Giá vàng chịu sức ép từ đồng USD mạnh lên, nhưng vẫn được kỳ vọng chạm mốc 3.600 USD/oz vào cuối năm
Mặc dù đang chịu áp lực giảm do đà phục hồi của đồng USD, thị trường vàng vẫn được giới phân tích đánh giá tích cực trong trung và dài hạn, với một số dự báo lạc quan cho rằng giá vàng có thể chạm mức 3.600 USD/oz vào cuối năm 2025.
Vào sáng ngày 16/7/2025, giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á ghi nhận mức tăng 10,2 USD/oz so với phiên giao dịch liền trước tại Mỹ, tương đương mức tăng 0,3%, lên 3.334,8 USD/oz.
Nếu quy đổi theo tỷ giá bán USD tại ngân hàng Vietcombank, mức giá này tương đương khoảng 105,8 triệu đồng/lượng, giảm 300.000 đồng/lượng so với sáng hôm qua.
Trước đó, trong phiên giao dịch đêm 15/7 tại thị trường New York, giá vàng đóng cửa ở mức 3.336 USD/oz, giảm nhẹ 7,8 USD/oz, tương ứng 0,2%.
Cùng thời điểm, tỷ giá USD tại Vietcombank được niêm yết ở mức 25.940 đồng (mua vào) và 26.330 đồng (bán ra), tăng 20 đồng ở cả hai chiều so với phiên trước.

Chỉ số Dollar Index - thước đo sức mạnh đồng bạc xanh so với rổ tiền tệ chính tăng 0,6% trong ngày 15/7, chốt ở mức 98,62 điểm, và sáng nay tiếp tục dao động quanh mức 98,6 điểm.
Động lực chính thúc đẩy đồng USD tăng giá đến từ báo cáo lạm phát mới nhất của Mỹ. Theo Bộ Lao động Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 tăng 0,3% so với tháng trước và tăng 2,7% so với cùng kỳ năm 2024, sát với dự báo của giới phân tích do Dow Jones khảo sát.
CPI lõi - loại trừ giá thực phẩm và năng lượng tăng 0,2% so với tháng trước và 2,9% so với cùng kỳ, đúng như kỳ vọng thị trường.
Những số liệu này làm dấy lên lo ngại rằng các kế hoạch áp thuế quan mới của chính quyền Tổng thống Donald Trump có thể khiến lạm phát leo thang trở lại hoặc duy trì trên mức mục tiêu 2% mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đặt ra, từ đó ảnh hưởng đến lộ trình cắt giảm lãi suất.
Diễn biến này khiến đồng USD mạnh lên, gây áp lực giảm giá lên vàng, vốn là tài sản định giá bằng USD. Tuy nhiên, nhu cầu trú ẩn an toàn trước bất ổn thương mại vẫn là yếu tố hỗ trợ thị trường kim loại quý.
Bất chấp xu hướng điều chỉnh ngắn hạn, nhiều chuyên gia vẫn duy trì quan điểm tích cực về triển vọng giá vàng.
Ông Peter Grant - Phó Chủ tịch công ty Zaner Metals nhận định với Reuters: “Giá vàng tiếp tục nhận được hỗ trợ từ những bất định liên quan đến chính sách thuế quan. Tôi vẫn lạc quan về xu hướng giá, dù thị trường đang đi ngang kể từ giữa tháng 5”.
Thị trường hiện vẫn kỳ vọng Fed sẽ hạ lãi suất hai lần trong năm nay, trong đó lần đầu tiên dự kiến vào tháng 9. Quan điểm này chưa bị thay đổi sau khi số liệu CPI tháng 6 được công bố.
Chuyên gia giao dịch độc lập Tai Wong chia sẻ: “Thực tế, giá vàng lẽ ra phải cao hơn mức hiện tại. Điều này cho thấy thị trường đang cần thêm một cú hích để vượt ngưỡng 3.400 USD/oz”.
Báo cáo chỉ số giá sản xuất (PPI) - một chỉ số lạm phát khác sẽ được Bộ Lao động Mỹ công bố vào ngày thứ Tư. Thông tin từ báo cáo này có thể tiếp tục ảnh hưởng đến tỷ giá USD và biến động của giá vàng.
Trong một báo cáo công bố ngày 15/3/2025, Ngân hàng CIBC của Canada đã nâng dự báo giá vàng trung bình năm 2025 lên mức 3.339 USD/oz, tăng 19% so với dự báo đưa ra hồi tháng 12/2024.
CIBC nhận định môi trường kinh tế vĩ mô tiếp tục thuận lợi cho kim loại quý, đặc biệt trong bối cảnh những hệ lụy của thuế quan vẫn chưa phản ánh đầy đủ lên nền kinh tế.
Các chuyên gia của CIBC kỳ vọng giá vàng có thể vượt mốc 3.600 USD/oz vào cuối năm 2025 và duy trì mức này đến hết năm 2026, trước khi điều chỉnh về mức bình quân 3.000 USD/oz trong năm 2027.
“Chúng tôi tin rằng những bất định về chính sách thương mại sẽ tiếp tục kéo dài. Nền kinh tế toàn cầu vẫn đang đối mặt với tác động tiềm tàng từ các biện pháp thuế quan hiện hữu và sắp triển khai”, báo cáo của CIBC nhấn mạnh.