Thưởng sen

Phương Hà| 24/01/2023 07:00

Để biết Đồng Tháp Mười một cách "dân dã” nhất, chúng tôi tìm đến một ngôi nhà bao bọc tứ bề là ruộng sen ở huyện Tháp Mười, khá xa thành phố Cao Lãnh.

Thưởng sen

1. 

Chủ nhà là một lão nông tóc trắng, râu cũng trắng nhưng người chắc nụi, niềm nở cho chúng tôi vào nhà.

Dân Nam Bộ muốn làm quen thì phải hỏi tên thứ. Chúng tôi là khách, lễ phép hỏi tên chủ nhà trước, lão nông nói cứ kêu ông là Hai Đất Phèn. 

Tôi có thói quen mỗi lần đi viết ở đâu đó, xa hay gần đều mang theo trà mộc, loại búp nõn, phần nhờ pha uống, phần thì có thể tặng ai đó, nên thấy trên bộ bàn ghế cao đặt gian giữa ngôi nhà cột bằng tràm lão, lợp lá dừa nước nhưng khá khang trang có "bộ đồ nghề” uống trà bằng gốm nâu, liền lấy trà trong ba lô biếu bác Hai. Ông lão vui vẻ nhận rồi đến tủ lạnh đem ra một gói nhỏ bọc giấy kiếng, nhìn thoáng qua, tôi biết đó là trà ướp sen. Bác Hai nói: 

- Qua mời hai em dùng thử trà sen Đồng Tháp Mười. Sắp Tết, gió chướng đã rao ngọn, sen không còn ra hoa nên không có trà sen tươi. 

- Ở vùng mình, trà sen tươi làm bằng cách nào ạ? - Bà bạn tôi hỏi ông lão bằng giọng Hà Nội chính gốc, nhẹ tênh.

- Chắc cũng giống ở ngoải. Chiều muộn, chống xuồng ra ruộng tìm vài ba bông sen còn búp, lật nhẹ hết từng cánh rồi bỏ trà thật ngon, đúng một ấm lên đài sen, dùng dây rơm buộc túm cánh sen, sáng sớm ra cắt cả cuống dài đem về cắm vào lọ hoa, uống mấy ngày.

Bác Hai giải thích, ướp trà lúc chạng vạng, lấy trà lúc ửng sáng, hương sen sẽ ngấm vào trà nhiều nhất, cắm cành sen vào bình hoa là để sen tươi, rồi hỏi:

- Nghe nói ở ngoải có bán trà ướp sen đông lạnh, kiểu như của qua đây, phải không cô em?

- Dạ vâng. Nhưng là cắt bông sen ở Hồ Tây về mới cho trà vào ướp một đêm rồi bọc giấy bóng bỏ vào ngăn đá tủ lạnh hay tủ đông để giữ cánh sen không bị hỏng, trà không bị mốc, bán cho người mua uống ngay hay người lấy sỉ bán lại, nhưng cũng hiếm lắm.

- Chắc là không ngon bằng trà ướp sen ngoài ruộng rồi đem vô uống liền - ông lão vừa "bình" vừa cho trà và cả đài sen, gạo sen (nhụy) vào ấm, chế nước mưa sủi tăm sôi. 

Biết chúng tôi không hiểu vì sao lại cho gần như cả bông sen vào ấm trà, bác Hai giải thích:

- Hương sen không thể ngấm hết vào trà. Uống trà sen "toàn tính" vậy mới trọn cái thơm, cái chát ngọt. 

Bác Hai với tay xuống hộc bàn lấy keo nhựa, đổ đầy một đĩa hạt sen rang muối ớt, rồi mời:

- Trà được rồi, hai em thử đi.

Bà bạn tôi nhấp một chút, khen "quá ngon". Ngoài Bắc, phụ nữ thưởng trà còn rành hơn đàn ông nên bà bạn khen ngon thì tôi không phải thử mà "cụng ly" với bác Hai rồi uống cạn, tưởng như cái vị thơm ngan ngát, thoang thoảng cả đồng sen đang nở ập vào mọi giác quan. 

Bác Hai giục:

- Hai em nhâm nhi hạt sen rang muối ớt với trà sen mới thấm hết vị Đồng Tháp Mười!

Ông lão "văn chương" làm "bữa tiệc trà” thêm hấp dẫn. Mà hấp dẫn thiệt, bởi cái vị cay cay mằn mặn của hạt sen rang muối ớt làm vị trà thêm đậm đà. Bác Hai nói, tiếc là hết mùa sen, chứ có hạt sen tươi nguyên vỏ rang muối ớt thì còn ngon nữa.

2.

Bác Hai gái đi chợ về, vui vẻ mời chúng tôi ở lại ăn trưa. Bà bạn dân Bắc của tôi "lễ nghĩa", ngại phiền, tôi người Trung nhưng đã nhiều năm sống với dân Nam Bộ hào sảng, nên "dạ liền".

Bác Hai dẫn tôi ra khoảng sân có nhiều cây kiểng quý. Bác Hai gái thì thân mật bảo bà bạn tôi cùng xuống bếp. 

Cặp theo mé sân, bao bọc quanh nhà là ruộng sen, tôi ước chừng không dưới 30 công (10 công một hécta). Đầu mùa khô, sen đã tàn nhưng mặt ruộng thì không ngừng cá quẫy. Bác Hai vung lưới kéo vài cân cá lóc, cá rô mề rồi hai bác cháu nổi lửa rơm nướng trui.

Bữa cơm ông bà Hai đãi chúng tôi có hai món chính là cá nướng trui chấm muối hột giã dập cùng ớt sừng và nồi lẩu đặc sản cá linh bông điên điển. Nói là "đặc sản" vì gần Tết ta, nước trên đồng đã cạn, mùa cá linh cũng hết, bông điên điển cũng vậy. 

Ông lão hỏi tôi thích đế nếp hay rượu sen. Tôi trả lời vừa thật vừa đùa:

-  Bác Hai đã cho uống trà sen, giờ mà uống đế nếp, thằng em e rằng... "lãng phí”. 

Ông già tằng hắng, biết ý tôi, mang ra một chai rượu có màu hồng nhạt và 4 cái ly xây chừng (ly nhỏ có viền chính giữa để bạn nhậu "cưa đôi" rượu cho "công bằng"). 

Bác Hai giả bộ trịnh trọng, nói:

- Hai Đất Phèn này hân hạnh cụng ly với bà nhà và hai em!

Bà Hai nâng ly chúc cuộc hội ngộ vui vẻ rồi uống cạn, bà bạn của tôi cũng tỏ ra sành rượu (chắc là để vui lòng ông bà chủ nhà), khen rượu có mùi nhụy sen dịu nhẹ, vị ngọt chen chút đắng bùi. 

Bác Hai ngạc nhiên trước nhận xét của vị khách:

- Cô em nói đúng boong! Qua đố hai em, làm sao để có loại rượu sen quý giá này?

Biết chúng tôi "chịu thua", bác Hai lại nâng ly:

- Cụng rồi qua nói cho nghe. Làm ra loại rượu sen đúng điệu vầy phải chịu mất công. Hạt, đài, nhụy, củ, tim sen phải phơi thật khô, rang lửa nhỏ riêng từng loại, bốc mùi thơm là được. Tất cả trộn đều với men bột hạt sen, ủ một tuần, cho vào nồi nấu như nấu đế nếp rồi rót rượu vào hũ, bịt kỹ, hạ thổ 6 tháng. Báo đài kêu bằng "nấu rượu theo kiểu thủ công truyền thống", còn qua và bà nhà của qua kêu bằng rượu truyền đời. 

- Có cách làm rượu sen nào nữa không bác Hai? - tôi hỏi.

- Năm loại nguyên liệu trên cho vào hũ, đổ đế nếp, đế gạo ngon vào ngâm vài ba tháng. Để hạt sen ra hết chất, phải bọc vải đập dập. Có thể cho thêm mật ong, mật ong tràm Đồng Tháp Mười càng ngon. Cô em khen rượu thơm thoang thoảng là bởi qua cho thêm nhụy sen tươi lấy lúc hừng đông. 

Ôi chao, không biết cái tình của vợ chồng lão nông Tháp Mười hay trà sen, rượu sen đã gây thương nhớ với hai chúng tôi...  

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thưởng sen
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO