Quốc tế

10 nền kinh tế hoạt động hiệu quả nhất 2023

Khởi Vũ 21/12/2023 12:00

Mười nền kinh tế hoạt động hiệu quả nhất năm qua dựa trên 5 chỉ số kinh tế - tài chính, theo bình chọn của The Economist.

Năm 2023, từ giới chuyên gia cho đến những nhà hoạch định chính sách và kinh tế phần lớn đều dự báo về ​​một cuộc suy thoái trên toàn cầu, trong bối cảnh các ngân hàng trung ương khắp thế giới phải chống chọi với lạm phát cao. Dù vậy, các dự báo này đã sai và bằng chứng là GDP toàn cầu dường như đã tăng gần 3% cả năm, theo The Economist. Bên cạnh đó, thị trường việc làm đã ổn định, trong khi lạm phát đang trên đà giảm và thị trường chứng khoán tăng trưởng 20%.

Tuy nhiên, có sự khác biệt lớn giữa các nền kinh tế đằng sau các con số chung nói trên. Để có được đánh giá chi tiết, The Economist đã tổng hợp dữ liệu về 5 chỉ số kinh tế - tài chính, gồm lạm phát, "độ lớn của lạm phát", GDP, việc làm và hiệu quả thị trường chứng khoán, từ 35 quốc gia mà hầu hết là các nền kinh tế giàu có. Các nền kinh tế này được xếp hạng lần lượt theo mức độ đáp ứng cho 5 chỉ số nói trên. Theo đó, bảng xếp hạng 10 nền kinh tế hoạt động tốt nhất 2023 như sau:

untitled-presentation.png
Bảng xếp hạng 10 nền kinh tế hoạt động tốt nhất 2023 theo 5 chỉ số, được lựa chọn trong các quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) từ quý IV/2022 đến quý III/2023. Nguồn: The Economist, Việt hóa: DNSG

Đứng đầu bảng xếp hạng năm thứ hai liên tiếp là Hy Lạp. Đây là một kết quả đáng chú ý với một nền kinh tế mà cho đến gần đây vẫn bị xem như một điển hình của sự sai lầm trong công tác quản lý. Ngoài Hàn Quốc, nhiều nền kinh tế nổi bật khác đều nằm ở châu Mỹ. Trong khi đó, nhiều nền kinh tế chậm chạp hơn, xếp phía sau bảng xếp hạng, nằm ở phía Bắc của châu Âu, gồm Anh, Đức, Thụy Điển và đứng cuối là Phần Lan.

Giải quyết vấn đề giá cả tăng cao là thách thức lớn trong năm 2023. Thế nên, thước đo đầu tiên được The Economist sử dụng để xem xét là lạm phát "lõi", trong đó không tính đến các yếu tố dễ biến động như giá năng lượng và thực phẩm, giúp nó trở thành một chỉ báo tốt về áp lực lạm phát cơ bản.

Tại châu Á, Nhật Bản và Hàn Quốc là hai nước đã kiềm chế tốt giá cả. Ở Thụy Sĩ, giá cả chỉ tăng 1,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, ở những nơi khác ở châu Âu, nhiều quốc gia vẫn phải đối mặt với áp lực nghiêm trọng. Tại Hungary, lạm phát cơ bản đang ở mức khoảng 11%/năm. Phần Lan cũng gặp khó khăn tương tự.

Ở phần lớn các quốc gia, áp lực lạm phát đang dần trở nên giảm bớt, và điều này được tính bằng chỉ số "độ lớn của lạm phát" - thước đo tính toán tỷ trọng của các mặt hàng trong giỏ giá tiêu dùng mà đã tăng hơn 2% so với cùng kỳ năm ngoái. Các ngân hàng trung ương ở Chile hay Hàn Quốc đã tăng lãi suất mạnh mẽ vào năm 2022, sớm hơn nhiều ngân hàng khác ở các nước giàu và hiện đang thu được lợi ích. Ở Hàn Quốc, lạm phát đã giảm từ 73% xuống 60% và các ngân hàng trung ương ở Mỹ và Canada, mức độ lạm phát còn giảm mạnh hơn nữa.

Hai chỉ số tiếp theo là tăng trưởng việc làm và GDP cho biết về mức độ lợi ích mà các nền kinh tế mang đến cho người dân của mình. Trên thực tế, không nền kinh tế nào đạt kết quả xuất sắc vào năm 2023. Dù vậy, tin vui là chỉ một số ít quốc gia chứng kiến GDP sụt giảm. Ireland là quốc gia có thành tích tệ nhất, với mức giảm 4,1% (dù con số này còn khá nghi ngờ do có vấn đề lớn với cách đo lường của Ireland). Đức đang vật lộn với hậu quả do cú sốc giá năng lượng và sự cạnh tranh ngày càng tăng từ ô tô nhập khẩu từ Trung Quốc. Trong khi đó, Anh vẫn đang giải quyết hậu quả của Brexit.

10-nen-kinh-te-hoat-dong-tot-nhat-2023.jpeg
Hai năm liền, Hy Lạp được bình chọn là nền kinh tế hoạt động hiệu quả nhất.

Mỹ là quốc gia hoạt động tốt trong cả chỉ số GDP và việc làm. Năm qua, nước này hưởng lợi từ hoạt động sản xuất năng lượng đạt mức kỷ lục cũng như tác động từ các gói kích thích tài chính hào phóng trong năm 2020 và 2021. Bên cạnh đó, nền kinh tế lớn nhất thế giới cũng thúc đẩy các quốc gia khác có mối quan hệ với nó, như giúp việc làm ở Canada tăng lên một cách thông minh. Bất chấp cuộc chiến với Hamas, Israel - quốc gia có Mỹ là đối tác thương mại lớn nhất, đứng thứ tư trong bảng xếp hạng.

Dù vậy, thị trường chứng khoán Mỹ, trái với kỳ vọng của nhiều người, chỉ hoạt động ở mức trung bình (sau khi điều chỉnh theo luật pháp), bất chấp việc nơi đây sở hữu rất nhiều công ty có khả năng hưởng lợi từ cuộc cách mạng về trí tuệ nhân tạo. Thị trường chứng khoán Úc - nơi có nhiều công ty hàng hóa gặp khó khăn do mức chi phí bị đội lên cao vào năm 2022, cũng hoạt động kém hiệu quả. Ngược lại, các công ty Nhật đang trải qua thời kỳ phục hưng, khi thị trường chứng khoán nước này là một trong các thị trường hoạt động tốt nhất năm nay, với giá trị thực tăng gần 20%.

Dù vậy, con số ấn tượng này chỉ bằng phân nửa so với Hy Lạp - nơi giá trị thực của thị trường chứng khoán đã tăng hơn 40%, trong bối cảnh chính phủ thực hiện một loạt cải cách ủng hộ thị trường, tạo sức hút cho nhà đầu tư. Dù vẫn còn nghèo hơn nhiều so với giai đoạn trước phá sản vào đầu những năm 2010, một tuyên bố gần đây của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã ca ngợi "hoạt động chuyển đổi số của nền kinh tế" và "sức cạnh tranh thị trường ngày càng gia tăng" của quốc gia này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
10 nền kinh tế hoạt động hiệu quả nhất 2023
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO