Nghị quyết 68 và những điểm mới đột phá từ góc nhìn doanh giới (Bài 3)
Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị vừa được ban hành có nhiều điểm mới đột phá, gỡ bỏ nhiều rào cản để kinh tế tư nhân phát triển, đồng thời đánh dấu bước chuyển mạnh mẽ trong tư duy phát triển kinh tế tư nhân tại Việt Nam.

Lần đầu tiên, khu vực này được xác định là “động lực quan trọng nhất” của nền kinh tế quốc dân, thay vì chỉ là một thành phần như trước đây. Theo ông Mã Thanh Danh - Phó tổng giám đốc Tập đoàn KIDO, đây là bước ngoặt thể hiện rõ sự thay đổi trong cách nhìn nhận: Doanh nghiệp (DN) tư nhân không còn là “người ngoài cuộc”, mà trở thành “trụ cột trung tâm”, quan trọng bậc nhất trong chiến lược phát triển quốc gia. “Nghị quyết không dành cho ai khác, mà là lời mời DN bước vào sân chơi lớn với tâm thế chủ động, sáng tạo và bài bản”, ông Danh nhấn mạnh.
Khác với các văn bản trước, Nghị quyết 68 lần đầu đặt ra các mục tiêu rõ ràng, có thể đo lường và mang tính cam kết cao: đến năm 2030, đạt 2 triệu DN, ít nhất 20 DN lớn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu; đến năm 2045, có 3 triệu DN, khu vực tư nhân đóng góp trên 60% GDP. Đây không chỉ là những con số tham vọng, mà còn là lời tuyên bố mạnh mẽ về vai trò trung tâm của kinh tế tư nhân trong chiến lược phát triển quốc gia. Việc xác lập các cột mốc cụ thể vừa thể hiện quyết tâm chính trị, vừa tạo áp lực chính sách tích cực, buộc bộ máy quản lý phải hành động thực chất và đồng hành hiệu quả cùng DN trong một cuộc chạy đua không thể chậm trễ.
Khi Nghị quyết được ban hành, lực lượng DN nhỏ và vừa chia sẻ sự vui mừng khi đối tượng này thuộc diện được hưởng những chính sách đặc biệt như bãi bỏ lệ phí môn bài, miễn thuế thu nhập DN 3 năm đầu. Hỗ trợ đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, thương mại điện tử, hỗ trợ DN xây dựng thương hiệu, ưu tiên DN nhỏ và vừa tham gia mua sắm công… Theo ông Mã Thanh Danh, đây là những chỉ dấu của một khát vọng lớn và DN nhỏ và vừa cần tận dụng cơ hội này để bứt phá, “chạy nhanh, chạy đúng” khi Nhà nước đã mở đường.
Từ góc nhìn khác, bà Lâm Thuý Ái - Chủ tịch HĐTV Công ty Mebipha cho rằng, ngoài việc dũng cảm xoá bỏ định kiến đối với kinh tế tư nhân, Nghị quyết 68 thể hiện, nhấn mạnh, cam kết rõ vai trò “kiến tạo và phục vụ” của Nhà nước, thông qua việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, xóa bỏ các rào cản tiếp cận thị trường đảm bảo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, rõ ràng, nhất quán, ổn định lâu dài, dễ tuân thủ, chi phí thấp được Nghị quyết 68 “lượng hóa” cụ thể.
Đáng chú ý, ông Lê Viết Hải - Chủ tịch Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu xây dựng TP.HCM đánh giá cao chủ trương không hồi tố đối với các quy định pháp luật để xử lý bất lợi cho DN. Đây là điểm mới tạo niềm tin cho nhà đầu tư, đảm bảo tính ổn định và dự báo của hệ thống pháp lý.
Đồng quan điểm, ông Đinh Hồng Kỳ - Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM cho rằng, đây là điều quan trọng với mọi doanh nghiệp. Ông Kỳ viện dẫn câu chuyện một doanh nhân ngành xây dựng tại một thành phố lớn từng bị khởi tố vì “trốn thuế” chỉ vì không cập nhật kịp quy định khấu trừ VAT mới ban hành. Sau này vụ án được đình chỉ, nhưng uy tín DN thì không thể cứu lại - họ mất nhiều hợp đồng lớn và cả niềm tin trên thị trường. Tại Nhật Bản, nếu doanh nghiệp nhỏ vi phạm hành chính thuế lần đầu, cơ quan chức năng sẽ hướng dẫn và yêu cầu khắc phục - không quy tội. Tinh thần của cải cách chính là giúp DN tốt lên, chứ không đẩy họ vào rủi ro pháp lý từ những sai sót vô ý.
Ở khía cạnh dài hạn, ông Phạm Văn Việt - Phó chủ tịch Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam, Phó chủ tịch Hội Dệt May Thêu Đan TP.HCM nhìn nhận Nghị quyết 68 là nền tảng thúc đẩy DN chuyển đổi số, đổi mới công nghệ và nâng cao năng lực cạnh tranh. Không chỉ dừng ở khuyến khích, Nghị quyết còn mở ra cơ chế thử nghiệm công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới trong môi trường pháp lý linh hoạt - yếu tố từng thiếu hụt. Khi được tạo điều kiện ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, DN có thể rút ngắn chu kỳ phát triển và tăng tốc hội nhập toàn cầu.
Nghị quyết 68 là bước ngoặt lớn trong tư duy phát triển kinh tế tư nhân, không chỉ mở ra không gian mới mà còn tạo dựng niềm tin mạnh mẽ. Khi tư nhân được nhìn nhận là động lực trung tâm, được bảo vệ quyền tự do kinh doanh, được hỗ trợ đổi mới và hội nhập, thì mỗi doanh nhân, mỗi người dân đều có thể tin rằng: thành công của họ là thành công của quốc gia.
Nếu được triển khai hiệu quả, Nghị quyết này sẽ là chất xúc tác đưa Việt Nam bước vào kỷ nguyên phát triển mới - kỷ nguyên của sáng tạo, hội nhập và thịnh vượng, trong đó kinh tế tư nhân đóng vai trò dẫn dắt với tinh thần chủ động, tự cường và đầy khát vọng.