Thời sự

Ngẫm từ các vụ án…

Lữ Ý Nhi 25/07/2023 17:00

Những ngày qua, cộng đồng mạng và dư luận xã hội đang hướng sự chú ý đến các phiên tòa xét xử vụ án chuyến bay giải cứu cùng nhiều doanh nghiệp (DN), doanh nhân liên quan.

trang-6-hinh2(1).jpg

Theo dõi các vụ án và diễn biến từ các phiên tòa, dư luận có rất nhiều thái độ, người căm phẫn, phê phán, kẻ hài lòng, thỏa mãn vì “công lý” phân minh, những kẻ không có lương tâm và đạo đức ắt phải trả giá, kẻ tham nhũng, hối lộ, tìm giàu sang trên sự khốn khó, trước lằn ranh sống chết của người dân trong đại dịch Covid-19 khủng khiếp vừa qua thì không thể tha thứ.

Chứng kiến các phiên tòa và các vụ án, điều suy ngẫm và không khỏi xót xa khi nhìn thấy những giọt nước mắt, lời xin lỗi muộn màng gia đình, người thân, xin lỗi nhân dân của các bị can. Trong số họ còn có người xin giảm nhẹ hình phạt để có cơ hội sửa chữa lỗi lầm. Xót xa vì họ mới ngày hôm qua còn là những người đầy quyền lực, danh vị và uy tín, mà nay đã phải cúi đầu trước vành móng ngựa, vẻ mặt phờ phạc, ánh mắt thất thần cùng những lời hối cải đã quá muộn. Xót xa vì tiếc cho họ và sự đánh đổi của họ quá lớn. Cả một đời không dám dính bùn nhưng cuối đời, thậm chí chỉ còn vài tháng nữa về hưu vẫn không “trung thành” được với đạo đức của chính mình để vượt qua cám dỗ đời thường.

Và cuối cùng là… giá như. Giá như họ thức tỉnh sớm hơn, được cảnh tỉnh sớm hơn, giá như họ có lòng tự trọng với nhân cách của chính mình để nói “không” với những việc làm phi đạo đức. Thấm nhuần sâu sắc hơn giá trị đạo đức của một người viên chức, người làm kinh doanh, vượt qua cám dỗ và lợi ích cá nhân, xác định được trách nhiệm và trọng trách lớn lao của một doanh nhân để cùng chung tay với cộng đồng, với cả hệ thống chính trị đang nỗ lực dồn sức để cứu giúp đồng bào trong cơn đại dịch.

trang-6-hinh7.jpg

Cũng từ đây, dư luận trăn trở và đặt ra câu hỏi: Vì sao văn hóa phong bì đến bây giờ vẫn tồn tại và có “sức mạnh” khủng khiếp như thế, dù chúng ta đang hội nhập vào văn hóa kinh doanh toàn cầu? Văn hóa này xuất phát từ lòng tham, sự cám dỗ hay “lệ làng” - vốn tồn tại từ lâu và được xem là một vấn nạn xấu, ảnh hưởng đến đạo đức kinh doanh và văn hóa của người Việt.

Câu trả lời là chỉ có thể thay đổi, nếu cả xã hội, viên chức, doanh nhân luôn được trau dồi, hun đúc mỗi ngày về giá trị văn hóa và đạo đức kinh doanh. Xung quanh mỗi người là những tấm gương sáng hay những bài học sáng về nhân cách, đạo đức thì có lẽ ngày nay sẽ không có những vụ án buồn và để lại cho chúng ta nhiều trăn trở đến vậy.

Ở một môi trường kinh doanh nhiều cám dỗ, một cuộc sống đời thường đầy rẫy ham muốn vật chất và thực dụng, con người chỉ đo lường giá trị của mỗi cá nhân bằng của cải và vật chất thì để giữ được sự trung trực, đạo đức trong nhân cách, trong kinh doanh cần phải có nhiều sự bồi đắp về giá trị tinh thần và tấm gương sáng.

Ở góc nhìn ngược lại, để không vi phạm đạo đức, văn hóa DN, họ cũng cần lắm một môi trường kinh doanh lành mạnh, có đạo đức và tính pháp lý rõ ràng. Nói như chuyên gia kinh tế, TS. Phạm Chi Lan, mỗi doanh nhân đều mong muốn làm giàu cho bản thân, từ đó góp phần phát triển quê hương, đất nước. Nhiệm vụ của các cơ quan quản lý là phải thiết lập một môi trường kinh doanh lành mạnh để DN không đi chệch “đường ray sứ mệnh” mà họ đã tự đặt ra.

Ngoài đạo đức kinh doanh, văn hóa DN mà mỗi doanh nhân phải tự trau dồi và trung thành với giá trị của nó và chính mình, cần có sự chung tay của cả cộng đồng. Trước hết là sự gương mẫu tuân thủ của chính các cơ quan quản lý. Họ được xem là tấm gương đạo đức liêm chính, chí công, chính trực cho doanh nhân noi theo. Bởi nếu những cán bộ lãnh đạo của các cơ quan quản lý, mỗi công nhân viên chức nhà nước không liêm chính thì doanh nhân cũng dễ bị sa vào lỗi của hệ quy chế đạo đức, phải theo “lệ làng”, phải “phong bì lót tay” nếu muốn làm ăn trôi chảy và không bị làm khó.

Điều suy ngẫm cuối cùng là, một doanh nhân chỉ phát huy được đạo đức kinh doanh, bản sắc văn hóa và làm ăn chân chính, minh bạch khi môi trường kinh doanh và cả cộng đồng đều công bằng, minh bạch. Làm sao để khi một DN lỡ chệch đường ray, dù chưa tới mức bị xử phạt hay xử lý hình sự, nhưng cũng tự cảm thấy xấu hổ, ray rứt. Đó chính là khi doanh nhân đã thấm nhuần đạo đức, văn hóa kinh doanh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ngẫm từ các vụ án…
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO