Trong nước

Lượng đơn hàng xuất khẩu giảm mạnh trong tháng 3/2025

NH 01/04/2025 - 16:20

Tháng 3/2025, ngành sản xuất Việt Nam khởi sắc với chỉ số PMI vượt ngưỡng 50. Tuy nhiên, bức tranh xuất khẩu lại nhuốm màu xám khi đơn hàng từ thị trường quốc tế sụt giảm mạnh nhất kể từ tháng 7/2023, nối dài chuỗi 5 tháng giảm liên tiếp.

Theo báo cáo mới công bố của S&P Global, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam đạt 50,5 điểm trong tháng 3/2025, tăng so với mức 49,2 điểm của tháng trước. Đây là lần đầu tiên sau 3 tháng, sản lượng sản xuất quay trở lại đà tăng trưởng và là mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 8/2024.

Khảo sát cho thấy, sự tăng trưởng chủ yếu đến từ nguồn cung nguyên liệu được cải thiện và sự hồi phục của các đơn hàng trong nước. Nhu cầu từ thị trường nội địa đã tạo lực đẩy cho sản lượng tăng lên, giúp nhiều nhà máy vận hành trở lại sau thời gian cắt giảm.

Tuy nhiên, bức tranh xuất khẩu lại đi ngược xu hướng. S&P Global ghi nhận số lượng đơn hàng xuất khẩu mới trong tháng 3 giảm với tốc độ nhanh nhất trong gần hai năm, cho thấy thị trường quốc tế vẫn chưa phục hồi như kỳ vọng. Đáng chú ý, đây là tháng thứ 5 liên tiếp đơn hàng xuất khẩu giảm, phản ánh rõ rệt sự yếu đi của nhu cầu bên ngoài.

Một số doanh nghiệp cho biết lượng đơn hàng từ Trung Quốc sụt giảm đáng kể, làm ảnh hưởng đến tổng kim ngạch xuất khẩu của khu vực sản xuất. Dù có dấu hiệu tích cực từ thị trường nội địa, nhiều doanh nghiệp vẫn tỏ ra dè dặt về triển vọng tăng trưởng trong những tháng tới.

Xuất nhập khẩu giảm nhẹ, xuất siêu 3,03 tỷ USD trong tháng 1/2025

Tâm lý thận trọng tiếp tục chi phối quyết định kinh doanh của các nhà sản xuất. Mức độ lạc quan trong khảo sát tháng 3 được ghi nhận là dưới mức trung bình lịch sử. Doanh nghiệp vẫn chưa sẵn sàng tuyển dụng thêm nhân sự, dù sản lượng có dấu hiệu phục hồi.

Thống kê cho thấy số lượng lao động ngành sản xuất tiếp tục giảm trong tháng 3. Nguyên nhân chủ yếu là nhu cầu chưa đủ mạnh để cần tuyển dụng thực sự, cùng với đó là làn sóng nghỉ việc tự nguyện trong nội bộ các doanh nghiệp.

Trong khi đó, hoạt động mua hàng, vốn là chỉ báo sớm cho kỳ vọng sản xuất đã giảm trở lại sau 4 tháng tăng liên tiếp. Một số doanh nghiệp cho rằng lượng hàng đầu vào được tích trữ từ các tháng trước đã đủ để duy trì sản xuất trong ngắn hạn, không cần tiếp tục mua vào quá nhiều.

Tồn kho nguyên vật liệu và thành phẩm cũng giảm, phản ánh sự cẩn trọng trong quản trị chi phí và dòng tiền. Các doanh nghiệp dường như vẫn chưa đủ tin tưởng vào khả năng phục hồi toàn diện của thị trường để đẩy mạnh tích trữ hàng hóa.

Ông Andrew Harker - Giám đốc Kinh tế tại S&P Global Market Intelligence nhận định, ngành sản xuất Việt Nam đã bắt đầu có tín hiệu phục hồi trong tháng 3, nhưng cũng đồng thời cảnh báo rằng sự sụt giảm mạnh của đơn hàng xuất khẩu là dấu hiệu đáng lo ngại. Theo ông, tâm lý thận trọng hiện nay phản ánh sự bất ổn trong bối cảnh thương mại toàn cầu đang chịu ảnh hưởng bởi những căng thẳng chính sách, đặc biệt là các biện pháp thuế quan mới từ phía Mỹ.

Với vị thế là quốc gia có thặng dư thương mại lớn với Mỹ, Việt Nam khó tránh khỏi tác động từ các chính sách thương mại bảo hộ đang dần lan rộng. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh chiến lược đa dạng hóa thị trường, tìm kiếm thêm các đối tác mới, đồng thời tăng cường khả năng dự báo và quản trị rủi ro để duy trì ổn định sản xuất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Lượng đơn hàng xuất khẩu giảm mạnh trong tháng 3/2025
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO