Toàn cảnh

Trung tâm Cách mạng công nghiệp 4.0 TP.HCM tổ chức tọa đàm lấy ý kiến đề xuất chính sách thực hiện Nghị quyết 57

NH 13/05/2025 - 18:34

Ngày 12/5/2025, Trung tâm Cách mạng công nghiệp 4.0 TP.HCM (HCMC C4IR) đã tổ chức tọa đàm lấy ý kiến của đại diện lãnh đạo các doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM.

Mục tiêu của tọa đàm nhằm đề xuất các chính sách đột phá phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, thực hiện Quyết định 1413 của UBND TP.HCM về triển khai Chương trình hành động số 63-CTrHĐ/TU ngày 27/02/2025 của Thành ủy, cụ thể hóa Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị.

Theo đó, tọa đàm đã thu hút sự quan tâm sâu rộng từ cộng đồng doanh nghiệp. Các ý kiến thảo luận tập trung vào những vấn đề then chốt trong chiến lược phát triển thành phố theo hướng khoa học - công nghệ và số hóa.

z6597867737732_bec186c93833b31e4e1667d83f987bf4.jpg
Quang cảnh tọa đàm

Nhiều đại biểu đề xuất chính sách tài chính đặc thù hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, bao gồm cơ chế tài trợ nghiên cứu, đầu tư công nghệ và ưu đãi tín dụng. Đồng thời, một số ý kiến nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết về hạ tầng nghiên cứu - thí nghiệm, thiết bị công nghệ cao, cũng như yêu cầu tháo gỡ các rào cản thể chế.

Về nguồn nhân lực, đại diện nhiều doanh nghiệp kiến nghị đẩy mạnh các chương trình đào tạo gắn với thực tiễn chuyển đổi số, cùng với các chính sách thu hút và đãi ngộ chuyên gia trình độ cao, yếu tố quyết định năng lực cạnh tranh của TP.HCM trong khu vực ASEAN.

Một sáng kiến đáng chú ý được đưa ra là việc thành lập Trung tâm nghiên cứu - thí nghiệm tập trung, nhằm quy tụ và tối ưu hóa hạ tầng nghiên cứu hiện có, gia tăng hiệu quả đầu tư. Cùng với đó là kiến nghị xây dựng các quỹ đầu tư công nghệ như Quỹ tài chính số, Quỹ công nghệ xanh theo mô hình mở, minh bạch và có khả năng huy động xã hội hóa mạnh mẽ.

Phát biểu tổng kết tọa đàm, ông Lê Trường Duy - Giám đốc HCMC C4IR đánh giá cao tinh thần đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp, khẳng định: “Nội dung tọa đàm đã mở ra nhiều phương thức tiếp cận mới, góp phần định hình lộ trình kết nối giữa nghiên cứu và chính sách”.

Ông đặc biệt nhấn mạnh 4 nguyên tắc "cùng làm": cùng nghiên cứu, cùng đề xuất, cùng triển khai và cùng theo dõi, đánh giá. Theo ông Duy, 4 nguyên tắc này được xem là nền tảng cho hệ sinh thái đổi mới sáng tạo bền vững của Thành phố.

z6597871508817_5ef544e904e3144d718c167466bd3692.jpg
Ông Lê Trường Duy - Giám đốc HCMC C4IR phát biểu tổng kết tọa đàm

Trung tâm Cách mạng công nghiệp 4.0 TP.HCM (HCMC C4IR) là một sáng kiến nằm trong Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) giai đoạn 2023 - 2026.

Đây là trung tâm cách mạng công nghiệp thứ hai tại Đông Nam Á (sau Malaysia), trực thuộc UBND TP.HCM, đặt tại Khu Công nghệ cao, hoạt động theo cơ chế tự chủ tương tự doanh nghiệp.

Trung tâm có vai trò kết nối nghiên cứu, đề xuất chính sách, huy động nguồn lực và chuyển giao công nghệ trong các lĩnh vực trọng điểm của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư như trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), vi mạch, công nghệ sinh học, vật liệu mới và sản xuất thông minh.

C4IR vận hành với ba trụ cột tổ chức chính: lãnh đạo, vận hành và hỗ trợ. Hội đồng quản lý của Trung tâm có sự tham gia của đại diện Chính phủ, doanh nghiệp và viện trường, là cơ chế hợp tác ba bên nhằm dẫn dắt các sáng kiến đổi mới sáng tạo trong các ngành công nghiệp mũi nhọn của Thành phố.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Trung tâm Cách mạng công nghiệp 4.0 TP.HCM tổ chức tọa đàm lấy ý kiến đề xuất chính sách thực hiện Nghị quyết 57
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO