Lên cổng trời thưởng thức bánh tam giác mạch

Vũ Đình Quý| 16/04/2023 06:00

Cây tam giác mạch không chỉ cho hoa để ngắm, cho bánh để ăn, cho rượu và mật ong để uống, lá non của nó còn là rau ăn sống hoặc nấu canh, lại giúp tăng cường sức khỏe...

1. Cổng trời Quản Bạ nằm cách thị xã Hà Giang gần 50km, trên độ cao 1.500m so với mực nước biển. Đường lên cổng trời ngoằn ngoèo, khúc khuỷu, xe chúng tôi đi trong sương mù dày đặc, núi đá tai mèo cao vút lúc ẩn lúc hiện. Từ xa nổi bật trên triền núi là dòng chữ "Công viên địa chất cao nguyên đá Đồng Văn". 

Cao nguyên đá Đồng Văn (hay Sơn nguyên Đồng Văn) là những dải đá lớn với 80% là đá vôi, trải dài trên 4 huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc của tỉnh Hà Giang. Ngày 3/10/2010, nơi đây đã được Hội đồng Tư vấn Mạng lưới Công viên Địa chất Toàn cầu (GGN) của UNESCO công nhận là công viên địa chất toàn cầu.

Đến Hà Giang mà chưa lên cao nguyên đá Đồng Văn, cổng trời Quản Bạ, đỉnh Lũng Cú, đỉnh Mã Pì Lèng, Dinh Nhà Vương thì coi như chưa tới vùng Tây Bắc của đất nước. Nhưng đã lên nơi này rồi mà chưa chiêm ngưỡng cây tam giác mạch (ở nhiều nước gọi là kiều mạch, mạch ba góc, lúa mạch đen) được người dân trồng trong thung lũng, trên vách núi sau mỗi mùa lúa nương, hoa mọc thành chùm ở ngọn hoặc nách lá, từ màu trắng chuyển dần sang màu phớt tím, phớt hồng và thưởng thức bánh, nhấm nháp rượu làm từ hạt tam giác mạch thì chưa thấy hết được cái đẹp, cái tinh tế của vùng đất địa đầu Tổ quốc.

-7119-1681541688.jpg

Hạt tam giác mạch

2. Chuyện về cây tam giác mạch được người dân vùng núi cao nơi đây kể rằng, từ xa xưa có nàng Tiên Gạo và nàng Tiên Ngô xuống gieo hạt ngô, hạt lúa ở vùng đất này. Số mày, số trấu còn lại được đổ vào khe núi. Cây ngô, cây lúa vươn lên mạnh mẽ từ những khe đá, giúp người vùng cao no bụng. Nhưng khi hạt ngô, hạt gạo nương trong nhà đã cạn mà vụ sau chưa tới thì ai ai cũng phải lội rừng, vượt thác để tìm cái ăn. Một hôm, từ những khe đá, thoảng bay trong gió Đông lạnh giá mùi hương lạ, tìm đến nơi, ai cũng ngỡ ngàng trước những nhành hoa nhỏ xinh, trắng, hồng, tím xen kẽ. Bà con thu lượm hạt nhỏ từ những cây hoa đem về ăn thử, thấy ngon không kém ngô và gạo. Khói lam chiều từ các bản làng lại bay lên. No bụng, ai cũng nhớ ơn những cô tiên gieo hạt. Còn vì sao có tên là tam giác mạch? Theo từ điển phổ thông, "mạch" có nhiều nghĩa, trong đó có nghĩa "liền nhau" - gọi là tam giác mạch vì cây có lá và hạt hình tam giác, mọc liền nhau. 

Vậy là từ thiếu đói, bà con vùng đất này đã tìm ra hạt mạch để tồn tại.

Nhưng rồi cuộc sống ngày một khấm khá, hạt tam giác mạch không còn là nguồn sống chính của người dân trên vùng núi cao Hà Giang nữa. Mươi năm trở lại đây, du khách đến Hà Giang ngày một nhiều, nhu cầu chiêm nghiệm, khám phá, thưởng thức ẩm thực ngày càng cao, thế là cây tam giác mạch, một loài cây đặc trưng của vùng núi cao đã phát triển trở lại.

Tuy nhiên tam giác mạch không chỉ trở lại để du khách được chiêm ngưỡng, thưởng ngoạn hoa - loài hoa biểu tượng cho vẻ đẹp của con người vùng núi Tây Bắc, mà hơn thế nữa, bà con nơi đây còn biết làm thỏa mãn người nơi khác đến bằng hương vị lạ của hạt mạch một thời đã nuôi sống bao người. Đó là bánh tam giác mạch, là rượu tam giác mạch.

Để phục vụ du khách trong dịp lễ hội hoa tam giác mạch đầu tiên vào cuối  2015 và từ đó trở thành lễ hội hằng năm ở Hà Giang để tôn vinh các giá trị văn hóa cũng như quảng bá du lịch, văn hóa độc đáo vùng Tây Bắc, bà con các dân tộc ít người nơi đây đã gieo trồng trên 400ha cây tam giác mạch, tập trung chủ yếu ở huyện Đồng Văn với khoảng 20 điểm trong 10 xã, thị trấn. Giờ đây, từ tháng 9 đến tháng 12, dọc đường từ Xín Mần lên Hoàng Su Phì, trên đường vào Lũng Cú hay dưới chân đèo Mã Pì Lèng, du khách sẽ bị hút hồn bởi vẻ đẹp tinh khiết của những ruộng hoa tam giác mạch bất kể trong nắng sớm hay chiều muộn - những cánh hoa bồng bềnh trong lớp lớp sương mù, thoắt ẩn thoắt hiện, từng chùm màu trắng xen lẫn hồng, đỏ sậm, tím vươn mình mạnh mẽ trên những mảnh đất khô cằn, trong những hốc đá lởm chởm.

Những hạt tam giác mạch nho nhỏ được xay thành bột thật mịn rồi nhào với nước lã, cho vào khuôn đúc thành những chiếc bánh hình dáng tùy ý người làm, nhưng chủ yếu là hình tròn, dẹp, được hấp chín, để nguội rồi nướng trên bếp than cho vàng sém. 

Trên cổng trời Quản Bạ hay khi ghé thăm các phiên chợ trên cao nguyên đá Đồng Văn, bạn có thể thưởng thức món bánh tam giác mạch đặc sản mềm mềm, xôm xốp, vị ngọt thanh, càng nhai càng bùi, phảng phất hương thơm của cây rừng do chính tay những bà con người Mông, Dao, Lô Lô... nơi đây làm nên.

Vào những ngày Đông lạnh giá trên cao nguyên, bên bếp lửa hồng, với những chiếc bánh tam giác mạch nóng hổi trên tay, lại ăn cùng thắng cố - một món ăn không bao giờ thiếu được trong những buổi gặp gỡ của người dân vùng núi cao Hà Giang và cả du khách, lại càng ngon. Dĩ nhiên những ly rượu nấu từ hạt tam giác mạch bao giờ cũng là "bước khởi đầu" cho buổi giao lưu.

-7229-1681202956.jpg

Bánh tam giác mạch vừa nướng

3. Nhưng cây tam giác mạch không chỉ cho hoa để ngắm, cho bánh, cho kẹo để ăn, cho trà, cho rượu, cho mật ong để uống, lá non của nó làm rau ăn sống hoặc nấu canh rất ngon. Theo Đông y, lá, thân và hoa tam giác mạch hãm hoặc sắc uống nhiều lần trong ngày trị xơ vữa mạch máu, xuất huyết, tăng huyết áp, viêm ruột, góp phần làm sáng mắt, thính tai...

Đặc biệt, hạt tam giác mạch của Hà Giang đã bắt đầu được sử dụng để sản xuất mì soba - một loại mì nổi tiếng của người Nhật Bản.

Ông Matsuo Tomoyuki - Chủ tịch Hiệp hội Ẩm thực Nhật Bản - Việt Nam cho biết, thời gian qua, hiệp hội đã phối hợp với người dân Hà Giang trồng tam giác mạch, trong năm 2022 thu hoạch khoảng 50 tấn, chất lượng rất tốt, phù hợp để chế biến nhiều loại thức ăn. Theo hợp đồng với hai đối tác tại Nhật Bản, dự kiến những năm tới, mỗi năm hiệp hội sẽ xuất khẩu từ 300 tấn trở lên hạt tam giác mạch. 

Ngày nay, tam giác mạch đã được trồng ở Mộc Châu, Sơn La, Cao Bằng, Lào Cai, Đà Lạt, thậm chí có ở Cần Thơ bởi không chỉ vẻ đẹp lãng mạn từ hoa mà nó còn là cây lương thực và cây thuốc. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Lên cổng trời thưởng thức bánh tam giác mạch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO