Sống khỏe

Cơm nắm là... cơm vắt

P.Hà 23/07/2023 06:00

Một bạn văn ở Cà Mau hỏi: “Miền Trung kêu cơm được nắm chặt theo hình tròn hoặc hình trụ tròn bằng gì?”. “Bằng cơm vắt”. “Còn miền Bắc?”. “Gọi là cơm nắm”. Bạn văn thở dài: “Nói như dân bọ quê ông, nắm vắt thì cũng rứa!”. Chính cái “cắc cớ” của bạn đã “tạo cảm hứng” cho tôi viết về món ăn độc đáo này.

1. Đúng là “cũng rứa” (như nhau) thật, bởi cũng từ hạt gạo nấu kỹ thành cơm chín nục, rồi nắm chặt lại khi cơm còn nóng hổi, để thật nguội cho cơm dính vào nhau như không còn hạt, cắt thành lát, ăn với thức ăn gì tùy hoàn cảnh và khẩu vị. Vì thế, cơm nắm được ví như “lương khô”.

Qua nghiên cứu các nền văn hóa Bắc Sơn, Phùng Nguyên, Suối Linh - Cầu Sắt, Đông Sơn, nhiều nhà khoa học khẳng định cư dân Việt cổ biết trồng lúa rẫy rồi lúa nước cách nay khoảng 7.000 đến 6.000 năm. Nhờ thế mà tôi đoan chắc, cũng từ ấy, cư dân nguyên thủy biết nắm hay vắt cơm, bởi họ cần ăn bữa trưa khi trỉa lúa trên nương, khi cấy lúa ngoài đồng xa, cái ăn dễ mang theo nhất là cơm nắm. Người Êđê, người M’Nông, người K’Ho... ở Tây Nguyên, cho đến nay vẫn giữ thói quen ngàn đời cho cơm vào một cái túi chỉ chuyên bới cơm đi nương (người K’Ho gọi túi đựng cơm là plơ), đan bằng một loại lác (người M’Nông gọi là cây diêng dung), hình trụ tròn, miệng nhỏ, đáy hơi lồi, nhiều hoa văn trang nhã. Họ coi túi đựng cơm đi nương là vật thiêng, dùng trong ngày xong lại treo gác bếp, hôm sau dùng tiếp. Cơm đựng trong túi plơ cũng là một hình thức cơm nắm, để vài ngày không thiu vì thông thoáng, vì túi đã được “khử trùng” bằng khói bếp.

img_20230707_200039.jpg

Đời truyền đời, thợ sơn tràng, người buôn đường dài, kẻ đi làm xa không thể thiếu cơm nắm.

Trong các cuộc chiến tranh vệ quốc, chắc rằng quân dân ta, từ thời Bà Trưng, Bà Triệu đến thời Lê Lợi, Quang Trung, cơm nắm, cá khô là thức ăn chính mỗi lần hành quân đánh giặc. Đặc biệt, trong cuộc hành quân thần tốc từ Phú Xuân, Huế ra Thăng Long với 10 vạn binh sĩ và và 300 thớt voi chiến, đoạn đường 1.200 dặm trong 40 ngày, kể cả lúc chờ hội quân và tuyển thêm lính, mỗi ngày phải đi ít nhất 30 dặm, không có ngày nghỉ để đánh tan 20 quân Thanh xâm lược, vua Quang Trung phải cho dùng lương khô, trong đó cơm vắt, cá khô là chủ yếu.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, nhất là trận Điện Biên Phủ “Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt/ Gan không núng, chí không mòn”, cơm nắm là thức ăn độc nhất do anh nuôi đội bom đạn đưa lên chiến hào cho bộ đội xung kích. Những gói cơm nắm “trộn bùn non” và máu ấy đã góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên “lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu”, buộc quân Pháp rút khỏi Việt Nam, mở ra cao trào giải phóng ách đô hộ của thực dân, đế quốc ở rất nhiều nước.

Viết đến đây, tôi lại nhớ chuyện chính mình đã trải qua. Mùa Đông 1964, tiểu đoàn K14 Quân Giải phóng Trị - Thiên - Huế vây đồn đối phương trên đường 9, đoạn km41, nửa tháng trời chúng tôi phải ở dưới công sự khi mưa không hề dứt. Cứ ba hay bốn ngày một lần anh nuôi mới bò được lên trận địa giáp hàng rào thép gai đồn địch tiếp tế cơm nắm, muối mè hay khô cá lù đù cho chúng tôi. Dù rét đậm, cơm nắm để lâu cũng thiu, chúng tôi phải dùng lưỡi lê gọt bỏ lớp ngoài mới ăn được.

Hành quân rồi lại hành quân. Có đợt chúng tôi được lệnh chuẩn bị cơm nắm ăn trong 5 ngày hành quân không nghỉ. Đến ngày thứ ba, thứ tư, cũng như ở đường 9, phải gọt bỏ lớp cơm ngoài mốc meo, gọt thật dè chừng để không thâm lạm vào phần cơm còn ăn được không thì càng đói. Ân tình với cơm nắm như vậy nên càng quý hạt gạo là hạt ngọc của trời.

2. Thời bao cấp có câu “Mo cơm, quả cà tấm lòng Cộng sản tiến lên chủ nghĩa xã hội”. Khẩu hiệu này là của Bí thư Huyện ủy huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An - Nguyễn Hữu Đợi, khi Quỳnh Lưu được Trung ương thí điểm xây dựng pháo đài kinh tế, quốc phòng cấp huyện những năm đầu giang sơn thu về một cõi. Hình tượng “Mo cơm, quả cà tiến lên chủ nghĩa xã hội” hàm nghĩa sâu sắc cả về thời đại và tính cách dân xứ Nghệ. Sự lạc quan thái quá ấy thật là đáng khâm phục nên trách chi một thời ấu trĩ bắt tay dựng xây đất nước sau 30 năm phải triền miên đánh giặc giữ nước.

Dân miền Trung thường dùng mo cau khô, rụng, rửa kỹ, cắt thành hình chữ nhật, hơ qua lửa cho mềm để vắt cơm. Cơm nhồi trong mo cau vừa dẻo vừa để được lâu. Trong chiến tranh, chúng tôi khao khát có chiếc mo cau thay miếng vải từ áo quần rách phải bỏ đi để vắt cơm nhưng không thể kiếm được.

Xây đập thủy lợi Vực Mấu, đào kênh Bình Sơn, xây hồ Kẻ Gỗ, cải tạo đồng muối Quỳnh Thuận... dời nhà từ đồng bằng lên đồi núi để dành đất cho sản xuất nông nghiệp trong phong trào “Thay trời đổi đất, sắp xếp lại giang sơn” ở Nghệ Tĩnh, Thanh Hóa, dân bới theo “mo cơm, quả cà” như trong khẩu hiệu kể trên chưa hẳn là cơm mà phần lớn là khoai, là sắn hay bo bo, ăn cùng quả cà muối hay muối giã với ớt trái, khá thì có chút cá khô nướng, bởi những năm 1976-1986, vùng Thanh Nghệ Tĩnh thiếu ăn thường xuyên. Vậy mà bao công trình sau gần nửa thế kỷ vẫn vững chắc, vẫn mang lại lợi ích thiết thực cho đời sống hàng triệu người dân.

Lớp trẻ bây giờ nghe chuyện này có thể bán tín bán nghi, có khi còn cho rằng bậc cha chú nói trạng chơi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cơm nắm là... cơm vắt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO