Toàn cảnh

Đòn bẩy thể chế để TP.HCM trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo khu vực (Bài 7)

TS. Trần Quý (*) 13/05/2025 8:30

Trong Nghị quyết 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân vừa được Bộ Chính trị ban hành khẳng định khu vực này là lực lượng tiên phong trong đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Với TP.HCM - đô thị dẫn đầu về tăng trưởng và năng lực cạnh tranh, nghị quyết này chính là chất xúc tác thể chế kịp thời để hiện thực hóa tầm nhìn trở thành trung tâm tài chính, đổi mới sáng tạo hàng đầu khu vực.

Tăng tốc đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số tại TP.HCM

Nghị quyết 68 xác lập mục tiêu đầy tham vọng: đến năm 2030, Việt Nam sẽ thuộc nhóm 3 quốc gia dẫn đầu ASEAN về đổi mới sáng tạo, và đến năm 2045, khu vực tư nhân chiếm hơn 60% GDP, với năng lực công nghệ ở nhóm đầu châu Á. TP.HCM được kỳ vọng là đầu tàu thực hiện mục tiêu này, nhờ nền tảng cộng đồng doanh nghiệp công nghệ mạnh, hạ tầng số đang được đầu tư và văn hóa khởi nghiệp đổi mới lan tỏa.

Để kích hoạt động lực này, Nghị quyết 68 mở rộng cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) - công cụ thử nghiệm chính sách linh hoạt cho các mô hình công nghệ mới. Với sandbox, doanh nghiệp có thể triển khai sản phẩm, dịch vụ mới mà không bị ràng buộc bởi khung pháp lý truyền thống, trong một môi trường giám sát kiểm soát rủi ro. TP.HCM với lợi thế hạ tầng và tư duy cải cách nên trở thành nơi đầu tiên triển khai các mô hình sandbox về fintech, AI, blockchain, dữ liệu lớn, thành phố thông minh... Từ đây, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của Thành phố có thể bứt phá về chất lượng.

Cùng với sandbox, hàng loạt ưu đãi tài khóa được đưa vào Nghị quyết: doanh nghiệp được khấu trừ 200% chi phí nghiên cứu phát triển (R&D) khi tính thuế; trích lập tối đa 20% thu nhập tính thuế vào quỹ khoa học công nghệ; miễn, giảm thuế thu nhập cá nhân cho chuyên gia đổi mới sáng tạo. Những chính sách này sẽ khuyến khích các công ty lớn như VNG, FPT, MoMo... và các startup mới đẩy mạnh đầu tư công nghệ và giữ chân nhân lực chất lượng cao.

TP.HCM cũng đã xác định mục tiêu đến 2030 nằm trong nhóm 50 hệ sinh thái đổi mới sáng tạo toàn cầu. Để làm được điều đó, việc triển khai đồng bộ sandbox, ưu đãi thuế và đầu tư hạ tầng số hiện đại là điều kiện cần thiết. Quan trọng hơn, cần xây dựng niềm tin lâu dài của doanh nghiệp với chính quyền Thành phố - điều mà Nghị quyết 68 nhấn mạnh: Nhà nước kiến tạo, doanh nghiệp là trung tâm.

bai-7.jpg
Nghị quyết 68 là đòn bẩy thể chế để TP.HCM trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo khu vực

Đẩy nhanh xây dựng khung pháp lý cho tài sản số, công nghệ tài chính và các mô hình kinh tế mới

Khác với những lần trước, Nghị quyết 68 lần này đã đặt ra yêu cầu rất rõ: Hoàn thiện hành lang pháp lý cho các lĩnh vực mới như tiền số, tài sản ảo, công nghệ tài chính, trí tuệ nhân tạo. Điều này mở đường cho TP.HCM triển khai các đề án lớn như Trung tâm tài chính quốc tế, sàn giao dịch tài sản số, mô hình ngân hàng số xuyên biên giới.

Cần nhấn mạnh rằng, thách thức lớn nhất khi phát triển mô hình tài chính - công nghệ chính là khoảng trống pháp lý. Do đó, việc Bộ Chính trị chính thức chỉ đạo xây dựng khung pháp lý cho tiền số, fintech và tài sản số là một bước ngoặt. TP.HCM cần chủ động đề xuất Chính phủ cho phép thí điểm các nội dung này trong không gian sandbox địa phương. Khi đó, mô hình như sàn giao dịch token, ngân hàng số, dịch vụ bảo hiểm phi tập trung... sẽ có cơ hội phát triển thực tế.

Song song, cơ chế thu hút nhà đầu tư chiến lược cho Trung tâm Tài chính TP.HCM cũng cần phát huy hiệu quả. Theo đề xuất hiện tại, nhà đầu tư xây dựng hạ tầng tài chính có vốn từ 2 tỷ USD sẽ được ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp 7% trong 33 năm, miễn tiền thuê đất 20 năm và miễn thuế nhập khẩu máy móc. Đây là điều kiện quan trọng để thu hút các tập đoàn tài chính, fintech toàn cầu đến đặt trụ sở tại TP.HCM.

Việc cấp phép cho các tổ chức tín dụng nước ngoài hoạt động theo mô hình offshore (tách biệt với thị trường tài chính nội địa) sẽ giúp TP.HCM từng bước hình thành không gian tài chính quốc tế, tương tự như Hồng Kông hay Singapore. Tuy nhiên, TP.HCM cần phối hợp chặt với các bộ ngành để đảm bảo ranh giới pháp lý rõ ràng, phòng chống rửa tiền và đảm bảo an toàn hệ thống.

Nền móng cho sự phát triển dài hạn

Nghị quyết 68 mang lại điều kiện chín muồi để TP.HCM thực hiện cú nhảy vọt về mô hình kinh doanh số và hệ sinh thái tài chính sáng tạo. Tuy nhiên, chính quyền TP.HCM cần chủ động đề xuất thí điểm chính sách mới, phối hợp với các bộ, ngành để hình thành khung thử nghiệm phù hợp. Trọng tâm nên bắt đầu từ sandbox cho fintech, sàn giao dịch tài sản số, và cơ chế cho trung tâm tài chính quốc tế tại TP. HCM.

Cộng đồng doanh nghiệp tại TP.HCM cũng cần chuẩn bị tâm thế và năng lực triển khai, nhất là về công nghệ, quản trị rủi ro và kết nối quốc tế. Khi niềm tin giữa Nhà nước và doanh nghiệp được củng cố qua hành lang pháp lý minh bạch, các ý tưởng kinh doanh sáng tạo sẽ có cơ hội phát triển bền vững.

TP.HCM đang đứng trước cơ hội lịch sử để xác lập vai trò dẫn dắt trong nền kinh tế số quốc gia. Nghị quyết 68 không chỉ là một chính sách, đó là cơ hội kiến tạo tương lai. Và nếu được khai thác đúng mức, nó sẽ trở thành nền móng để TP.HCM thực sự bước vào giai đoạn phát triển chất lượng cao, toàn diện và bền vững, cùng cả nước tiến vào kỷ nguyên vươn mình.

(*) Viện trưởng Viện Phát triển kinh tế số Việt Nam (VIDE)

Nghị quyết 68 mang lại điều kiện chín muồi để TP.HCM thực hiện cú nhảy vọt về mô hình kinh doanh số và hệ sinh thái tài chính sáng tạo. Tuy nhiên, chính quyền TP.HCM cần chủ động đề xuất thí điểm chính sách mới, phối hợp với các bộ, ngành để hình thành khung thử nghiệm phù hợp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đòn bẩy thể chế để TP.HCM trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo khu vực (Bài 7)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO