Chia sẻ tại toạ đàm “Tiến trình mở cửa kinh tế TP.HCM và những vấn đề đặt ra” do Doanh Nhân Sài Gòn phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM và Câu lạc bộ Các nhà kinh tế tổ chức tối 8/9, các chuyên gia, doanh nghiệp cho rằng, cần phải mở cửa kinh tế vì sức chịu đựng của người dân, DN đã đến điểm giới hạn. Nếu tiếp tục giãn cách, đóng cửa sẽ dẫn đến đứt gãy, khó phục hồi kinh tế sau này.
An toàn mới mở cửa, mở cửa phải an toàn
Tuy nhiên, các DN và chuyên gia đều thống nhất rằng, việc mở cửa kinh tế phải dựa trên nguyên tắc kiểm soát được dịch bệnh, xác lập được các vùng an toàn và chỉ ưu tiên mở trước những DN nào đủ điều kiện an toàn.
Ông Chu Tiến Dũng - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM (HUBA), thành viên Tổ công tác phục hồi kinh tế Thành phố, cho biết mặc dù số người nhiễm bệnh ở TP.HCM vẫn tăng cao nhưng vùng xanh ngày càng được mở rộng, F0 được bóc tách và kiểm soát chặt chẽ, vì vậy đã đến lúc mở cửa, phục hồi lại sản xuất, kinh doanh.
Điều quan trọng là khi mở cửa, Thành phố phải đưa ra được kịch bản ứng phó dựa trên cơ sở là sức chịu đựng của ngành y tế. Đây là yếu tố hàng đầu, dựa trên cơ sở “an toàn mới phục hồi sản xuất, phục hồi sản xuất phải an toàn”.
“Chúng tôi đề xuất với Thành phố một nguyên tắc, đó là đã mở thì nên từ từ cho chắc và đã mở thì không nên đóng lại. Việc mở cửa kinh tế cũng như kéo pháo vào trận địa. Kéo pháo vào rồi thì không thể kéo pháo trở ra. Lần này mở cửa mà lại đóng nữa thì DN sẽ tiêu hết”, ông Chu Tiến Dũng ví von.
Ông Đỗ Phước Tống - Chủ tịch Hội Cơ khí điện TP.HCM (HAMEE), cho rằng khi đã cho phép DN hoạt động trở lại phải đồng thời mở cửa lĩnh vực kinh doanh dịch vụ, chẳng hạn như dịch vụ sửa chữa máy móc, trang thiết bị phục vụ sản suất. "Song hành với DN sản xuất là các DN kinh doanh dịch vụ, vì sản xuất mà không có sự hỗ trợ của khối kinh doanh dịch vụ, sản xuất rất dễ bị tắc nghẽn", ông nói.
Ngoài ra, Thành phố nên cho mở cửa lại các cửa hàng tạp hoá cũng như các cửa hàng bán thức ăn mang về để “chia lửa” với hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi. Mật độ mua hàng ở cửa hàng tạp hóa sẽ không đông đúc như các siêu thị, cửa hàng tiện lợi nên sẽ giảm tải việc lây nhiễm. Tất nhiên, khi mở cửa lại dịch vụ thiết yếu cũng cần có quy định cụ thể đối với người lao động và khách hàng để bảo đảm an toàn phòng dịch, giống như quy định đối với công nhân trong nhà máy.
“An toàn không phải chỉ cho một DN sản xuất nào đó mà phải an toàn cho cả cộng đồng”, ông Tống phân tích.
An toàn mới mở cửa sản xuất |
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Chánh Phương - Tổng Thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (Hawa), đơn vị này đã làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lập kế hoạch phục hồi sản xuất, bao gồm 3 giai đoạn: ứng phó (hiện tại vẫn đang trong tình trạng ứng phó và duy trì), hồi phục và tăng tốc. Ở mỗi giai đoạn cần có chiến lược ứng phó, quản trị dòng tiền khác nhau cũng như quản lý lao động, năng suất, giảm thiểu các rủi ro cho từng giai đoạn, đặc biệt chú ý đến vấn đề công nghệ.
Bên cạnh đó, cần xem xét các điều kiện để mở cửa sản xuất như các F0 đã khỏi bệnh xem như có “thẻ xanh” trong 6 tháng, còn vấn đề đi đường của người lao động kiểm soát ra sao, khi DN chỉ có thể yêu cầu người lao động ký cam kết, chứ không thể bảo đảm họ sẽ tuân thủ 100%. Vì vậy, vẫn cần các chốt kiểm soát hay công an kiểm tra giấy đi đường của người lao động, để nếu họ không đi đúng lộ trình thì thu hồi giấy và lập biên bản. Về phía DN, nếu người lao động nào bị thu giấy đi đường thì sẽ không cấp bổ sung và không được tiếp tục làm việc trong thời gian dịch.
Chính sách không thể “sáng nắng chiều mưa”
Nhìn nhận về cơ hội mở cửa, ông Chu Tiến Dũng kiến nghị Thành phố phải phục hồi sản xuất nhanh trong thời gian tới vì quý IV là thời điểm rất quan trọng đối với DN, với sản xuất và nền kinh tế. Thời điểm cuối năm nhu cầu tiêu dùng tăng cao, là cơ hội về thị trường để DN có thể phục hồi. Và để DN chủ động phục hồi, Thành phố cần có kế hoạch công bố lịch trình mở cửa sớm để DN chuẩn bị trước một tuần, không nên để xảy ra “nay công bố mai làm” như thời gian qua khiến DN rất bị động.
Nói về thời điểm mở cửa, ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch HĐQT Công ty Vietravel cho rằng, đến giờ mới tính đến mở cửa kinh tế là hơi muộn, do đó, Thành phố cần nhanh chóng công bố sớm kế hoạch chống dịch và phát triển kinh tế. Phải lập ra kế hoạch dài hạn như thế nào, kế hoạch từng bước ra sao.
Bên cạnh đó, khi mở cửa, các chính sách ban hành cần tránh tình trạng “sáng nắng, chiều mưa” như thời gian qua. Ngoài ra, để bảo đảm sự thống nhất trong bối cảnh mới, cần phải lập ra đầu mối chỉ đạo tập trung, rõ ràng và thống nhất. “Hiện, Thành phố có quá nhiều đầu mối chỉ đạo, gây rất nhiều khó khăn cho DN”, ông Kỳ nêu vấn đề.
Các quy định ban hành phải nhất quán để DN an tâm sản xuất |
Góp ý thêm về các chính sách, nhiều DN cũng đồng tình khi cho rằng khi mở cửa thì các quy định ban hành phải làm sao nhất quán, tránh tình trạng sáng ra một văn bản, trưa ra một văn bản, tối ra một văn bản... Hoặc tránh tình trạng giấy đi đường vừa cấp hôm trước, hôm sau đã không có hiệu lực.
Bên cạnh đó, khi mở cửa phục hồi kinh tế có nghĩa là Thành phố sẽ quay lại với mục tiêu kép, vì vậy, phải coi các DN, người lao động là những chiến sĩ tuyến đầu. Từ đó, toàn xã hội và nhà nước phải có chính sách chăm lo cho họ như các chiến sĩ trên tuyến đầu hiện nay.
"Đừng gây khó khăn cho DN mà hãy đồng hành để giúp họ khôi phục và phát triển sản xuất, kinh doanh. Chúng ta huy động sức toàn dân để chống dịch thì nay cũng nên huy động toàn lực để phát triển kinh tế và chăm lo cho DN”, ông Chu Tiến Dũng kiến nghị thêm.
DN cần dòng tiền mới cho phục hồi
Theo bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM, một vấn đề hết sức quan trọng với các DN hiện nay là nguồn tài chính mới để tái sản xuất. Thời gian qua, các DN đã gồng gánh để có thể sản xuất trong điều kiện khó khăn và sức đã kiệt quệ. Hiện các DN ngành thực phẩm đang chuẩn bị vào mùa sản xuất phục vụ thị trường Noel, Tết nên rất cần vốn.
“Vì thế, chúng tôi đang rất cần những hỗ trợ mới về tài chính để có thể trở lại sản xuất. Đề nghị Thành phố có lộ trình cụ thể để hướng dẫn DN chuẩn bị cho việc tái sản xuất trở lại trong tình trạng bình thường mới, song song với việc giao quyền tự chủ cho DN để họ chủ động”, bà Chi đề xuất.
Các siêu thị, cửa hàng tiện lợi cần sự chia sẻ phân phối hàng từ các cửa hàng tạp hoá |
Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Chánh Phương - Tổng Thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (Hawa) cho biết thêm: Có 6 yếu tố ảnh hưởng đến việc phục hồi của các DN ngành gỗ, gồm nguồn nhân lực, chuỗi cung ứng, thị trường, vận hành an toàn, di chuyển và tài chính. Trong 6 yếu tố này, DN chỉ có thể bảo đảm việc vận hành an toàn dù việc này rất khó. Năm yếu tố còn lại đều phụ thuộc vào bên ngoài.
Chẳng hạn như nguồn nhân lực phụ thuộc vào vaccine. Về di chuyển, thời gian qua có nhiều bất cập như xe đi được nhưng thương lái không đi được, người từ tỉnh khác không đến được nơi làm việc…Đặc biệt nhất là vấn đề tài chính. Để phục hồi lại, DN cần những dòng tiền mới và cần trợ giúp từ phía ngân hàng, chính phủ.
“An toàn là điều kiện cần còn điều kiện đủ là 5 yếu tố bên ngoài, DN không hoàn toàn tự chủ được. Những gì DN tự chủ được họ đều cố gắng và vừa qua họ đã hết sức cố gắng rồi”, ông Phương đúc kết.
Hồng Nga ghi