Quốc tế

Lý do thực sự đằng sau chủ nghĩa bảo hộ của Mỹ và phương Tây

Khởi Vũ 30/09/2023 19:30

Đằng sau chủ nghĩa bảo hộ đang lên của Mỹ nói riêng và phương Tây nói chung, là nỗi lo rằng không chỉ kinh tế mà cả sự ổn định chính trị xã hội của họ đang bị đe dọa.

"Hãy tự do giao dịch thương mại với Trung Quốc và thời gian sẽ đứng về phía chúng ta" là thông điệp đầy tự tin của cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush trước khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2001. Một thế hệ sau, nhiều người ở phương Tây kết luận rằng, thời gian thực tế đứng về phía Trung Quốc.

Một câu hỏi khó trả lời

Khi đó, cựu Tổng thống Mỹ đã đưa ra quyết định mang tính chính trị lớn lao, mà theo niềm tin của ông thì một Trung Quốc hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới sẽ trở nên cởi mở và dân chủ hơn. Tuy nhiên, dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình, Trung Quốc ngày càng khép kín và Bắc Kinh cũng bày tỏ thái độ cứng rắn, công khai hơn với Washington. Song song đó, tốc độ tăng trưởng nhanh chóng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã tạo điều kiện cho việc xây dựng quân đội với quy mô ngày càng mạnh.

ly-do-thuc-su-dang-sau-chu-nghia-bao-ho-cua-my-va-phuong-tay(1).jpg
Theo thời gian, con đường mà việc kết nạp Trung Quốc vào WTO hướng đến dường như đã "trật bánh"

Nhìn lại quá khứ, một số chính trị gia Mỹ cho rằng, quyết định kết nạp Trung Quốc vào WTO là sai lầm. Theo họ, lợi thế to lớn mà điều này mang lại cho hàng xuất khẩu từ Trung Quốc đã góp phần đáng kể cho quá trình phi công nghiệp hóa ở Mỹ. Kéo theo đó, tình trạng bất bình đẳng tăng lên tại Mỹ đã tiếp thêm động lực cho sự trỗi dậy của cựu Tổng thống Donald Trump.

Điều này đặt ra một câu hỏi khó: Có đúng là toàn cầu hóa không hề giúp thúc đẩy nền dân chủ ở Trung Quốc, thay vào đó còn làm suy yếu nền dân chủ ở Mỹ không? Với những ai không phải gánh lấy hậu quả của sự kiện này, quyết định năm 2001 đơn giản là một sự kiện lịch sử mỉa mai và thú vị; song với "những người đã và đang trong cuộc", câu chuyện lại rất khác.

Trên thực tế, chính sự lo ngại về tình trạng sức khỏe của nền dân chủ Mỹ đã góp phần củng cố chính sách công nghiệp của nước này dưới thời Tổng thống Joe Biden. Ngay sau khi nhậm chức một tháng, ông Biden ký một sắc lệnh hành pháp yêu cầu xây dựng chuỗi cung ứng công nghệ mới "không có Trung Quốc", bằng cách bắt tay với nhiều nước khác.

Có thể nói trong 5 năm qua, xu hướng chính trị nội bộ Mỹ có nhiều thay đổi, khi không chỉ các chính trị gia Đảng Cộng hòa mà nhiều thành viên Đảng Dân chủ ngày càng ủng hộ cách tiếp cận cứng rắn hơn với đất nước tỷ dân, trong cả vấn đề kinh tế cũng như an ninh. Đây là lý do Tổng thống Joe Biden quyết định giữ nguyên mức thuế mà người tiền nhiệm Donald Trump đã áp với hàng Trung Quốc. Hơn nữa, ông cũng bổ sung các khoản trợ cấp khổng lồ nhằm tái công nghiệp hóa cả nước và muốn đưa nước Mỹ dẫn đầu mảng công nghệ trong tương lai.

Theo lập trường của Nhà Trắng, các chính sách này hết sức quan trọng với sự ổn định xã hội và hệ thống dân chủ của nước Mỹ. Ngược lại, bên kia Đại Tây Dương, nhiều nước châu Âu không vui trước chủ nghĩa bảo hộ và hỗ trợ công nghiệp của nền kinh tế số một thế giới. Dù vậy, thông báo mới đây liên quan đến cuộc điều tra của Liên minh châu Âu (EU) về trợ cấp cho ngành công nghiệp xe điện Trung Quốc cho thấy, EU dường như cũng đang "theo gót" Mỹ.

ly-do-thuc-su-dang-sau-chu-nghia-bao-ho-cua-my-va-phuong-tay.jpg
Nỗ lực tách Trung Quốc ra khỏi chuỗi cung ứng nằm trong mục tiêu xây dựng chuỗi cung ứng của chính quyền Mỹ

Lịch sử lặp lại với châu Âu?

Hiện mức thuế được Mỹ áp trên ô tô Trung Quốc là 27,5%, trong khi con số này của EU là 10%. Tuy nhiên, con số có thể tăng mạnh nếu EU xác minh được rằng, Trung Quốc đang trợ cấp xuất khẩu ô tô một cách không công bằng. Phát biểu trước Nghị viện EU vào trung tuần tháng 9 qua, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen nói, lục địa già sẵn sàng cạnh tranh nhưng "không phải cho một cuộc đua xuống đáy".

Thị trường toàn cầu hiện tràn ngập ô tô điện giá rẻ của Trung Quốc. Giá của chúng được giữ ở mức thấp là nhờ các khoản trợ cấp khổng lồ từ nhà nước. Điều này đang bóp méo thị trường của chúng ta. Châu Âu mở cửa cho sự cạnh tranh, nhưng không phải cho một cuộc chạy đua xuống đáy. Chúng ta phải tự bảo vệ mình trước sự không công bằng. Do đó, hôm nay tôi có thể thông báo rằng, ủy ban đang tiến hành một cuộc điều tra chống trợ cấp với xe điện từ Trung Quốc.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen

EC dự kiến mất hơn một năm để đánh giá liệu có nên áp dụng thuế bổ sung với ô tô điện Trung Quốc hay không. Theo dữ liệu từ Hiệp hội Xe khách Trung Quốc, các doanh nghiệp nước này đã xuất gần 350.000 xe điện sang 9 nước châu Âu trong 6 tháng đầu năm nay, nhiều hơn lượng xuất khẩu của cả năm 2022. Còn trong 5 năm qua, lượng ô tô Trung Quốc nhập vào EU đã tăng gấp 4 lần.

Trước các cuộc điều tra của EU, Trung Quốc tố châu Âu đang "bảo hộ một cách trắng trợn". Tuy nhiên, một số nhân vật có tầm ảnh hưởng ở Mỹ lại bày tỏ sự cảm thông. Jennifer Harris - người giúp định hình chính sách công nghiệp của chính quyền Tổng thống Biden đã viết trên mạng xã hội X (Twitter): "Chào mừng châu Âu. Rất vui vì giờ đây quý vị cũng đã nhập hội".

Hiện chưa đủ cơ sở để khẳng định động cơ ẩn sau động thái của EU. Tuy nhiên, nếu châu Âu thực sự "theo gót" Mỹ và bày tỏ lập trường bảo hộ hơn trong tương lai, thì lý do cũng sẽ không khác mấy so với Mỹ. Đó là nỗi sợ rằng sự cạnh tranh từ Trung Quốc sẽ làm suy yếu nền tảng công nghiệp châu Âu, rồi gây ra bất ổn chính trị - xã hội.

Đơn cử, công nghiệp ô tô là ngành sản xuất quan trọng nhất tại châu Âu, đặc biệt ở Đức - trung tâm kinh tế lớn nhất EU. Đây cũng là một trong số ít lĩnh vực mà châu Âu có vị trí dẫn đầu thế giới. Ba trong số 4 công ty ô tô lớn nhất thế giới là Volkswagen, Stellantis và Mercedes-Benz Group đều có trụ sở tại châu Âu.

Tuy vậy, vị trí dẫn đầu của châu Âu trong ngành công nghiệp ô tô toàn cầu những năm gần đây đang suy giảm nhanh chóng. Ngược lại, Trung Quốc năm nay được dự báo trở thành quốc gia xuất khẩu ô tô nhiều nhất thế giới, đặc biệt về xe điện. Trong lĩnh vực này, vị trí của Trung Quốc rất khó lung lay, nếu không muốn nói là bất khả thi trong tương lai gần, do đây là quốc gia thống trị thị trường công nghệ sạch, nắm ưu thế sản xuất pin và cung cấp đất hiếm.

Đương nhiên, với một thị trường tự do như châu Âu, phản ứng của người dân nên là vui mừng, nếu Trung Quốc có thể cung cấp ô tô điện giá rẻ và đáng tin. Hơn nữa, với một châu Âu đang trên đường chuyển dần sang xe không phát thải và xóa sổ ô tô chạy nhiên liệu, xe điện giá rẻ đáng lẽ là tin tức vui mừng. Tuy nhiên, hiện thực xã hội và chính trị phức tạp hơn thế nhiều.

ly-do-thuc-su-dang-sau-chu-nghia-bao-ho-cua-my-va-phuong-tay-1.jpg
Dự kiến mất hơn một năm để EU đánh giá liệu có nên áp thuế bổ sung với ô tô điện Trung Quốc hay không

Bài toán hiện thực phức tạp

Theo EC, công nghiệp ô tô chiếm hơn 6% số lượng việc làm tại EU. Đây lại thường là những công việc có mức lương cao và tác động rất lớn đến hình ảnh một quốc gia như Đức. Do đó, việc chuyển công việc sang Trung Quốc sẽ gây ra nhiều tác động đáng kể về mặt chính trị và xã hội.

Hiện nay, sự ủng hộ dành cho đảng cực hữu AfD ở Đức đang gia tăng nhanh. Nhiều cuộc thăm dò dư luận xếp đảng này ở vị trí thứ hai. Hãy tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra, nếu những chiếc ô tô BYD của Trung Quốc thay thế BMW trên đường cao tốc và ngành công nghiệp ô tô nội địa của Đức sụp đổ. Do đó, trong viễn cảnh như vậy, chủ nghĩa bảo hộ dường như là giải pháp đương nhiên và hiệu quả với EU.

Tuy vậy, một lần nữa hiện thực lại phức tạp hơn nhiều. Châu Âu vẫn đang cần nguồn nguyên liệu đầu vào từ Trung Quốc, mà cụ thể là pin, khoáng sản và đất hiếm, để có thể sản xuất ô tô điện cho nhu cầu nội địa. Trung Quốc còn là thị trường ô tô lớn nhất thế giới, đồng thời là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Mercedes và Volkswagen (ít nhất 50% lợi nhuận của Volkswagen từ Trung Quốc).

Do đó, nếu châu Âu đánh thuế cao ô tô điện Trung Quốc, Bắc Kinh có thể sẽ trả đũa. Với vị thế kiểm soát thị trường công nghệ sạch, cũng như là nhà cung cấp lớn nhất, với giá thấp nhất ở nhiều thành phần quan trọng trong pin xe điện, thiệt hại từ đòn trả đũa của Trung Quốc là rất lớn. Mặt khác, các công ty EU đang mất dần thị phần ở Trung Quốc và xu hướng này có thể còn tăng tốc.

Thế nên, chính các yếu tố phức tạp trên rốt cuộc có thể sẽ buộc châu Âu quyết định không "theo gót" Mỹ, mà âm thầm từ bỏ những lời dọa nạt hiện thực hóa chủ nghĩa bảo hộ của mình. Trong khi đó, áp lực chính trị - xã hội để cứu ngành công nghiệp ô tô châu Âu sẽ nặng dần và sự trỗi dậy của các đảng dân túy lẫn dân tộc chủ nghĩa trên khắp lục địa già sẽ càng làm tăng sức ép trên.

Khi mọi thứ vượt ngưỡng, EU có thể phải tìm kiếm một thỏa hiệp nào đó, như hạn chế nhập khẩu "tự nguyện" ô tô điện do Trung Quốc sản xuất. Nhưng dù kết quả ra sao, thì rõ ràng chính sách công nghiệp và chủ nghĩa bảo hộ một lần nữa lại phản ánh mối lo ngại ở cả hai bờ Đại Tây Dương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Lý do thực sự đằng sau chủ nghĩa bảo hộ của Mỹ và phương Tây
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO