cứu công nghệ, cũng như cụ thể hóa các ưu đãi thuế cho doanh nghiệp đầu tư vào R&D và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng giải trình tiếp thu một số vấn đề đại biểu nêu.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng giải trình tiếp thu một số vấn đề đại biểu nêu

Giải trình tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: “Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo chính là nền tảng của một quốc gia hiện đại, là điều kiện tiên quyết để Việt Nam trở thành nước phát triển”. Ông khẳng định, Dự thảo Luật lần này lần đầu tiên dành riêng một chương để quy định về chính sách thúc đẩy nghiên cứu và đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp.

Theo đó, doanh nghiệp không chỉ được khuyến khích sử dụng nguồn lực của mình mà còn được hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước theo nguyên tắc "mồi vốn", tức Nhà nước chi 1 đồng sẽ huy động được 3 - 4 đồng từ khu vực tư nhân. Nếu trước đây tỷ lệ ngân sách tài trợ cho doanh nghiệp chỉ chiếm khoảng 10% thì trong tương lai có thể tăng lên 70 - 80%.

Đặc biệt, Dự thảo cho phép doanh nghiệp được hạch toán chi phí nghiên cứu phát triển như chi phí sản xuất kinh doanh mà không bị giới hạn về tỷ lệ, đồng thời được khấu trừ thuế với hệ số ưu đãi 150%, thậm chí 200% đối với lĩnh vực công nghệ chiến lược.

Ngoài ra, các doanh nghiệp có lãi được trích lợi nhuận trước thuế để lập Quỹ đầu tư cho khoa học công nghệ và khởi nghiệp sáng tạo, giải pháp nhằm thúc đẩy sự liên kết giữa các doanh nghiệp lớn và hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đề xuất nâng tỷ lệ trích lập Quỹ khoa học và công nghệ lên tối đa 20% cho doanh nghiệp công nghệ cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO