Nếu không sợ hãi?

Nguyễn Tử Anh| 09/10/2020 01:59

Thiền sư Thích Nhất Hạnh tên thật là Nguyễn Xuân Bảo, sinh ngày 11/10/1926 tại Huế. Ông là một giáo viên, nhà thơ và nhà hoạt động vì hoà bình được kính nể khắp thế giới, với những lời dạy mạnh mẽ và các cuốn sách bán chạy nhất của Ông về chánh niệm và hòa bình. Nhân sinh nhật lần thứ 94 của ông, xin giới thiệu cuốn sách Không diệt không sinh đừng sợ hãi - Top 10 cuốn sách đáng đọc nhất do bạn đọc Báo Doanh Nhân Sài Gòn bình chọn vừa được công bố.

Nếu không sợ hãi?

Trong cuốn sách Dấn Thân, tác giả, đồng thời là giám đốc vận hành Facebook, Inc, Sheryl Sandberg, đặt câu hỏi: Nếu không sợ hãi, tôi sẽ làm điều này như thế nào? Một câu hỏi đơn giản, nhưng câu trả lời chắc chắn không dễ dàng.

Chúng ta đều có ít nhất một nỗi sợ hãi, và dường như nó là thuộc tính của cuộc sống. Vậy, “làm gì để không sợ hãi”  không chỉ nhìn ra biểu hiện của nỗi sợ, mà cần phải hiểu bản chất của nó: tại sao chúng ta sợ? Khi có câu trả lời rõ ràng, thì ắt hẳn có phương pháp để xóa bỏ nỗi sợ. Trên hết, khi không còn sợ hãi, là lúc chúng ta đặt đến tự do, an lạc, và nói như Thầy Nhất Hạnh trong cuốn sách “Không diệt không sanh đừng sợ hãi”, chúng ta đạt đến Niết Bàn.

Không sợ hãi vì mọi thứ là không diệt, không sinh!

Không sinh ra, không mất đi là khái niệm xa lạ với con người. Tất cả từ đâu mà có? Tất cả rồi đi về đâu? Chúng ta từ đâu đến? Và rồi chúng ta đi về đâu? Dường như đó là nỗi ám ảnh, để rồi loài người có rất nhiều ý niệm khác nhau. Tôn giáo độc thần cho rằng mọi thứ do Thượng đế tác tạo, rồi tất cả cuộc đời là hành trình về Thiên Đàng, nơi cuộc sống tốt đẹp đang vẫy gọi. Người vô thần thì coi như cát bụi, trở về hư không và chết là hết. Nhưng dù có đức tin hay không, thì sống vẫn là hành trình đối diện với nhiều nỗi sợ: sợ mất mát, sợ khen chê, sợ thua kém, sợ nghèo khổ, sợ diệt vong,… Từ đó mà sinh ra bệnh tật, hận thù, chiến tranh , chém giết…

Tất cả điều trên là sản phẩm của “Ý Niệm”. Nhưng vũ trụ thì không có ý niệm, mà tất cả đã có sẵn, không phải do sáng tạo. Nghĩa là những thứ ta thấy, nó là sự biểu hiện, còn những thứ không thấy, thì nó không biểu hiện. “Biểu hiện” và “không biểu hiện” là 2 mặt của vũ trụ. Ví dụ, cái bàn là sản phẩm được tạo nên từ gỗ và ý niệm "cái bàn”. Trước khi có cái bàn thì gỗ đã có sẵn, ý niệm đã có sẵn, và khi một bác thợ mộc lắp ghép mọi thứ lại theo ý niệm cái bàn, chúng ta có một cái bàn. Sư kết hợp của gỗ, của ý niệm “cái bàn” và công sức của bác thợ mộc cùng 1 lúc gọi là “duyên”.

Vạn vật có duyên thì biểu hiện cho thấy, không duyên thì không biểu hiện trên đời. Con cái, vì đủ duyên mà sinh ra và ở đời với cha mẹ. Ngược lại, ngộ nhỡ chưa đủ duyên, thì sẽ không sinh ra, hoặc sinh ra rồi mất đi sớm. Điều đó có nghĩa là dù biểu hiện hay không, thì con cái cũng là có sẵn trong chúng ta. Tương tự vậy, hết duyên thì cha mẹ ta xa lìa, không hiện diện ở cõi đời này nữa, nhưng vẫn tồn tại ở một biểu hiện nào đó mà ta không thấy. Vậy nên, đừng đau khổ, và cũng đừng sợ hãi.

Nhìn lại cuộc đời của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, đấy là sự dấn thân cho niềm an lạc, hạnh phúc ngay tại đây, và ngay bây giờ.

Nhìn lại cuộc đời của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, đấy là sự dấn thân cho niềm an lạc, hạnh phúc ngay tại đây, và ngay bây giờ.

Thiền sư Nhất Hạnh, trong cuốn nhật kí của mình nói rằng “Ngày mất mẹ là ngày đau khổ nhất đời con”. Nhưng trong một đêm thanh vắng, thấy mẹ về bên cạnh trong hình dáng đẹp đẽ hơn, và mẹ của Thiền sư trìu mến nói rằng “Con không vui khi thấy mẹ trẻ đẹp hơn sao?”. Theo ánh trăng, con gió nhẹ trên ngọn cỏ, Thiền Sư thấy mẹ mình biểu hiện ở đó. Từ ấy, ngài đã không còn buồn, vì biết mẹ mình vẫn tồn tại: có thể ở ngọn cỏ, cơn gió, và cả trong máu thịt của mình.

Tháng 2/2018, Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) phát hiện một vạt sáng trên bầu trời và theo dõi nó. Gần 1 năm sau, họ đã tạo thành 1 clip về ngôi sao có tên NGC 2525, cách trái đất chúng ta 70 triệu năm ánh sáng. Đây là một siêu lân tinh (chỉ những vụ nổ kết thúc 1 ngôi sao và sinh ra ngôi sao mới). Điều kinh ngạc là vụ nổ này đã xảy ra 70 triệu năm ánh sáng về trước, ngay cả khi loài người còn chưa xuất hiện. Thế đấy, có những thứ mất đi từ lâu, tưởng rằng không còn tồn tại, thì ở một nơi nào đó, nó lại hiển hiện như đang xảy ra. Đấy là sự mầu nhiệm của vũ trụ: tất cả không sinh, và cũng không diệt., đủ duyên thì biểu hiện, chưa đủ thì không biểu hiện.

Hiểu được điều này, chúng ta không còn sợ mất mát, không còn thấy đau thương, không khắc khoải về những thứ đã, đang rồi sẽ mất. Theo Thiền sư Nhất Hạnh, đạt tới trạng thái này, cần 2 thứ: sự tu do và trí huệ. Các vị Bồ Tát cũng nương theo phép tu này mà trở thành những bậc trí huệ.

Nhưng không sợ hãi để làm gì? Có phải khi đó chúng ta có thể làm tất cả theo ý muốn? Nếu vậy, ắt sẽ tạo nên một thế giới hỗn độn.

Chúng ta không sợ hãi, để đến được Niết Bàn. Thiền sư dẫn dắt chúng ta đừng sợ hãi để đạt đến một sự tự do tuyệt đối. Niết Bàn là nơi vắng bóng các ý niệm, chỉ có  sự an lạc, tư do. Niết Bàn cũng không phải ở một nơi trên cao, xa xôi và phải sau cái chết mới đến được. Nó ở ngay giữa chúng ta, ngay tại thời điểm chúng ta ngộ ra được. Thế đấy, không phải tìm kiếm đâu xa, hãy tìm kiếm hiện tại, và hãy tỉnh thức. Đấy là nẻo về của hạnh phúc.

Trong cuốn Lược sử tương lai, tác giả Noah Harari có một tổng kết đầy sâu sắc về nhân loại. Hàng ngàn năm trước cho đến bây giờ, loài người thức dậy và tìm kiếm câu trả lời giải quyết 3 vấn đề: bệnh tật, nghèo đói và chiến tranh. Và trong tương lai, 3 vấn đề khác sẽ thế chỗ: hạnh phúc, sự bất tử và trở thành quyền năng như Thượng đế. Bỏ qua sự bất tử và trở thành Thượng đế, loài người chúng ta đang tìm kiếm niềm hạnh phúc đích thực. Và, "Không diệt không sanh đừng sợ hãi” là một tấm bản đồ hướng dẫn chúng ta đến bên bờ hạnh phúc.

Nhìn lại cả cuộc đời của Thiền sư Nhất Hạnh, đấy là một sự dấn thân cho niềm an lạc, hạnh phúc ngay tại đây, và ngay bây giờ, cho mọi người trên hành tinh thân yêu của chúng ta.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nếu không sợ hãi?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO