Số liệu công bố mới đây cho thấy GDP của Nhật Bản quý III tăng trưởng 21,4% (trên cơ sở hằng năm), cao hơn dự báo 18,9% và hồi phục mạnh từ mức âm 28,8% vì Covid-19 trong quý trước. Xét trên cơ sở hàng quý, GDP của Nhật Bản tăng 5%, cao hơn dự báo 4,4% và tạm thoát khỏi suy thoái.
Cho tới nay, Nhật Bản đã công bố hai gói kích thích với tổng trị giá 2.200 tỷ USD để giảm bớt thiệt hại từ đại dịch, bao gồm phát tiền mặt cho người dân và cho doanh nghiệp nhỏ vay nợ. Chính sách này đã giúp lượng tiêu thụ ở khu vực tư nhân, vốn chiếm hơn 50% GDP tăng 4,7% so với quý trước.
Trước đó, Bộ Thương mại Mỹ cũng công bố GDP quý III của nước này tăng 33,1%, đánh dấu cú đảo chiều mạnh mẽ sau mức sụt giảm 31,4% trong quý II khi nền kinh tế bị đình trệ vì giãn cách xã hội. Đây là mức tăng mạnh nhất kể từ khi Chính phủ Mỹ bắt đầu theo dõi dữ liệu GDP quý vào năm 1947 và cũng cao hơn mức dự báo là 32%.
Tại châu Âu, số liệu công bố cho thấy Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) tăng 12,7% trong quý III so với quý trước đó, mức tăng cao nhất từng được ghi nhận từ trước tới nay, tuy nhiên so với cùng kỳ năm ngoái thì lại giảm 4,3%. Trong EU, tính cả những nước không dùng đồng tiền chung euro, GDP tăng 12,1% trong quý III so với quý II, nhưng giảm 3,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
![]() |
Mới đây, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã quyết định không thay đổi lãi suất chủ chốt nhưng tỏ dấu hiệu về khả năng sẵn sàng tăng cường các biện pháp kích thích để ứng phó với đại dịch trong cuộc họp vào tháng 12 tới. Điều này là cần thiết khi sự phục hồi của Eurozone đang mất đà với tốc độ nhanh hơn dự tính, sau sự phục hồi mạnh mẽ nhưng không đồng đều của nền kinh tế trong những tháng vừa qua.
Kinh tế Trung Quốc cũng cho thấy xu hướng phục hồi trong quý III, khi công bố GDP tăng 4,9% so với cùng kỳ năm trước và tăng 0,7% trong 9 tháng đầu năm. Dù vậy con số này vẫn thấp hơn kỳ vọng của các chuyên gia kinh tế Trung Quốc là 5,2%. Kinh tế Trung Quốc từng giảm 6,8% trong quý I do phong tỏa diện rộng để ngăn SASR- CoV-2 lây lan trước khi phục hồi đã tăng 3,2% trong quý II.
Số liệu mới nhất cũng cho thấy chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc giảm 51,4 điểm trong tháng 10, từ mức 51,5 của tháng 9, tuy nhiên vẫn trên mốc 50 điểm, tức duy trì trạng tháng mở rộng hoạt động. Đáng lưu ý là PMI phi sản xuất, bao gồm dịch vụ và xây dựng của Trung Quốc trong tháng 10 tăng 56,2 điểm, từ mức 55,9 điểm vào tháng 9 và đạt mức cao nhất kể từ tháng 10/2013. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo Trung Quốc sẽ là nền kinh tế lớn duy nhất trên thế giới tăng trưởng dương năm nay với ước tính 1,9%.
Dù các nền kinh tế lớn đều công bố con số tăng trưởng quý III, nhưng phần lớn là vì đã trải qua quý II quá tồi tệ. Như tại Mỹ, các nhà kinh tế cho rằng kinh tế Mỹ vẫn chưa thể phục hồi và cuộc khủng hoảng kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra vẫn chưa kết thúc. Trong khi đó, các gói kích thích mới của nền kinh tế lớn số một thế giới vẫn chìm trong bế tắc trước sự bất động của cả hai Đảng Dân chủ và Cộng hòa. Cuộc chuyển giao quyền lực không mấy suôn sẻ cũng khiến việc thực hiện các chính sách vực dậy nền kinh tế bị chậm trễ.
Hay như tại Nhật Bản, bất chấp những tín hiệu phục hồi trong những tháng gần đây, các chuyên gia phân tích cho rằng đà hồi phục sắp tới sẽ ở mức vừa phải, do đó GDP sẽ vẫn giảm 5,6% trong năm nay và phải mất nhiều năm để quay trở lại mức trước dịch Covid-19.
Trong khi đó, nhiều nhà kinh tế quan ngại nền kinh tế Mỹ sẽ lại suy giảm trong quý cuối năm nay do số ca nhiễm Covid-19 tăng vọt trở lại có thể buộc chính quyền các bang phải tái áp dụng các biện pháp phong tỏa. Nếu điều này xảy ra, suy thoái kinh tế sẽ trở nên tồi tệ hơn. Tình trạng này cũng xảy ra tại châu Âu khi giới chức các nước như Anh, Pháp, Đức phải siết chặt quy định phòng dịch do số ca nhiễm Covid-19 tăng mạnh.