Lãnh đạo là làm gương

Khởi Vũ| 08/07/2023 06:00

Bất cứ một tổ chức nào cũng là hình bóng nối dài của một cá nhân và chính phẩm cách của người đó quyết định tính cách của tổ chức (Ralph W. Emerson). Do đó, người lãnh đạo chân chính phải tự nhận thức và hiện thực hóa bằng việc cho thấy mình là một tấm gương.

Lãnh đạo là làm gương

Tầm quan trọng của việc làm gương

Giống như con cái luôn quan sát để rồi bắt chước cha mẹ, nhân viên cũng luôn quan sát người lãnh đạo. Và giống như trẻ con chẳng để tâm mấy đến những gì chúng được dạy, mà nhất nhất cư xử hệt cha mẹ, nhân viên có thể nghi ngờ những gì lãnh đạo nói, song sẽ tin vào hành động của cấp trên rồi làm theo. Thế nên, nếu lãnh đạo không tôn trọng nhân viên, họ cũng sẽ không tôn trọng khách hàng, nếu lãnh đạo không chịu thay đổi, họ cũng sẽ cố chấp.

Nếu người lãnh đạo cho thấy tấm gương “méo mó”, tiền hậu bất nhất trong lời nói và hành động, tinh thần làm việc cùng niềm tin của nhân viên sẽ mau chóng “chạm đáy”. Giả sử, sếp yêu cầu mọi người ở lại làm thêm, nhưng ngay khi đồng hồ điểm 5 giờ chiều đã ra về, thì ai sẽ muốn ở lại? Hay nếu sếp nói rằng luôn lo nghĩ cho lợi ích của nhân viên, nhưng lại nhận lấy phần lớn nhất khi chi thù lao cho công việc, thì ai sẽ có tinh thần cống hiến?

Norman Vincent - tác giả quyển sách Sức mạnh của tư duy tích cực từng nói: “Không gì khó hiểu bằng những người đưa ra lời khuyên tốt nhưng bản thân lại làm gương xấu”. Ngược lại, sẽ không có gì đáng thuyết phục hơn những người đưa ra lời khuyên tốt và bản thân họ cũng là tấm gương tốt.

Thế nên, nếu đảm đương vị trí dẫn dắt tổ chức, người lãnh đạo cần nhận thức được bản thân phải có trách nhiệm với những người theo mình và nhân viên muốn cấp trên của họ có lời nói cùng hành động đi đôi với nhau hơn bất cứ điều gì khác. Cấp dưới cần những người đi đầu là tấm gương tốt. 

Ở cấp độ cá nhân, người lãnh đạo phải thay đổi bản thân trước khi muốn thay đổi người khác và phải lãnh đạo được mình trước khi lãnh đạo người khác. Hơn nữa, tiêu chuẩn đặt cho bản thân phải cao hơn tiêu chuẩn đặt cho người khác. Đồng nghĩa, nếu muốn trở thành người lãnh đạo đáng tin cậy, tôi phải là người làm việc đầu tiên, chăm chỉ và lâu dài nhất trong việc thay đổi chính mình. Khi người lãnh đạo cho thấy tấm gương tốt, theo thời gian, cấp dưới cũng sẽ thuận ứng và tự điều chỉnh hành vi.

Gương phản ánh hành vi

Về điều này, có thể minh chứng bằng một thí nghiệm thú vị đến từ các nhà khoa học nghiên cứu thần kinh tại Đại học College London, Anh. Cụ thể, họ yêu cầu người tham gia chơi oẳn tù tì nhiều vòng và tại mỗi hiệp, một hoặc cả hai người đều bị bịt mắt. Khi cả hai bị bịt mắt, tỷ lệ hòa là 33%, song con số này lại tăng lên 36% khi chỉ một trong hai người bị bịt mắt. Đó là vì người không bị bịt mắt bắt chước tay của người kia.

Điều tương tự cũng xảy ra trong cuộc sống hằng ngày. Ví dụ như khi ai đó ngáp, những người xung quanh cũng có thể ngáp như thể bị lây. Hoặc khi trò chuyện trực tiếp, nếu một người chống cằm hoặc thay đổi tư thế, người kia cũng vô tình làm vậy, hay khi một người cười họa theo ai đó dù điều đó không buồn cười đến vậy.

Lý giải cho điều này đến từ tế bào thần kinh (neuron) gương, được một nhóm nhà thần kinh học, dẫn dắt bởi Giacomo Rizzolatti, phát hiện vào những năm 1990. Như tên gọi, neuron gương phản chiếu hành vi của đối phương như thể chính người quan sát đang thực hiện hành động đó. Phản ứng này không bị giới hạn trong tầm nhìn và neuron gương cũng có thể kích hoạt khi một cá nhân biết hoặc nghe người khác thực hiện một hành động tương tự.

“Con người là một sinh vật. Bản chất của con người phụ thuộc vào việc hiểu hành động, ý định và cảm xúc của người khác. Neuron gương cho phép con người hiểu được suy nghĩ của người khác, không chỉ thông qua khái niệm mà còn thông qua mô phỏng trực tiếp”, Rizzolatti nói.

Một thí nghiệm khác thực hiện bởi nhà tâm lý học người Thụy Điển Ulf Dimberg từ Đại học Uppsala, cũng cho thấy mối liên hệ giữa neuron gương với cảm xúc và hành vi của con người. Trong thí nghiệm, Dimberg cho người tham gia xem những bức ảnh có biểu cảm khuôn mặt khác nhau và yêu cầu họ không được thể hiện bất kỳ cảm xúc nào trên khuôn mặt khi xem chúng. 

Quan sát cơ mặt của người tham gia, nhà tâm lý học phát hiện ra rằng khi một khuôn mặt vui vẻ xuất hiện trên màn hình trong 0,03 giây, các cơ chịu trách nhiệm mỉm cười trên khuôn mặt của người xem chuyển động. Còn với khuôn mặt giận dữ, các cơ có một chút cử động để cau mày. Dù những bức ảnh chỉ xuất hiện trong thời gian ngắn như thế, song những người tham gia đã vô thức tùy chỉnh biểu cảm theo khuôn mặt trong hình.

Thông qua kết quả nghiên cứu, có thể thấy rõ hơn tầm quan trọng của việc làm gương đối với người lãnh đạo. Tóm lại, nói như John C. Maxwell trong tác phẩm Phát triển kỹ năng lãnh đạo thì “có đến 89% những gì chúng ta học là từ thị giác, chỉ 10% từ thính giác và 1% từ giác quan khác. Nên nếu nhân viên càng nhìn thấy và nghe thấy lời nói cùng hành động của nhà lãnh đạo nhất quán với nhau, họ càng nhất quán và trung thành với nhà lãnh đạo đó. Họ hiểu những gì họ lắng nghe. Họ tin những gì họ thấy. Đừng khích lệ nhân viên bằng mánh khóe. Những gì mọi người cần không phải là một khẩu hiệu để nhìn, mà là một hình mẫu để noi theo”.

Nếu nhân viên càng nhìn thấy và nghe thấy lời nói cùng hành động của nhà lãnh đạo nhất quán với nhau, họ càng nhất quán và trung thành với nhà lãnh đạo đó. Họ hiểu những gì họ lắng nghe. Họ tin những gì họ thấy.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Lãnh đạo là làm gương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO