BRICS mở rộng: Lời cảnh báo cho phương Tây
BRICS mở rộng không phải là chiến thắng cho Trung Quốc, nhưng chắc chắn là lời cảnh báo để phương Tây sớm thức dậy từ giấc ngủ chiến lược ở các nước phương Nam.
Một trong số các sự kiện nổi bật gần đây được thế giới quan tâm là việc nhóm BRICS (khối 5 nền kinh tế mới nổi lớn bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) đã kết nạp 6 thành viên mới gồm Argentina, Ai Cập, Iran, Ethiopia, Ả Rập Saudi và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất.
Sau kết nạp, khối BRICS mới (còn gọi là BRICS+) chiếm gần một nửa dân số thế giới (46%), chiếm 29% GDP toàn cầu tính theo danh nghĩa và 37% GDP toàn cầu tính theo sức mua tương đương (PPP).
Theo giới chức Nam Phi - nơi tổ chức hội nghị của BRICS vào năm nay, hơn 40 nước đã bày tỏ sự quan tâm đến việc gia nhập khối và hơn 20 nước đã chính thức yêu cầu kết nạp.
Sở dĩ sự kiện kết nạp của BRICS được quan tâm vì trong hai thập niên qua, thế giới đã chứng kiến nhiều thay đổi sâu sắc về tình hình kinh tế lẫn địa - chính trị, khi sự trỗi dậy của BRICS tạo ra một đối trọng ngày càng lớn với sự thống trị của G7. Dù chưa giàu có bằng G7, cán cân quyền lực kinh tế và địa chính trị giữa hai khối đã bắt đầu có tín hiệu thay đổi, đặc biệt khi BRICS kết nạp Iran - quốc gia gần như đã bị châu Âu cắt đứt quan hệ do các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Đối với những ai tin thế giới đang dần chuyển sang một trật tự hậu phương Tây mới, họ có thể cho rằng bản thân đã tìm thấy thêm một bằng chứng nữa sau sự kiện kết nạp. Trên thực tế, nếu lấy kinh tế làm thước đo quyền lực, BRICS+ là khối có sức mạnh vô cùng lớn, khi tỷ trọng GDP toàn cầu tính theo PPP của toàn bộ 11 nước còn cao hơn cả G7.
Bên cạnh đó, sự trỗi dậy của BRICS, dù vẫn có thách thức và sự chênh lệch trong nhóm, đã tăng thêm sức nặng cho những tiếng nói khác biệt với những chính sách của G7. Một trong các ví dụ điển hình là chiến sự Nga - Ukraine, khi không thành viên nào thuộc khối áp trừng phạt kinh tế lên Nga.
Theo Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, việc mở rộng và hiện đại hóa BRICS là thông điệp rằng tất cả thể chế trên thế giới đều cần tự điều chỉnh theo thời gian. Hơn nữa, nhiều ý kiến còn cho rằng việc kết nạp cũng mang đến lợi ích riêng cho các thành viên hiện hữu, đồng thời là chiến thắng lớn với Trung Quốc.
Theo Ryan Berg - Giám đốc chương trình châu Mỹ tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, quyết định mở rộng BRICS là một chiến thắng với Trung Quốc và Nga vì họ đã vận động việc này trong hơn 5 năm qua. “Điều này cho phép Trung Quốc tiếp tục xây dựng viễn cảnh được kỳ vọng là một trật tự lấy Bắc Kinh làm trung tâm. Còn Nga - nước đăng cai tổ chức hội nghị vào năm kế tiếp, lại xem đây là cơ hội to lớn trong thời điểm bị cô lập đáng kể”, ông Berg bình luận.
Không phải chiến thắng cho Trung Quốc
Dù vậy, C. Raja Mohan - nghiên cứu viên cấp cao tại Viện Chính sách Xã hội châu Á, cựu thành viên Ban Cố vấn An ninh Quốc gia Ấn Độ cho rằng, BRICS+ không đảo ngược trật tự thế giới và cũng không phải điềm chỉ về sự trỗi dậy của một trật tự hậu phương Tây mới trên toàn cầu. Và nó cũng không đánh dấu một chiến thắng lớn cho Trung Quốc, Nga, cùng những nỗ lực của họ nhằm xây dựng một khối chống phương Tây từ các nước thuộc nhóm Global South (phương Nam - chỉ ra các nước đang phát triển trong quan hệ quốc tế, chứ không nói đến vị trí địa lý Nam bán cầu).
Theo Mohan, các phân tích đều ít chú ý đến động lực đằng sau việc BRICS+ và những tác động của nó. Trong khi nhầm lẫn giữa hy vọng và một nỗi sợ về trật tự toàn cầu với các phân tích khách quan, những nhà bình luận phương Tây đã bộc lộ sự kém hiểu biết về các nước phương Nam, cũng như lợi ích lẫn cách họ tiếp cận các cường quốc.
Không nghi ngờ gì, việc hàng loạt quốc gia đáng chú ý bất ngờ bày tỏ mong muốn gia nhập BRICS đã ảnh hưởng đến hoạt động phân tích. Dù vậy, sự mở rộng lại không khiến khối này trở nên mạnh hơn, mà chỉ làm suy giảm sự liên kết vốn đã ít ỏi từ trước khi mở rộng.
Cụ thể, đối đầu địa - chính trị giữa Trung Quốc và Ấn Độ đã phủ bóng lên BRICS và việc có thêm thành viên mới sẽ chỉ dẫn đến xung đột mới. Ai Cập và Ethiopia đang tranh chấp trên sông Nile; Iran và Ả Rập Saudi đối đầu nhau trong khu vực, bất chấp nỗ lực hòa giải từ trung gian Bắc Kinh. Các vấn đề này và nhiều vấn đề khác sẽ gây trở ngại trong việc biến sức nặng kinh tế của tất cả thành viên trở thành một lực lượng chính trị có ảnh hưởng trong những vấn đề toàn cầu.
Thế nên, khi thúc đẩy mở rộng BRICS, Trung Quốc chỉ đang tạo cho bản thân một diễn đàn thảo luận lớn hơn. Còn nếu Bắc Kinh muốn xây dựng một đối trọng lớn hơn với phương Tây, thì mục tiêu này cũng không thể đạt được do bên trong BRICS có quá nhiều bạn bè của Mỹ.
Ai Cập, Ả Rập Saudi và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất là đối tác an ninh thân cận của Mỹ. Ngay cả khi có những khác biệt với Washington, các nước này khó có thể từ bỏ những đảm bảo an ninh của Mỹ để chạy theo những lời hứa chưa được kiểm chứng của Trung Quốc, chứ chưa nói đến sự bảo vệ từ một tổ chức như BRICS.
Dù Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã kêu gọi các thành viên BRICS “thực hiện chủ nghĩa đa phương thực sự” và “từ chối nỗ lực tạo ra các vòng tròn nhỏ hoặc khối độc quyền”, nhưng trên thực tế Ấn Độ hiện là một phần của ít nhất hai “vòng tròn” như thế.
Vòng tròn nhỏ thứ nhất là đối thoại an ninh bốn bên với Úc, Nhật Bản và Mỹ; còn vòng tròn nhỏ thứ hai là diễn đàn I2U2 kết hợp Ấn Độ với Israel, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất và Mỹ.
Và nếu Bắc Kinh xem BRICS như một diễn đàn để mở rộng vai trò của mình ở phương Nam thì New Delhi cũng vậy. Điều tương tự cũng đúng với Ả Rập Saudi và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất - các quốc gia sẵn sàng chi nhiều khoản lớn từ nguồn vốn tích lũy trong nhiều thập niên qua để giành được lợi ích kinh tế lẫn chính trị ở châu Phi và xa hơn nữa.
Do đó, việc kết nạp thậm chí có thể là lợi bất cập hại cho khối, khi sự cạnh tranh giữa các thành viên BRICS để giành ảnh hưởng toàn cầu dường như còn gây ra hậu quả lớn hơn tới lợi ích chung trong việc đối trọng với phương Tây. Đồng nghĩa, thay vì xây nên một sân khấu mới để đối trọng với phương Tây, diễn đàn BRICS lại là một sân khấu mới để thành viên tự đối đầu nhau.
Phát súng cảnh báo cho phương Tây
Dù vậy, thông báo mở rộng BRICS vẫn có tác dụng hữu ích, khi là phát súng cảnh báo rằng phương Tây nên ngừng xem nhẹ vai trò của các quốc gia phương Nam. Theo đó, những người ra quyết định tại phương Tây nên loại bỏ thái độ khinh thường một cách bảo thủ, lẫn thái độ trịch thượng cấp tiến, vốn là yếu tố gây khó khăn trong việc thu hút giới tinh hoa từ phương Nam. Thay vào đó, điều nên làm là cần tìm ra cách tốt hơn để tái thu hút các quốc gia đang phát triển.
Với sức mạnh tài chính của mình, Ả Rập Saudi sẽ mang đến cho ngân hàng của BRICS vai trò nổi bật hơn trong tài trợ đa phương, phù hợp với kế hoạch của khối nhằm tạo ra các cấu trúc tài chính thay thế không bị chi phối bởi Washington.
Các nhà phê bình thường chỉ ra rằng, hai cấu trúc tài chính lớn nhất hiện tại là Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) đến nay vẫn thiếu tính đại diện cho các nước phương Nam trong việc ra quyết định, đồng thời gần như bị chi phối bởi các mục tiêu chính sách đối ngoại của phương Tây. Trong bối cảnh hai tổ chức tài chính toàn cầu này giảm đầu tư vào Nga và Trung Quốc, ngân hàng BRICS có thể đưa ra một giải pháp thay thế.
Do đó, việc Ả Rập Saudi gia nhập BRICS sẽ gửi đi một thông điệp rằng các thành viên hiện có và trong tương lai của khối có thể sẽ tìm kiếm các cấu trúc thay thế về quản trị lẫn tài chính toàn cầu. Và phương Tây dường như đã chú ý hơn đến sức mạnh của các nước phương Nam. Bằng chứng là Nhật Bản với vai trò Chủ tịch G7 trong năm nay đã mời Ấn Độ, Brazil, Liên minh châu Phi, Việt Nam, Indonesia cùng Hàn Quốc đến dự hội nghị thượng đỉnh diễn ra tháng 5 vừa qua.
Theo Mohan, mối đe dọa lớn nhất với phương Tây hiện đại từ thế giới ngoài phương Tây là sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc ở châu Á và châu Phi. Quá trình phi thực dân hóa cùng sự cạnh tranh với khối cộng sản để giành được bạn bè ở phương Nam đã giúp phương Tây giành lại được vị thế.
Tuy nhiên, sau khi Liên Xô sụp đổ năm 1991, các bài học từ Chiến tranh lạnh nhanh chóng bị lãng quên và phương Tây lại bắt đầu chế nhạo, chỉ trích phương Nam. Chính trong bối cảnh đó, Trung Quốc cùng Nga đã xuất hiện. Thế nên, việc BRICS kết nạp thêm thành viên, dù có thể là lợi bất cập hại cho thành viên khối, vẫn là một phát súng cảnh báo rằng phương Tây phải sớm thức dậy khỏi giấc ngủ chiến lược sai lầm của mình.