Kinh tế xã hội tháng 10 có nhiều điểm khởi sắc hơn

Bảo Quân| 12/11/2021 03:45

Tháng 10 năm nay, xuất khẩu tăng 6,4% và xuất siêu 2,85 tỷ USD. Ước tính, xuất siêu 10 tháng qua đạt 160 triệu USD.

Sáng 12/11/2021, sau khi kết thúc phần chất vấn đối với các Bộ trưởng theo chương trình phiên chất vấn và trả lời chất vấn, kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã làm rõ một số vấn đề đại biểu quan tâm và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Theo Thủ tướng, tình hình KTXH tháng 10 chuyển biến tích cực, có nhiều điểm khởi sắc hơn

Theo Thủ tướng, tình hình KTXH tháng 10 chuyển biến tích cực, có nhiều điểm khởi sắc hơn. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng cho biết, đầu kỳ họp, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội (KTXH) 9 tháng, dự báo cả năm 2021. Trong tháng 10 và những ngày đầu tháng 11, các cấp, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện quyết liệt công tác phòng, chống dịch, đặc biệt là đổi mới về tư duy, phương pháp và cách thức tổ chức phòng, chống dịch theo phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả Covid-19.

Song song với đó là hoạt động tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thực hiện lộ trình từng bước mở cửa nền kinh tế, giúp tình hình KTXH tháng 10 chuyển biến tích cực và có nhiều điểm khởi sắc hơn so với tháng trước.

Link bài viết

Cụ thể, kinh tế vĩ mô tiếp tục duy trì ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm, lạm phát kiểm soát ở mức thấp. Dư nợ tín dụng 10 tháng tăng trên 8,7%. Tỷ giá, lãi suất ổn định, dự trữ ngoại hối được củng cố. Xuất khẩu tháng 10 tăng 6,4% và xuất siêu 2,85 tỷ USD; ước 10 tháng xuất siêu 160 triệu USD.

Thu hút vốn FDI 10 tháng đạt trên 20 tỷ USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm ngoái; số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng trở lại. Thu ngân sách nhà nước đạt khoảng 91% dự toán năm, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước.

Sản xuất công nghiệp phục hồi khá; khu vực nông nghiệp phát triển ổn định; khu vực dịch vụ phục hồi khá nhanh. Nhiều địa phương nỗ lực vươn lên mạnh mẽ trong phục hồi, phát triển KTXH gắn với kiểm soát dịch bệnh.

Tuy nhiên, như nhiều đại biểu Quốc hội đã nêu, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức cả trước mắt và lâu dài. Tình hình kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn rủi ro; sức ép lạm phát tăng. Sản xuất kinh doanh trong nhiều lĩnh vực còn rất khó khăn, nhất là du lịch, lưu trú, vận tải...

Số doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể còn lớn. Tình trạng thiếu lao động cục bộ và đứt gãy một số chuỗi sản xuất, cung ứng cần sự nỗ lực rất lớn để khắc phục. Lao động, việc làm, đời sống tinh thần, vật chất của một bộ phận người dân tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nề...

Phục hồi phát triển kinh tế: Le lói "ánh sáng cuối đường hầm"

Trong những tháng cuối năm 2021, Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra theo các Nghị quyết, Kết luận của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; khẩn trương hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền Chiến lược tổng thể phòng, chống dịch và Chương trình phục hồi và phát triển KTXH.

Đặc biệt, sẽ đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine trên toàn quốc; chủ động chuẩn bị thuốc điều trị; tập trung phòng, chống, kiểm soát dịch để phát triển KTXH; tiếp tục thực hiện kịp thời, hiệu quả các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp cũng như quyết liệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh; cơ bản không để cản trở, ách tắc trong vận chuyển hành khách, lưu thông hàng hóa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Kinh tế xã hội tháng 10 có nhiều điểm khởi sắc hơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO