Các gói tín dụng
Sau Quyết định 388/QĐ-TTg của Chính phủ phê duyệt đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) gần đây đã công bố đối tượng và các điều kiện cho vay của gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo và xây dựng chung cư theo Nghị quyết 33/NQ-CP (sau đây gọi tắt là nhà ở xã hội).
Theo đó, đối tượng vay vốn là pháp nhân, cá nhân đầu tư xây dựng và mua nhà ở tại các khu nhà ở xã hội, cải tạo, xây dựng chung cư thuộc danh mục do Bộ Xây dựng công bố. Thời hạn giải ngân vốn đến khi doanh số giải ngân đạt 120.000 tỷ đồng nhưng không quá ngày 31/12/2030.
Được biết, lãi suất cho vay hỗ trợ chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội là 8,7%/năm (áp dụng trong 3 năm), cho người mua nhà là 8,2%/năm (áp dụng trong 5 năm). Kể từ ngày 1/7/2023, cứ 6 tháng một lần NHNN sẽ thông báo mức lãi suất cho vay. Các ngân hàng thương mại, trong đó chủ yếu là 4 ngân hàng Agribank, BIDV, Vietcombank, VietinBank sẽ triển khai chương trình này.
Trong bối cảnh thị trường bất động sản (BĐS) khó khăn, nguồn cung nhà ở xã hội thiếu trầm trọng, gói tín dụng trên được kỳ vọng sẽ giải quyết phần nào khó khăn của DN BĐS cũng như người có nhu cầu vay mua nhà và thúc đẩy DN BĐS chuyển hướng kinh doanh sang việc xây dựng nhà ở xã hội để tái cấu trúc dòng tiền và tận dụng lãi suất ưu đãi.
Đồng thời với việc triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, NHNN cũng tăng cường đôn đốc với các ngân hàng thương mại để thúc đẩy gói cho vay hỗ trợ 2% lãi suất, theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ. Cụ thể, NHNN đã yêu cầu các ngân hàng chủ động tiếp cận, đồng hành, hướng dẫn khách hàng hoàn thiện hồ sơ, thủ tục, giúp khách hàng hiểu rõ về cách thức tiếp cận chính sách hỗ trợ lãi suất.
Trước đó, Bộ Xây dựng đã đề xuất Quốc hội, Chính phủ dành gói tín dụng khoảng 110.000 tỷ đồng cấp cho các ngân hàng thương mại để cho vay xây dựng và mua nhà ở xã hội theo phương thức tái cấp vốn, giống gói 30.000 tỷ đồng đã thực hiện trong giai đoạn 2013-2016 trước đây. Tuy nhiên, đề xuất này khi đó chưa được thông qua, nhưng gần đây, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đề nghị Bộ Xây dựng tiếp tục nghiên cứu đề xuất gói tín dụng ưu đãi này để người mua, thuê mua nhà ở xã hội được vay với lãi suất ưu đãi khoảng 4,8-5%/năm trong thời hạn tối đa 25 năm.
Theo NHNN chi nhánh TP.HCM, đã có hơn 20 ngân hàng đăng ký gói tín dụng trị giá 453.070 tỷ đồng cho vay trong năm 2023, tăng 4% so với gói tín dụng các ngân hàng đăng ký năm 2022. Gói tín dụng này sẽ được các ngân hàng cho vay theo chương trình kết nối ngân hàng - DN trong năm 2023, do NHNN chi nhánh TP.HCM tổ chức. Theo đó, quy mô gói tín dụng ưu đãi của các tổ chức tín dụng đăng ký năm 2023 chiếm khoảng 14%.
Thời gian gần đây, nhiều ngân hàng đã triển khai các chương trình cho vay với lãi suất ưu đãi nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu ra, trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng trì trệ trong khi tiền gửi tăng mạnh trong những tháng đầu năm, khiến các ngân hàng rơi vào tình trạng thừa vốn trở lại.
Cần khả thi và thiết thực
Trong bối cảnh nền kinh tế đang đối mặt với không ít khó khăn và thách thức, nhiều DN đứng trước nguy cơ "chết lâm sàng", dòng tiền kinh doanh bị đứt gãy trầm trọng do sản phẩm tiêu thụ chậm khi cầu suy yếu, sản xuất, kinh doanh bị thu hẹp, khả năng tiếp cận vốn gặp khó khăn, việc nhiều gói tín dụng hỗ trợ được ban hành kỳ vọng sẽ tháo gỡ bớt những khó khăn trên, đưa nền kinh tế nói chung và DN nói riêng trở lại với quỹ đạo phục hồi ổn định.
Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy không ít gói hỗ trợ tín dụng dù được đưa ra nhưng chưa mang lại hiệu quả như kỳ vọng do DN vẫn rất khó tiếp cận, có tiếp cận được cũng không mấy mặn mà vì tính khả thi vẫn còn nhiều hạn chế. Đặc biệt, dù về mặt lãi suất ưu đãi tuy có thấp hơn so với lãi suất thông thường nhưng vẫn còn khá cao đối với người vay khi mặt bằng lãi suất đã tăng lên đáng kể trong vòng một năm qua.
Đơn cử như gói hỗ trợ lãi suất 2% được đưa ra trước đây, sau hai năm thực hiện, tổng giải ngân mới được 330 tỷ đồng trong khi hạn mức dành cho chương trình này lên đến 40.000 tỷ đồng. Theo NHNN, một trong những nguyên nhân việc giải ngân không được như mong muốn là do khó xác định tiêu chí DN "có khả năng phục hồi". NHNN cũng đã nhiều lần báo cáo Chính phủ nên chuyển nguồn này sang các chính sách khác, những lĩnh vực đang thiếu vốn để tận dụng nguồn lực đang dôi dư.
Gói hỗ trợ lãi suất 2% được đưa ra trước đây, sau hai năm thực hiện, tổng giải ngân mới được 330 tỷ đồng trong khi hạn mức dành cho chương trình này lên đến 40.000 tỷ đồng. Việc giải ngân không được như mong muốn là do khó xác định tiêu chí DN "có khả năng phục hồi".
Đáng lưu ý là nếu như tại thời điểm bắt đầu triển khai chương trình này, lãi suất cho vay sau khi được hỗ trợ 2% là còn hấp dẫn, nhưng tại thời điểm hiện nay, mức lãi suất sau hỗ trợ 2% cũng đã khá cao so với giai đoạn trước, trong khi không ít khách hàng DN lẫn khách hàng cá nhân hiện gặp nhiều khó khăn hơn trước.
Gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng mới đây chủ yếu dành cho DN xây dựng và người mua nhà ở xã hội, nhưng với nguồn cung đang rất hạn chế, nhiều DN lại không mấy mặn mà với phân khúc này vì biên lợi nhuận mỏng, do đó dù nhiều khách hàng thu nhập thấp muốn vay nhưng chưa chắc nguồn cung đã đáp ứng được, do đó hiệu quả của chính sách sẽ bị hạn chế.
Hay như mức lãi suất theo chương trình này được hưởng thấp hơn từ 1,5-2% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường trong từng thời kỳ, nếu xét trên lãi suất hiện tại, sau khi giảm vẫn ở mức trên dưới 10%/năm, vẫn cao.
Chính vì vậy, một số ý kiến gần đây cho rằng để giải ngân hiệu quả gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, hướng đến mục tiêu hỗ trợ thực chất cho người mua nhà và cả chủ đầu tư phát triển BĐS, các cơ quan quản lý nên tính toán để mở rộng đối tượng thụ hưởng gói vay này, đơn cử như nhà ở thương mại giá thấp. Điều này không chỉ giúp người dân được tiếp cận nguồn cung đa dạng hơn, gói tín dụng được giải ngân hiệu quả mà còn khích lệ nhiều chủ đầu tư tham gia phát triển nhà ở thương mại phân khúc trung cấp, bình dân.