"Hội chứng" khoe giàu

TƯƠNG LAI| 09/04/2012 07:12

Từ cực đoan này bước sang một cực đoan khác do thiếu hụt một tầm nhìn văn hóa. Chính cái “hội chứng khoe giàu” một cách phản cảm xuất hiện trên cái nền của sự đứt gãy văn hóa đó!

Từ cực đoan này bước sang một cực đoan khác do thiếu hụt một tầm nhìn văn hóa. Chính cái “hội chứng khoe giàu” một cách phản cảm xuất hiện trên cái nền của sự đứt gãy văn hóa đó!

Khoe giàu, thích xài sang, thích khoe mẽ là chuyện riêng tư. Đã là chuyện riêng tư thì nhân tâm tùy thích, người khác chõ mũi vào làm gì!

Ngặt một nỗi, xã hội là một tổng thể được tạo thành bởi những hiện tượng liên kết, khiến cho mỗi hiện tượng tùy thuộc vào các hiện tượng khác và chỉ có thể như nó đang là thế ấy trong những mối liên hệ giữa chúng với nhau. Xã hội ta đang sống là một cấu trúc mà trong đó mỗi thành viên đều có mối quan hệ ràng buộc với nhau dưới những hình thức thô sơ nhất hoặc phức tạp nhất.

Mỗi thành viên ấy có những vai trò khác nhau, song có mối tương tác lẫn nhau, làm tiền đề cho nhau trong việc thực hiện sự phân công trách nhiệm trước cộng đồng cùng chung quyền lợi và cùng chung những giá trị mà xã hội đem lại. Trong đó, ý thức cộng đồng lại là một nét văn hóa truyền thống đã ăn sâu vào tâm thức người Việt.

Xã hội hiện đại và cơ chế thị trường với những thay đổi trong lối sống dù có làm phôi pha nét đẹp của văn hóa truyền thống đó, song chưa thể xóa đi dấu ấn đậm nét của nó, đặc biệt là ở nông thôn với hơn 70% cư dân cả nước. Lối sống “Tối lửa tắt đèn có nhau”, “Một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ” đâu dễ một sớm một chiều bị phai nhạt.

Thế nhưng, khi hệ thống giá trị bị đảo lộn trong cơn lốc của những chuyển động dữ dội từ xã hội cổ truyền sang xã hội hiện đại với những biến thái phức tạp, thì chuyện nảy sinh những nghịch cảnh phản văn hóa gây phản cảm trong tâm lý xã hội là chuyện dễ hiểu.

Cũng như sức cuộn chảy của dòng sông, ở những đoạn nước xoáy, những đoạn khúc sông đổ ngoặt, váng bẩn nổi lên nhiều. Những “váng bẩn” của dòng sông cuộc sống cũng vậy!

Những chuyện “chướng tai gai mắt” khiến dư luận bất bình đang diễn ra hàng ngày, tuy không là những hành vi phạm pháp, những tội ác hà lạm, tham nhũng, ức hiếp dân làm dấy lên làn sóng phẫn nộ trong xã hội, nhưng lại là những nét “phản văn hóa” đang làm nổi bật sự xuống cấp của đời sống văn hóa trên cái nền của sự suy thoái đạo lý xã hội. Đây mới là điều đáng suy nghĩ.

Người ta thường đổ lỗi chuyện ấy cho mặt trái của kinh tế thị trường. Ấy thế mà, mặt phải của một đồng xu phải cùng với “măt trái” của nó mới làm nên một thực thể gọi là đồng xu đó. Nền kinh tế thị trường là một thực thể, nếu có “mặt trái” tất có “mặt phải” gắn liền với nó như hai mặt của đồng xu nói trên.

Vậy thì làm sao xoá bỏ “mặt trái” để chỉ giữ lại “mặt phải” của một thực thể? Chẳng nhẽ phải xoá bỏ quách kinh tế thị trường, quay về với mô hình cũ đã đưa xã hội đến bên bờ vực trước “Đổi Mới” để tránh khỏi những “trái tai gai mắt” phản văn hóa kia?

Cần phải có cách nhìn khác, giàu tính chiến đấu hơn và bằng những giải pháp mang tầm chiến lược, quyết liệt hơn, dũng cảm hơn và cũng thiết thực hơn. Trước hết, đừng bằng lòng với sự dễ dãi trong những ngôn từ thoạt nghe cứ ngỡ là có cái lý gì đó, nhưng ngẫm nghĩ kỹ lại hóa ra rất trống rỗng, thậm chí phản khoa học.

Ác một nỗi là nó được rao giảng quá lâu, quá nhiều làm chai lỳ những bộ óc dễ dãi, và rồi người ta cũng tự bằng lòng với sự quy lỗi cho mặt trái của kinh tế thị trường rất vô lối. Vì quy như thế thì chẳng thiệt ai nhưng rất vô bổ bởi chẳng đưa ra giải pháp khả thi nào ngoài những ngôn từ trống rỗng về “lên án” và “quyết tâm”!

Do vậy, muốn cho thỏa tình đạt lý trong ứng xử với những cái “chướng tai gai mắt” trong xã hội của buổi nhiễu nhương này thì phải dõi sâu vào cái gốc gác làm nảy sinh ra chúng.

Do đâu mà tại Hương Sơn, huyện miền núi nghèo của Hà Tĩnh, một doanh nhân tổ chức đám cưới cho con với chi phí lên tới 50 tỷ đồng, có đủ các ngôi sao giải trí hàng đầu showbiz Việt và hải ngoại như Đàm Vĩnh Hưng, Phi Nhung, Mạnh Quỳnh, Quang Lê, MC Lê Anh đến giúp vui, và món quà hồi môn là ngôi nhà 130 tỷ đồng tại Hà Nội hiện vẫn cửa đóng then cài!

Và rồi, tại Tân Lập, Thái Nguyên cũng rình rang một “siêu đám cưới”, tiền tỷ được vung ra để khoe giàu với dân tình đang còn vất vả gian nan kiếm sống nơi “thủ đô của chiến khu cách mạng” thời kháng chiến 9 năm!

Và rồi bi hài hơn nữa là chuyện tại đất “Tây Đô”, bà giám đốc một công ty thủy sản, tổ chức “siêu đám cưới” cho con khi công ty đang vỡ nợ, băng rôn nông dân đòi nợ treo ngay trước cổng biệt thự bà giám đốc! Ấy vậy mà chỉ riêng đoàn xe rước dâu cũng toàn loại mốt nhất, đắt tiền nhất, những Bentley Flying Spur Speed, Ferrari F430...

Cơn sốt khoe giàu một cách kệch cỡm đang truyền lan trong bối cảnh của đất nước đang gặp nhiều khó khăn, đời sống của đại đa số người dân còn gieo neo vất vả.

Bên cạnh những túp lều xiêu vẹo của lớp dân nghèo thành thị là những biệt thự bỏ hoang mà “có đến 60-70% là thuộc về... quan chức nhiều cấp, ngành và 30-40% số biệt thự còn lại thuộc sở hữu của các tổng giám đốc hoặc các doanh nhân ở Hà Nội hoặc từ nhiều địa phương có tiền mua gom...

Họ mua chẳng phải để ở, cũng chẳng phải để kinh doanh, họ mua để thể hiện sự giàu có, để thi thoảng mang ra khoe với bạn bè cho... oai đấy” như một tờ báo nọ dẫn lời của người dân ở cạnh những khu biệt thự bỏ hoang đó.

Tiền ở đâu ra mà vung như thế?

Xin thưa, một trong những nguồn tiền dễ dãi rất dễ kiếm đó là từ đất. Thì đây, 1m2 đất thu hồi của người dân chỉ đền bù 100-200 ngàn đồng, nhưng vẫn 1m2 ấy khi chuyển thành đất dự án thì được bán 5-10 triệu đồng/m2, thậm chí 20-30 triệu đồng/m2.

Đây có phải là một sự tước đoạt hợp pháp với những khái niệm lừa mị khôn khéo hoặc trắng trợn?

Ai tước đoạt và lừa mị? “Vừa qua, một số nơi thu hồi đất của nông dân giá rất rẻ, sau đó chuyển đổi mục đích sử dụng, cho doanh nghiệp chia lô, bán nền là giá tăng gấp 10-15 lần. Chính sách như vậy sẽ làm giàu cho một số người mà làm nghèo nông dân.

Tôi về nông thôn, có nông dân nói tại sao lại lấy đất của nông dân chia cho người giàu. Đến dự khởi công một công trình tại Hà Nội, trong khi bên trong là lễ khởi công, bên ngoài là những nông dân khiếu kiện” - ý kiến của nguyên phó Thủ tướng Nguyễn Ngọc Trìu trả lời cho câu hỏi đó.

Vậy là ở đây có vấn đề về chính sách và cái gọi là “cơ chế” tạo điều kiện cho sự tước đoạt khôn khéo hoặc trắng trợn nói trên. Trong phạm vi bài báo ngắn, xin tạm bỏ qua sự dung dưỡng của cái gọi là “cơ chế” được biến tấu bởi những nhóm lợi ích hư hỏng, đang làm bình phong cho chúng để chia chác những “sản phẩm” từ những “hiện tượng quái gở” ấy. Ở đây chỉ xin nói đôi điều về chiều cạnh văn hóa để đóng lại bài viết đã dài.

Văn hóa? Vâng, ở đây là một sự đứt gãy văn hóa khá tiêu biểu.

Có người giải thích rằng đây là một “sự trả thù” lại sự o ép của một thời xếp người giàu vào loại đáng khinh, thậm chí là đối tượng phải cảnh giác. Đấy chỉ là một cách nghĩ.

Quả đúng là có một thời hoàng kim của “chủ nghĩa bình quân chia đều sự nghèo khổ” mà càng nghèo càng “sang” vì là thành phần cốt cán của cách mạng.

Thế rồi đùng một cái, cùng với “Đổi Mới”, tiếp theo là chuyện công nhận nền kinh tế thị trường, thậm chí phấn đấu để cho nước này nước nọ công nhận Việt Nam đã có nền kinh tế thị trường thực sự nhằm tranh thủ những lợi thế về kinh tế và hội nhập.

Trong thời đoạn của sự chuyển đổi ấy, cái cũ bị phế bỏ, song cái mới chưa định hình, một sự thật chua xót buộc phải thừa nhận: sự xuống cấp của văn hóa và đạo lý xã hội!

Thì đó, trong ngôn từ thời thượng, hai chữ “đại gia” được lên ngôi và được định hình trên sách báo, thậm chí trên những văn bản! Cùng với các “đại gia” là một lối sống xa xỉ của một số người được tung hô, vì sau những xa xỉ và thác loạn, họ cũng tích cực “làm từ thiện”!

Kèm theo sự lên ngôi của chức danh “đại gia” là tên tuổi của những “quý tử” con nhà giàu gắn tên mình với biệt danh “Đô La”. Thế rồi báo chí trầm trồ nửa kín nửa hở về “đôi lứa xứng đôi” của một siêu sao ca nhạc cặp bồ với quý tử giàu có, rình rang khoe giàu với các kiểu dáng ô tô đời mới sang trọng nhất.

Chẳng những thế, để câu khách, không ít tờ báo hào phóng dành cho chuyện khoe mẽ kia những cột báo nổi bật, đánh vào thị hiếu của lớp trẻ, vô hình trung đã cổ vũ cho một lối sống ăn chơi phung phí “trăm nghìn đổi một trận cười như không”.

Những “tấm gương” phản cảm, khoe mẽ về sự giàu sang, thúc giục một lối sống thiếu văn hóa với những thị hiếu dung tục được phơi bày hằng ngày, thậm chí được tung hô. Chẳng những thế, người ta đang phục dựng những ngôn từ, những biểu tượng của một thời vốn từng bị dìm xuống đất đen!

Những cái bị dìm xuống đất đen ấy xem ra vẫn hấp dẫn nên người ta đưa chúng “lên đài danh dự”: muốn sang thì khách sạn phải đặt tên là Hoàng Đế, công ty phải có tên là Hoàng Gia, cửa hàng ăn phải là Ngự Thiện, khu ẩm thực phải có tên là Cung Đình, bể bơi phải là bể bơi “Quý Tộc”...

Từ cực đoan này bước sang một cực đoan khác do thiếu hụt một tầm nhìn văn hóa. Chính cái “hội chứng khoe giàu” một cách phản cảm xuất hiện trên cái nền của sự đứt gãy văn hóa đó!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
"Hội chứng" khoe giàu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO