Đầu năm 2000, một hôm Minh Hiền gọi điện cho tôi bảo “anh sang Sài Gòn Doanh Nhân làm biên tập viên giúp em”. Nể Minh Hiền, tôi sang nhưng cũng để “thăm dò”, ai dè “bén duyên” luôn với tờ báo do Minh Hiền sáng lập. Minh Hiền còn bảo tôi “chuyển công tác sang đây làm việc với em cho vui”, nhưng tôi không nhận lời vì còn mấy năm nữa là nghỉ hưu, chỉ đồng ý “làm thêm”.
Mặc dù trong những năm chiến tranh giữ nước, tôi và Minh Hiền cùng công tác ở Báo Giải Phóng - Cơ quan của Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam, nhưng lúc làm việc chung với Minh Hiền trong thời kỳ báo chí cạnh tranh gay gắt, tôi mới thấy hết tài năng, bản lĩnh của cô em.
tr>
TBT Nguyễn Minh Hiền (thứ hai, từ trái sang) tại chương trình kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam |
Khi về phụ trách tờ tin Thông tin Công Thương của Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, Minh Hiền đã trăn trở tìm cách biến nó thành một tuần báo với manchette phải gắn liền với giới chủ. Hết trình bày với Ban Tuyên huấn Thành ủy, Sở Văn hóa - Thông tin TP.HCM, lại “đơn xin” này đến “đơn xin” khác mà không được, Minh Hiền (được sự chấp thuận của lãnh đạo Hiệp hội) chuyển (lụi) Thông tin Công Thương thành Sài Gòn Doanh Nhân!
Chúng tôi phục “sự liều” của Minh Hiền nhưng rất lo, không phải lo chị mất chức mà lo cơ chế không “để yên” cho tờ báo, để yên cho chị. Vậy mà mọi chuyện được “cho qua”, có lẽ nhiều quan chức trong bộ máy công quyền thấy rằng, ngoài cái manchette, Sài Gòn Doanh Nhân không “trật dìa” đường lối chủ trương, lại góp phần phản ảnh trung thực hiện trạng của doanh nghiệp, doanh nhân để từ đó những người làm chính sách tham khảo khi nền kinh tế đất nước đang “rón rén” hội nhập với nền kinh tế thế giới.
Sài Gòn Doanh Nhân có giấy phép đổi thành Doanh Nhân Sài Gòn, tờ báo mới toanh, lại phục vụ độc giả chủ yếu là tầng lớp “con buôn” - như cách gọi giới công thương gia trước đó, là một tin rất vui. Minh Hiền đã kết thân với nhiều doanh nhân là bạn đọc, từ họ, phát hiện những khó khăn mà họ gặp phải trong sản xuất, kinh doanh, không phải tiền bạc mà là cơ chế, chính sách của Nhà nước thiếu nhất quán, hay thay đổi.
Từ đó, Minh Hiền cử phóng viên tìm hiểu cụ thể cách doanh nhân xoay xở để tồn tại và phát triển, rồi đưa lên báo, tất nhiên là phải “lách”, phải “kín kẽ” không thì bị mấy ông tuyên giáo “bắt giò”. Cũng do sâu sát với giới doanh nhân, thấy được không có doanh nhân thì đất nước không phát triển, nên phải tôn vinh họ mà Minh Hiền đã đề xuất với Chính phủ lấy ngày 13/10 hằng năm làm Ngày Doanh nhân Việt Nam và được chấp thuận.
Sau khi có Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10/2004, Nguyễn Minh Hiền đã nghĩ ngay đến một danh hiệu tôn vinh doanh nhân, đó là danh hiệu “Doanh nhân Sài Gòn tiêu biểu”. Và năm 2005, lễ hội tôn vinh “Doanh nhân Sài Gòn tiêu biểu” đã mở đầu cho sự kiện này suốt 16 năm qua và là tiền đề để Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức danh hiệu “Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu”.
Tôi nghĩ, ngoài tổ chức, lãnh đạo Doanh Nhân Sài Gòn, đóng góp của Tổng biên tập Nguyễn Minh Hiền cho hai sự kiện trên phải được ghi nhận bằng Huân chương Lao động.
Làm Tổng biên tập Doanh Nhân Sài Gòn, Nguyễn Minh Hiền mới bộc lộ hết tư duy để làm nên một tờ báo gần gũi với doanh nhân, với bạn đọc - cả kinh doanh, cả đời sống thường nhật, hấp dẫn từ nội dung đến hình thức.
Tôi lại nhớ ngày 5/5/1975, bộ phận tiền phương của Báo Giải Phóng xuất bản số báo Sài Gòn Giải Phóng đầu tiên ở Sài Gòn in gần nửa triệu bản. Những tin tức, phóng sự nóng hổi hơi thở chiến trường và niềm vui thắng lợi của công cuộc thống nhất đất nước lần lượt ra mắt độc giả khắp các tỉnh, thành miền Nam và Hà Nội.
Là một phóng viên nữ hiếm hoi của Báo Giải Phóng, Minh Hiền cùng anh chị em trong tòa soạn làm việc ít nhất 16 tiếng đồng hồ mỗi ngày, quá mệt thì ngủ ngay trên bàn viết để “chạy đua” với tiến độ của một tờ nhật báo khổ lớn quá ít người và quá thiếu thốn phương tiện hành nghề.
TBT Nguyễn Minh Hiền cùng anh em Doanh Nhân Sài Gòn thảo luận để nâng cao chất lượng tờ báo |
Báo Sài Gòn Giải Phóng ra đến số 15 thì được lệnh bàn giao cho Thành ủy Sài Gòn để tiếp tục xuất bản Báo Giải Phóng. Rồi sau khi “hoàn thành nhiệm vụ lịch sử”, tháng 2/1977, Báo Giải Phóng giải tán. Từ đó, anh chị em chúng tôi mỗi người mỗi ngả.
Minh Hiền đi học rồi về làm biên tập viên Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM. Cứ tưởng từ đó chị giã từ nghề báo. Nhưng rồi tháng 3/1992, chị lại xuất hiện trên Báo Phụ Nữ TP.HCM với cương vị phó tổng biên tập. Rồi “sự cố” xảy ra với Minh Hiền và Tổng biên tập Nguyễn Thế Thanh.
Minh Hiền về Báo Đại Đoàn Kết, lập đề án xuất bản Đại Đoàn Kết Cuối tuần. Với tổ chức gọn nhẹ trong ban đại diện ở các tỉnh phía Nam, Đại Đoàn Kết Cuối tuần do Minh Hiền tổ chức thực hiện có những đột phá cả về hình thức lẫn nội dung, đặc biệt về những đề tài “nhạy cảm”, trong đó có nhiều bài viết trả lại sự công bằng cho nhân sĩ, trí thức, chức sắc các tôn giáo - những nhân vật lịch sử có nhiều đóng góp cho hai cuộc chiến tranh giữ nước nhưng lại bị không ít cán bộ lãnh đạo bảo thủ đánh giá thấp, thậm chí đánh giá sai vai trò và công lao của họ.
Nhưng một lần nữa Minh Hiền lại “lận đận”. Đại Đoàn Kết Cuối tuần phải chuyển ra Hà Nội.
Một lần nữa Minh Hiền lại gầy dựng một tờ báo hoàn toàn mới, tờ Doanh Nhân Sài Gòn với ba ấn phẩm, hai ra hằng tuần, một ra hằng tháng, sau này có thêm Doanh Nhân Sài Gòn Điện tử.
Vậy mà khi mới về làm việc ở Thông tin Công Thương, một căn bệnh nan y đã hành hạ chị!
Sau 17 năm chống chọi với bệnh tật, lần đầu tiên tôi nghe chị kêu đau, kêu mệt, rất khẽ thôi, như ngại người khác nghe thấy mà ứa nước mắt. Bởi 45 năm thân quen, nhiều năm công tác chung, trong gian khó chiến tranh hay vất vả thời bình, nhất là những khi phải đấu tranh quyết liệt với cơ chế “xin - cho”, với sự bảo thủ, trì trệ để đổi mới nội dung, hình thức những ấn phẩm báo chí, tôi và đồng nghiệp của chị chưa bao giờ nghe chị than thở.
Một con người nổi tiếng bản lĩnh và “quyết liệt sống” như Minh Hiền mà phải kêu đau là đã đến lúc sức cùng lực tận. Vậy mà khi hỏi chị có điều gì chưa kịp làm, chị cười buồn nói với tôi chưa viết xong tác phẩm về doanh nhân Lý Ngọc Minh và Gốm sứ Minh Long 1, cũng chưa thực hiện được tập hồi ký chỉ kể về những vui buồn nghề báo.
Minh Hiền đã để lại bao tiếng thơm cho làng báo Việt Nam, để lại bao tiếng thơm cho đồng nghiệp. Vì thế mà cứ đến ngày giỗ 17/3 âm lịch hằng năm, không ai bảo ai, đồng nghiệp và nhiều doanh nhân đến nhà thắp một nén hương tưởng nhớ chị...
Sống như vậy đã thật đủ đầy!