Tương lai nào cho đồng USD?

Lê Phan| 01/04/2021 09:30

Các chương trình hỗ trợ và kích cầu kinh tế cùng với chính sách tiền tệ nới lỏng được kỳ vọng sẽ giúp nền kinh tế Mỹ sớm thoát khỏi suy thoái vì ảnh hưởng của dịch Covid-19. Dù vậy, với lượng tiền rẻ tiếp tục được bơm ra, niềm tin vào giá trị đồng USD đang đứng trước những thách thức lịch sử.

bai-3-tien-usd-1-3482-1616663630.jpg

Không ngại bơm thêm tiền

Như dự báo, gói kích thích kinh tế trị giá 1.900 tỷ USD của Mỹ đã được cả Thượng viện và Hạ viện Mỹ thông qua trong tháng 3 này, đánh dấu chiến thắng lớn đầu tiên của tân Tổng thống Joe Biden tại Quốc hội Mỹ kể từ khi cầm quyền. Đây cũng là một trong những gói kích thích kinh tế lớn nhất trong lịch sử Mỹ.

Thực tế cho thấy không ít lượng tiền cứu trợ của Chính phủ Mỹ sau đó đã chảy ngược vào thị trường chứng khoán. Các cuộc thăm dò trước đó cũng cho thấy người dân Mỹ dự định bỏ phần lớn tiền cứu trợ vào thị trường, bao gồm mua cổ phiếu và các tài sản khác như Bitcoin.

Theo đó, gói kích cầu này sẽ hỗ trợ trực tiếp 1.400 USD/người cho phần lớn dân Mỹ, sau khi mỗi người đã được nhận 600 USD trong gói kích cầu gần 900 tỷ USD của chính quyền Tổng thống Donald Trump. Người thất nghiệp cũng sẽ được hỗ trợ 400 USD/tuần cho tới hết tháng 9 năm nay và tiền lương tối thiểu sẽ được nâng lên 15 USD/giờ, phần còn lại sẽ dành cho các chương trình ứng phó dịch bệnh, tiêm chủng vắc xin ngừa SARS-CoV-2, cứu trợ kinh tế cho các địa phương và những đối tượng chịu thiệt hại nặng trong đại dịch.

Thống kê cho thấy chỉ trong gần 4 tháng qua, Chính phủ Mỹ đã chi gần 3.000 tỷ USD để khắc phục hậu quả đại dịch, tương đương 14% tổng sản phẩm trong nước (GDP) của nước này. Nếu tính từ khi đại dịch bắt đầu, Chính phủ Mỹ đã chi khoảng 6.000 tỷ USD để vực dậy nền kinh tế, là quốc gia chi tiền mạnh tay nhất trong cuộc khủng hoảng lần này.

Song hành với các gói mở rộng tài khóa, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cũng triển khai chính sách tiền tệ siêu nới lỏng, bằng cách giảm lãi suất cơ bản về mức thấp kỷ lục 0% bên cạnh các chương trình mua tài sản hỗ trợ thị trường. Đáng lưu ý là trong thời điểm này, khi một số quốc gia như Trung Quốc bắt đầu cho dấu hiệu thắt chặt chính sách tiền tệ trở lại vì lo ngại lạm phát và bong bóng tài sản, Mỹ vẫn không ngần ngại bơm thêm hàng nghìn tỷ USD vào nền kinh tế.

Trong cuộc họp mới đây, FED cho biết sẽ duy trì lãi suất thấp như hiện tại cho đến năm 2023, tức môi trường tiền rẻ sẽ còn được duy trì đến hai năm nữa, bên cạnh việc duy trì các chương trình mua tài sản hiện tại gồm 80 tỷ USD cho trái phiếu chính phủ và 40 tỷ USD cho chứng khoán đảm bảo bằng khoản thế chấp (MBS) vào mỗi tháng. Theo kế hoạch, Bộ Tài chính Mỹ và FED sẽ tiếp tục bơm khoảng 2.500 tỷ USD vào hệ thống ngân hàng trong năm nay.

Tương lai đồng USD

Các chương trình hỗ trợ và kích cầu của kinh tế Mỹ cùng với chính sách tiền tệ nới lỏng được kỳ vọng sẽ giúp nền kinh tế số một thế giới sớm thoát khỏi suy thoái vì những ảnh hưởng của dịch Covid-19, đặc biệt với gói cứu trợ mới 1.900 tỷ USD cùng tiến độ tiêm chủng vắc xin ngừa SARS-CoV-2 được thúc đẩy, khiến triển vọng nền kinh tế Mỹ trở nên tươi sáng hơn nhiều so với dự báo vào đầu năm nay. Thực tế bắt đầu từ mùa hè năm ngoái, kinh tế Mỹ đã tăng trưởng vượt trội so với những đánh giá ảm đạm trước đó, một phần nhờ chính sách tài khóa siêu nới lỏng.

Trong năm nay, kinh tế Mỹ được dự báo sẽ tăng trưởng đến 6,5% trước khi chậm lại trong vài năm tới. Dự báo cho tăng trưởng GDP năm 2022 và 2023 lần lượt là 3,3% và 2,2%, sau đó sẽ ổn định ở phạm vi 2,3% trong dài hạn. Cùng với việc nâng kỳ vọng tăng trưởng GDP, các quan chức FED còn dự báo tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 4,5%, từ mức 6,2% hiện tại và thấp hơn dự báo 5% hồi tháng 12/2020. Dự báo thất nghiệp trong năm 2022 và 2023 lần lượt là 4,2% và 3,7%, trước khi ổn định ở mức dài hạn 4%.

Dù vậy, với lượng tiền rẻ tiếp tục được bơm ra, cùng với tăng trưởng nóng trở lại và tỷ lệ thất nghiệp giảm, bóng ma lạm phát cũng đang đe dọa sẽ sớm quay trở lại nước này. Nhiều dự báo cho thấy lạm phát của Mỹ sẽ sớm vượt 2% trong năm nay và có thể khiến chính sách tiền tệ đảo chiều sớm hơn so với những cam kết của FED, nhất là khi quả bong bóng tài sản của nước này đang ngày càng phình to.

Thực tế cho thấy không ít lượng tiền cứu trợ của Chính phủ Mỹ sau đó đã chảy ngược vào thị trường chứng khoán. Các cuộc thăm dò trước đó cũng cho thấy người dân Mỹ dự định bỏ phần lớn tiền cứu trợ vào thị trường, bao gồm mua cổ phiếu và các tài sản khác như Bitcoin. Đơn cử như trong tuần vừa qua, các nhà đầu tư Mỹ rót gần 57 tỷ USD vào quỹ cổ phiếu khi tấm séc 1.400 USD tới tay người dân

Cùng với đó, giá trị đồng tiền số một thế giới là đô la Mỹ cũng đang ngày càng hao mòn khi tràn ngập khắp nơi vì chính sách bơm tiền của nước này trong những năm qua. Trong quá khứ, đồng USD có vị thế là đồng tiền dự trữ và thanh toán số một là nhờ vào chế độ bản vị vàng rồi đến bản vị dầu, khi Chính phủ Mỹ đã thành công trong việc áp đặt các giao dịch dầu mỏ phải được thực hiện bằng USD, mở đường cho sự ra đời của hệ thống Petrodollar từ thập niên 1970 đến nay, sau khi bản vị vàng sụp đổ.

Nhưng giờ đây, đồng USD đang ngày càng đánh mất niềm tin, không chỉ vì lượng cung tiền nước này mở rộng quá mức, đồng USD tràn ngập khắp nơi trên toàn cầu mà còn là nợ công của Mỹ ngày càng gia tăng và những rối ren, mâu thuẫn trong hệ thống chính trị của nước này. 

Trong những ngày gần đây, trái phiếu Mỹ đã bị bán tháo, đẩy lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm lên tận 1,75%. Trong khi đó, bất chấp sự phục hồi gần đây của chỉ số USD Index từ đầu năm đến nay, các tổ chức tài chính toàn cầu vẫn dự báo đồng USD sẽ chưa thể thoát khỏi xu hướng giảm giá dài hạn. Có vẻ như tương lai đồng bạc xanh vẫn khá mờ mịt bất chấp những triển vọng lạc quan của nền kinh tế Mỹ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tương lai nào cho đồng USD?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO