Tin trong nước

TP.HCM khó đạt mục tiêu tăng trưởng 7,5-8% trong 6 tháng cuối năm 2023

Tâm An 18/07/2023 19:22

Đó là quan điểm được đưa ra tại Diễn đàn Kinh tế Vĩ mô 6 tháng đầu năm 2023: “Vượt gian khó đón tương lai” do Đại học Ngân hàng TP.HCM phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM tổ chức sáng 18/7/2023.

Đây là diễn đàn kinh tế được tổ chức lần thứ 11, quy tụ các nhà khoa học, các chuyên gia kinh tế ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam để phân tích, đánh giá tình hình kinh tế vĩ mô thế giới và Việt Nam. Hội thảo cũng nhằm giúp cho các ngân hàng, doanh nghiệp có những chiến lược kinh doanh ứng phó kịp thời với các điều kiện bấp bênh của thị trường kinh tế thế giới, hướng đến phát triển bền vững trong tương lai.

Theo ông Nguyễn Đức Trung - Hiệu trưởng Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM, 6 tháng đầu năm, sự biến động của nền kinh tế tiên tiến trên thế giới đi kèm những rủi ro bất ổn khác cho thấy viễn cảnh tăng trưởng khá mong manh. Các ngân hàng trung ương dự kiến sẽ giữ lãi suất ở mức cao và hầu hết quốc gia sẽ áp dụng chính sách hỗ trợ khi đại dịch bùng phát.

Cũng trong những tháng đầu năm 2023, thị trường tài chính toàn cầu đã chứng kiến những thất bại đến từ một số ngân hàng lớn phần nào ảnh hưởng đến niềm tin của các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, sự kỳ vọng về thương mại toàn cầu được thúc đẩy từ triển vọng tăng trưởng trở lại của Trung Quốc, khi các chính sách quản lý liên quan đến kiểm soát dịch bệnh được gỡ bỏ.

Là một quốc gia với độ mở thương mại lớn, Việt Nam gần như không nằm ngoài tác động của các xu thế kể trên. Nếu những quyết sách không được điều chỉnh kịp thời và thích ứng với môi trường ngày một biến động hiện nay, mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023 sẽ thực sự làm một vấn đề khó khăn mặc dù Việt Nam đã đạt được những thành tựu nhất định về tăng trưởng trong 6 tháng đầu năm 2023.

Thời gian qua, nhờ các biện pháp ổn định tỷ giá đã giúp cho thị trường trong nước không còn chịu tác động của giá USD trên thị trường quốc tế. Đây là yếu tố quan trọng trong việc duy trì và củng cố lòng tin của các nhà đầu tư, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chủ động trong kế hoạch sản xuất kinh doanh.

Nỗ lực ổn định tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước đã góp phần tích cực trong việc ổn định lạm phát, thu hút đầu tư nước ngoài, tăng dự trữ ngoại hối. Do tỷ giá ổn định, các tổ chức kinh tế và cá nhân có thiên hướng đẩy mạnh bán ngoại tệ cho các ngân hàng thương mại để lấy VND, dòng kiều hối chuyển về tăng mạnh.

hoithao2.jpg
Các chuyên gia chia sẻ ý kiến tại hội thảo

Bên cạnh những điểm sáng, việc dựa vào nguồn lực xuất khẩu của một số ít các doanh nghiệp nước ngoài đã bộc lộ những yếu kém đi kèm khi việc mở rộng kinh doanh của những nhà đầu tư này đạt đến ngưỡng bão hòa và tác động không mong muốn từ thị trường toàn cầu. Thêm vào đó, trong những năm qua, Việt Nam thường xuất siêu hàng hóa do có lực lượng lao động đông, giá nhân công rẻ, thiếu ngoại tệ mạnh, hệ số giữa tỷ giá sức mua tương đương/tỷ giá hối đoái lớn, nhưng lại nhập siêu lớn về dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ du lịch và logistics.

Như vậy, sau hơn một thập kỷ tạo dựng nền tảng vĩ mô ổn định thông qua kiểm soát lạm phát ở mức thấp, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, tỷ giá ổn định, Việt Nam cần định hình lại chiến lược phát triển và thu hút đầu tư cũng như chuyển dịch mục tiêu khách hàng xuất khẩu tiềm năng.

Theo ông Phạm Bình An - Phó viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM, hiện nay người tiêu dùng có xu hướng tiết kiệm chi tiêu, giảm các tiêu dùng không thiết yếu. Bên cạnh đó, các dự án đầu tư công từ phía quận, huyện vẫn đang còn chậm và đang là “nút nghẽn” đầu tư công của thành phố trong năm 2023. Xuất nhập khẩu hàng hóa vẫn nằm trong vùng suy giảm, thị trường bất động sản chưa phục hồi, kéo theo đà suy giảm của ngành xây dựng và ngành sản xuất vật liệu xây dựng, nhu cầu tín dụng yếu dẫn đến tăng trưởng tín dụng thấp, thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu chưa phục hồi.

Nguyên nhân dẫn đến “điểm nghẽn” trên, theo ông Phạm Bình An, đó là niềm tin của doanh nghiệp về triển vọng kinh tế vẫn chưa có tín hiệu phục hồi nhiều, khả năng việc cắt giảm lao động sẽ có nguy cơ tăng do đơn hàng giảm, dẫn đến tâm lý xã hội sẽ có chiều hướng bất ổn. Đặc biệt, do tâm lý e ngại, sợ trách nhiệm, chờ hướng dẫn, chưa chủ động, quyết liệt trong thực hiện của cán bộ. Từ đó, dẫn đến doanh nghiệp gặp khó khăn trong tiếp cận vốn vay, thủ tục hành chính và đáp ứng các quy định của pháp luật, thị trường đầu ra, hiệu quả của chính sách khi triển khai thực hiện có độ trễ nhất định.

hoithao1.jpg
Hội thảo quy tụ nhiều chuyên gia kinh tế, doanh nhân, nhà khoa học trong cả nước

Ông Phạm Bình An cũng đưa ra nhận định về khả năng TP.HCM đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2023, đó là xuất nhập khẩu nguy cơ sẽ tiếp tục đà suy giảm, thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu chưa phục hồi, tăng trưởng tín dụng chậm lại, nhu cầu tín dụng yếu, nguy cơ giải ngân đầu tư công không đạt như kỳ vọng, niềm tin của doanh nghiệp về triển vọng kinh tế vẫn chưa có tín hiệu phục hồi nhiều; người tiêu dùng có xu hướng tiết kiệm chi tiêu.

Từ đó, khả năng TP.HCM đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2023 tùy thuộc vào diễn biến tăng trưởng kinh tế toàn cầu, sự nỗ lực và hiệu quả thực thi công vụ của thành phố mà các kịch bản sẽ diễn ra. “Tuy nhiên, kịch bản đạt được mục tiêu tăng trưởng cả năm 2023 là 7,5-8% là cả một thách thức lớn của thành phố trong 6 tháng cuối năm 2023 và khó có khả năng đạt được”, ông Phạm Bình An chia sẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
TP.HCM khó đạt mục tiêu tăng trưởng 7,5-8% trong 6 tháng cuối năm 2023
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO