Cho đến bây giờ, dẫu đã là một phụ nữ trung niên, hình ảnh bà ngoại gánh gánh xôi bắp đi bán dọc đường làng mỗi sớm mai để kiếm từng cắc tiền lời nuôi đàn cháu vẫn in đậm trong tâm trí tôi.
Ngày trước, ở quê tôi, bà con nông dân thường trồng bắp nếp ngoài đồng hoặc trong vườn nhà. Năm nào cũng vậy, vừa ra giêng, bà tôi đã căng dây phân luống gieo hạt bắp. Chị em tôi sau mỗi buổi học là tranh thủ tỉa lá, bắt sâu, kéo từng gàu nước từ giếng làng tưới những hàng bắp xanh non. Rồi cũng chỉ vài tháng, những bắp ngô lớn dần, mẫy hạt.
Bắp thu hoạch được bà ngoại phơi khô để dành nấu xôi đến giáp mùa sau. Hạt bắp khô được bà ngoại ngâm trong nước tro cây mè nhiều giờ đồng hồ rồi cho lên bếp củi nấu đến khi hạt bắp bung hoa là được.
Bao giờ bà ngoại cũng dậy rất sớm, nấu xôi bắp trong chái bếp đơn sơ khi trời chưa tờ mờ sáng. Trong lúc tôi bào sợi cùi dừa, ngoại phi hành, giã nhỏ đậu phộng rang, em trai tôi ra vườn nhà rọc lá chuối, rửa sạch để gói xôi. Khi xôi bắp chín, cả gian bếp đơn sơ dậy hương ngào ngạt. Tôi thường lặng lẽ hít hà mùi hương dịu dàng ấy trước khi được nhẩn nha nhai từng hạt bắp mềm dẻo, chạm sợi dừa bào, chút đậu phộng rang, cảm nhận đủ đầy hương vị béo bùi, thơm thảo.
Cứ thế, gánh xôi bắp mang theo biết bao niềm tin yêu và hy vọng của bà ngoại đã nuôi lớn chúng tôi.
Thời gian dần trôi, chúng tôi trưởng thành, mỗi người một ngả bận rộn mưu sinh. Lời hẹn về quê thăm ngoại cứ thưa dần... Bà cô đơn giữa ngôi nhà cạnh những luống bắp xác xơ vì thiếu người chăm nom. Rồi mùa Xuân năm đó, ngoại tôi lặng lẽ ra đi vì một cơn đau tim đột ngột. Ngày về quê đưa tang bà, thấy đôi quang gánh năm xưa bà dùng để bán xôi, nước mắt tôi tuôn trào...
Thi thoảng, giữa đô thị ồn ã, chợt thấy một gánh xôi bắp của bà cụ ở tít ngoài Quảng Trị bán dạo ngang qua, tôi mua ăn thử cho đỡ ghiền chứ biết khó lòng tìm được hương vị xôi bắp ngoại nấu khi xưa...