Toàn cảnh

Thiết lập “lối đi ưu tiên” cho doanh nghiệp trong ngành trọng điểm (Bài 6)

Nguyễn Thị Diệu Hằng (*) 13/05/2025 7:00

Hơn 15 năm hoạt động trong hệ sinh thái khởi nghiệp, đây là lần đầu tiên tôi đọc một cách đầy thu hút, cẩn trọng từng câu, từng chữ trong nghị quyết 68. Tôi cảm nhận được tinh thần dân tộc, sự quyết liệt và niềm tin vào sự phát triển của đất nước trong kỷ nguyên mới.

bai-6.jpg

Muốn bứt phá, cần dỡ bỏ rào cản tư duy cũ

Từ khi Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên Khởi nghiệp (BSSC) ra đời đến nay, những nỗ lực mà chúng tôi kiên trì theo đuổi, từ hỗ trợ khởi nghiệp, thúc đẩy đổi mới sáng tạo đến phát triển kinh tế xanh đều được phản ánh rõ nét trong Nghị quyết. Điều khiến tôi ấn tượng nhất chính là tinh thần xuyên suốt: đặt niềm tin vào doanh nghiệp (DN), xem khu vực tư nhân là động lực trung tâm của tăng trưởng và phát triển kinh tế bền vững.

68 theo quan niệm của giới kinh doanh là “lộc phát”, nên nếu nói vui, thì Nghị quyết 68 là Nghị quyết “lộc phát” của nền kinh tế Việt Nam. Tôi tin là như vậy. Nền kinh tế không thể phát triển và đi lên được nếu một người nhấn ga, một người đạp thắng. Việc giảm thiểu sự can thiệp và xóa bỏ các rào cản hành chính, cơ chế “xin-cho”; tư duy “không quản được thì cấm” là một trong những nội dung của Nghị quyết mà tôi vô cùng tâm đắc. Tôi cho rằng có ba yếu tố then chốt để nhà nước thật sự trở thành một “nhà nước kiến tạo”.

nguyen-thi-dieu-hang-bai-6-.jpg
Bà Nguyễn Thị Diệu Hằng

Đầu tiên là thể chế pháp lý minh bạch, ổn định và dễ thực thi: Đây là nền tảng để DN yên tâm đầu tư dài hạn, các tổ chức chỉ có thể tăng tốc và chạy nhanh khi đường đua bằng phẳng, dễ quan sát, an toàn. Việc "gỡ điểm nghẽn", dọn đường chạy cho DN sẽ là minh chứng cho vai trò kiến tạo.

Thứ hai, là chuyển dịch mạnh sang hỗ trợ hạ tầng mềm như đào tạo, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo: Nghị quyết 68 đã nhấn mạnh các chính sách thuế, tài chính ưu đãi cho khởi nghiệp sáng tạo và DN vừa và nhỏ. Đây là hướng đi đúng và sẽ tạo nhiều tác động đến năng suất, hiệu quả của kinh tế tư nhân.

Thứ ba, để thoát bẫy thu nhập trung bình, nền kinh tế Việt Nam không thể cứ mãi nói về lợi thế nhân công rẻ. Trong kỷ nguyên mới, tôi cho rằng đổi mới sáng tạo sẽ là chìa khóa quan trọng để chúng ta nâng cao năng suất lao động, thu hút các nguồn lực quốc tế, tạo lợi thế cạnh tranh và phát triển bền vững.

Vai trò kiến tạo của Nhà nước trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo

Tôi hoan nghênh việc Nghị quyết 68 đề xuất rất nhiều các giải pháp để phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, trong đó có những chính sách hỗ trợ trực tiếp cho DN đổi mới sáng tạo, có những chính sách hỗ trợ cho các quỹ đầu tư, các đơn vị tiếp sức khởi nghiệp, các vườn ươm, các trường đại học… tham gia vào hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, khuyến khích tinh thần khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo của toàn dân. Đây là các chính sách đột phá, thể hiện vai trò kiến tạo đúng nghĩa của Nhà nước trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo.

Tư duy “kiến tạo có kiểm soát” đã bắt đầu được thể chế hóa, thể hiện rõ trong Nghị quyết 68 và các chương trình thúc đẩy khởi nghiệp. Tuy nhiên, ở cấp thực thi vẫn còn khoảng cách. Tôi cho rằng “Tư duy đúng, hiểu đúng, làm đúng, kết quả đúng” là một quá trình cần sự nhất quán, thông suốt từ cấp chính sách đến cấp thực thi. Chúng ta không thể có một nền kinh tế phát triển khác trước đây, nếu chúng ta vẫn hành xử và quản lý như trước đây.

Việc giảm thiểu sự can thiệp và xóa bỏ các rào cản hành chính, cơ chế “xin-cho”; tư duy “không quản được thì cấm” là một trong những nội dung của Nghị quyết mà tôi vô cùng tâm đắc.

Hiện nay, một số cán bộ còn tâm lý “sợ trách nhiệm” hay chưa hiểu đầy đủ về đổi mới sáng tạo, nên xử lý máy móc, làm giảm tính hiệu quả của chính sách. Tôi nghĩ, ngoài cải cách thủ tục, điều cần thiết là đào tạo đội ngũ thực thi theo tinh thần “phục vụ và đồng hành”, tạo ra sự nhất quán từ chính sách đến thực thi.

Tôi vẫn còn nhớ, trong một bài chia sẻ của anh Đinh Hồng Kỳ - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Secoin có nói: Để có những DN thành công “mang Trung Quốc ra thế giới”, Trung Quốc đã thực hiện rất tốt "ba không": không vội vàng cấm đoán cái mới, không cứng nhắc áp dụng quy định, không trừng phạt nặng với sai lầm ban đầu. Đây là “sự bao dung thông minh, có chừng mực” của Trung Quốc và nó đã tạo động lực và mang lại kết quả vượt mong đợi.

Là một người hoạt động trong lĩnh vực hỗ trợ khởi nghiệp và đổi mới sáng tôi, tôi nghĩ có những bài học mà chúng ta có thể triển khai được như: Xây dựng sandbox, hoặc các “đặc khu” để ươm tạo và cho triển khai những mô hình kinh doanh mới, công nghệ mới trong một khung pháp lý linh hoạt trong thời gian cụ thể, và trong thời gian này, việc minh bạch thông tin là điều quan trọng. Đặc biệt, ưu tiên những DN quốc tế vào Việt Nam và chuyển giao công nghệ, sử dụng nhân lực Việt Nam, tạo điều kiện để xây dựng một nguồn nhân lực người Việt có kiến thức, kinh nghiệm và môi trường đổi mới sáng tạo.

Thiết lập những “lối đi ưu tiên” dành cho những DN hoạt động trong ngành trọng điểm, mũi nhọn, mang lại lợi thế cạnh tranh cho nền kinh tế Việt Nam so với khu vực. Đây không chỉ là chính sách mang tính chiến lược, mà còn là cam kết thực tế, một lời mời gọi minh bạch đến cộng đồng DN rằng “hãy cùng kiến tạo tương lai đất nước”.

(*) Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên Khởi nghiệp (BSSC), Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM (YBA)

Kami ghi

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thiết lập “lối đi ưu tiên” cho doanh nghiệp trong ngành trọng điểm (Bài 6)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO