Thủ tướng yêu cầu phải giải quyết được "ba cái đọng": Không được để vốn đọng, không được để có tiền mà không tiêu được; không được để nợ đọng, hạng mục thi công xong, dự án hoàn thành mà không quyết toán; không được để nợ đọng thủ tục dự án - một vấn đề phổ biến hiện nay.
Đầu tư công là một trong những biện pháp quan trọng nhất để giúp nước ta vượt qua khó khăn, giúp giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho người dân, góp phần tăng trưởng kinh tế do bị ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Để vực dậy nền kinh tế thành phố trong điều kiện bình thường mới, lãnh đạo TP.HCM đã yêu cầu các cơ quan chủ quản, chủ đầu tư thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 với số tiền gần 34.000 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố và 7.751 tỷ đồng từ nguồn ngân sách trung ương. Lãnh đạo thành phố đã đề ra những chính sách cụ thể để tháo gỡ khó khăn trong việc giải ngân vốn đầu tư công cho từng dự án; định kỳ hai tuần/lần, chủ đầu tư dự án phải báo cáo những khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc giải ngân tiền đầu tư công.
Về tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, UBND TP.HCM yêu cầu người đứng đầu các cơ quan chủ quản, chủ đầu tư chịu trách nhiệm toàn diện, đảm bảo đến ngày 31/7/2020 giải ngân đạt từ 60-70%, đến ngày 15/10/2020 giải ngân đạt từ 80%.
Năm 2020, TP.HCM có 15 dự án được khởi công và 18 dự án đầu tư công sẽ hoàn thành (trong giai đoạn từ năm 2021-2025 sẽ có 50 dự án được triển khai). Riêng công trình chống ngập do triều đã hoàn thành khoảng 75% khối lượng công việc nhưng đang vướng mắc về mặt bằng do còn một số hộ thuộc huyện Nhà Bè và huyện Bình Chánh chưa chịu di dời. Tuyến metro số 1 sau một thời gian thiếu vốn nay đã giải ngân đủ để đưa vào vận hành trong cuối năm 2021.
Bảy năm qua, TP.HCM có tới 133 dự án bị tồn đọng do chưa hoàn thành việc chi trả bồi thường, hỗ trợ, tái định cư hoặc chưa hoàn tất việc thu hồi đất.
Đứng trước thực tế này, TP.HCM đang kiến nghị Chính phủ một quy trình đặc thù với mục tiêu rút ngắn thời gian bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bàn giao mặt bằng các dự án có thu hồi đất trên địa bàn. Cụ thể, từ ngày có thông báo thu hồi đất đến ngày thu hồi là 240 ngày, rút ngắn xuống 2/3 thời gian. Khung thời gian tối đa hoàn thành việc thu hồi đất và bàn giao mặt bằng nhanh nhất là 30 ngày, trễ nhất là 180 ngày. Theo quy trình cũ, khâu này dường như không quy định thời hạn.
Để thực hiện được quy trình đặc thù này, UBND TP.HCM đã đề xuất với Chính phủ nhiều giải pháp, như chấp thuận cho Thành phố chủ động ban hành hệ số điều chỉnh giá đất, ban hành quy chế phối hợp công khai, minh bạch giữa các cơ quan thực hiện.