Báo cáo mới nhất của NHNN cho biết tăng trưởng tín dụng cả năm 2022 đạt 14,5%, mức cao nhất trong vòng 5 năm. Đáng chú ý, tín dụng chỉ tăng thêm khoảng 5% từ cuối tháng 6 đến cuối tháng 12 (6 tháng đầu năm đã tăng 9,5% so với cuối năm).
Dự báo về tăng trưởng tín dụng năm 2023, nhóm nghiên cứu từ VnDirect Research nhận định tăng trưởng tín dụng trong toàn bộ nền kinh tế có thể sẽ đạt khoảng 12%.
Những nguyên nhân làm chậm đà tăng trưởng tín dụng trong năm nay là: các chính sách ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ và NHNN sẽ tiếp tục được triển khai trong năm 2023 là yếu tố then chốt; các ngân hàng thương mai đang neo lãi suất ở mức cao khiến việc tiếp cận vốn vay trở nên khó khăn với những người có nhu cầu mua nhà, trong tình hình huy động vốn bằng trái phiếu của các doanh nghiệp không khả quan.
Hai nguyên nhân trên sẽ khiến thị trường bất động sản có thể sẽ vẫn ở trạng thái "ngủ đông".
Nền kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ phải đối đầu với suy giảm kim ngạch xuất khẩu, ngành vốn được xem là trụ cột. Xuất khẩu được dự báo sẽ giảm xuống mức 9,5% (so với 14% trong năm 2022). Nguyên nhân đến từ việc các nền kinh tế vốn là thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam đang bị khủng hoảng.
Ngoài ra, như nhận định của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), lạm phát trên thế giới đang có dấu hiệu đạt đỉnh, còn lạm phát của Việt Nam tuy cố kiềm vẫn khó giữ được mức cũ. Áp lực này có thể sẽ tiếp tục gia tăng khi mức lương cơ bản tăng thêm 20,8% từ ngày 1/7/2023, bên cạnh sự tăng giá các dịch vụ y tế, vận tải công cộng…
Ngoài VnDirect Research, các nghiên cứu của Công ty chứng khoán Mirae Asset hay Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng cho rằng tăng trưởng tín dụng năm 2023 sẽ thấp hơn so với năm trước khoảng 11%-12%.