Giá vàng trước nguy cơ mất mốc 1.500 USD

Gia Lê| 09/09/2019 06:32

Thị trường vàng quốc tế đang trải qua chuỗi ngày điều chỉnh sau giai đoạn tăng nóng gần đây, khi hai ngày cuối tuần qua rớt đến 50 USD/ounce. Trong hôm nay, tâm lý thị trường tiếp tục thận trọng khiến giá vàng có nguy cơ rớt mốc hỗ trợ 1.500 USD/ounce.

Giá vàng trước nguy cơ mất mốc 1.500 USD

Việc Mỹ - Trung tuyên bố nối lại đàm phán vào tháng 10 này được xem là yếu tố gây áp lực lên thị trường tính cho đến thời điểm này, do làm mất đi tính  hấp dẫn của vàng như là tài sản trú ẩn an toàn trước rủi ro chiến tranh thương mại.

Trong khi đó, theo góc độ phân tích kỹ thuật nhìn từ chỉ báo sóng Elliot, chu kỳ tăng giá vàng trong ngắn hạn đã kết thúc với sóng 5 hoàn tất. Nếu để mất mốc hỗ trợ quanh 1.500 USD/ounce, giá vàng có thể tìm thấy vùng hỗ trợ kế tiếp ở 1.400 USD/ounce và hỗ trợ mạnh xa hơn ở quanh 1.250 USD/ounce, vùng giá vào cuối tháng 5/2019 trước khi bắt đầu đợt sóng tăng mạnh vừa qua.

Dù vậy, nhiều nhà đầu tư vẫn đang kỳ vọng đợt điều chỉnh sẽ sớm kết thúc và giá kim loại quý này sẽ nhanh chóng quay trở lại đà tăng mạnh mẽ. Huyền thoại đầu tư Mark Mobius - đối tác sáng lập Mobius Capital Partners, mới đây cũng chia sẻ rằng giá vàng sẽ còn tiếp tục đi lên khi các ngân hàng trung ương tiếp tục nới lỏng cung tiền và mua vàng vào, do đó ông khuyến nghị các nhà đầu tư cá nhân nên giữ ít nhất 10% tài sản là vàng trong danh mục của mình.

Thực tế là tâm điểm thị trường đều đang chú ý vào cuộc họp tháng 9 này của Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED), khi xác suất tiếp tục giảm lãi suất thêm 25 điểm cơ bản của NHTW lớn nhất thế giới này lên đến 90%. Trong khi đó, NHTW châu Âu (ECB) trong nhiều năm qua qua vẫn giữ lãi suất gần mức 0 trong một nỗ lực kích thích tăng trưởng. Chủ tịch ECB Mario Draghi được kỳ vọng sẽ giữ lãi suất thấp thêm một thời gian dài để đối phó với hoạt động giảm tốc trong nền kinh tế của khu vực, cũng như trước sự bất ổn đến từ Brexit và chiến tranh thương mại toàn cầu đang diễn ra.

Thậm chí, không loại trừ khả năng ECB sẽ tiếp bước theo FED để có động thái giảm lãi suất như là giải pháp nới lỏng tiền tệ hơn. Với xu hướng lãi suất thấp hơn mà các NHTW khắp nơi đang áp dụng, giá các loại tài sản nói chung và giá vàng nói riêng sẽ được lợi và tiếp tục đi lên. Do đó, một bộ phận nhà đầu tư vẫn kỳ vọng mốc 1.500 USD/ounce có thể sẽ được giữ vững.

Ngoài ra, các NHTW vẫn đang tiếp tục mua vàng vào. Theo dữ liệu từ Hội đồng vàng thế giới (WGC), các NHTW đã mua đến 374 tấn vàng trong nửa đầu năm nay, đánh dấu mức mua ròng lớn nhất trong nửa đầu năm kể từ năm 2000 đến nay, tức đã 19 năm qua. Theo Mobius thì "sâu thẳm bên trong, các ngân hàng trung ương thực sự tin vào vàng. Tuy nhiên, họ không muốn nói ra điều đó bởi vì họ không thể tạo ra một loại tiền tệ mới".

Cuộc khảo sát dự trữ vàng của các NHTW năm 2019 cũng cho thấy tỷ lệ 11% trong số các NHTW tại các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi bày tỏ ý định sẽ tăng dự trữ vàng trong vòng 12 tháng tới. Điều này tương tự với dữ liệu năm 2018, khi 12% các ngân hàng trung ương từ các nền kinh tế mới nổi hoặc đang phát triển, chọn mua vàng, làm tăng 652 tấn trong nhu cầu của các ngân hàng trung ương, mức cao nhất được ghi nhận theo hệ thống tiền tệ quốc tế ngày nay.

Đơn cử như Trung Quốc, trước rủi ro chiến tranh thương mại với Mỹ và dự trữ ngoại hối suy giảm thời gian qua, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã bổ sung dự trữ vàng trong 8 tháng liên tiếp kể từ tháng 12 năm ngoái và tăng thêm 10 tấn kim loại màu trong tháng 7/2019.

Trong khi đó, số liệu mới nhất từ Cục Quản lý Ngoại hối Quốc gia Trung Quốc (SAFE) cho biết dự trữ ngoại hối và vàng của nước này đồng loạt tăng trong tháng 8. Đến cuối tháng 8, dự trữ vàng của Trung Quốc đã đạt mức 62,45 triệu ounce, tăng 190.000 ounce so với tháng 7. Đây là tháng thứ 9 liên tiếp Trung Quốc tăng dự trữ vàng, khi Bắc Kinh đã dỡ bỏ một phần hạn chế trong nhập khẩu vàng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Giá vàng trước nguy cơ mất mốc 1.500 USD
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO