Kinh tế khó khăn là động lực thúc đẩy 3 nước Đông Á nối lại hội nghị thượng đỉnh?
Hội nghị thượng đỉnh Đông Bắc Á giữa Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc, đã kết thúc thành công vào ngày 27/5 tại thủ đô Seoul. Hội nghị tập trung giải quyết vấn đề kinh tế - an ninh trong khu vực, ở thời điểm mà cả 3 cùng đối mặt với thách thức về tăng trưởng và dân số giảm.
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đã gặp nhau, đánh dấu hội nghị thượng đỉnh ba bên đầu tiên từ năm 2019.
Hiện nay, cả 3 đang chật vật với thách thức về tỷ lệ sinh giảm và dân số già. Bất chấp sự khác biệt khi Nhật Bản có 120 triệu người, Trung Quốc có 1,4 tỷ người và Hàn Quốc có 50 triệu người, dân số cả ba nước đều đang đi xuống. Dân số Nhật Bản bắt đầu giảm vào năm 2011, tiếp theo Hàn Quốc năm 2021 và Trung Quốc năm 2022.
Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới, tỷ lệ sinh ở Nhật Bản chỉ còn 1,3 vào năm 2021, Trung Quốc là 1,16 và Hàn Quốc là 0,81. Tỷ lệ này thể hiện số con trung bình mà một phụ nữ dự kiến sẽ có trong cuộc đời. Khảo sát mới nhất được thực hiện ở mỗi quốc gia cho thấy, sự sụt giảm vẫn đang diễn ra.
Sụt giảm nguồn lao động làm dấy lên mối lo ngại, về khả năng duy trì nền kinh tế hiện có của mỗi nước. Với hơn 30 triệu người đi lại giữa ba nước mỗi năm, tăng cường trao đổi văn hóa và giao lưu nhân dân, để thúc đẩy phát triển kinh tế của mỗi nước, là một trong những chủ đề thảo luận chính tại hội nghị.
Nền kinh tế từng bùng nổ của Trung Quốc đang bị đè nặng, bởi sự sụt giảm doanh thu từ bất động sản, cũng như tình hình nợ nần ngày càng lớn của chính quyền địa phương.
Mặc dù Trung Quốc vẫn đứng thứ 2 GDP toàn cầu, với 16,9% vào năm 2023, nhưng đã giảm so với 18,3% vào năm 2021. Nhật Bản thì mất vị trí thứ 3 vào tay Đức, hiện tụt xuống thứ 4.
Kinh tế Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc đang phục hồi sau đại dịch Covid-19, nhưng tốc độ tăng trưởng thực sự ở Nhật Bản và Hàn Quốc cũng mờ nhạt trong hơn một thập kỷ trước đó. Kinh tế Trung Quốc cũng mất đà so với đầu những năm 2000. Nếu nhìn vào lực lượng lao động, là nguyên nhân lớn thúc đẩy tăng trưởng những năm 2000, thì Trung Quốc có lý do để lo ngại.
Thủ tướng Kishida, Thủ tướng Lý Cường và Tổng thống Yoon đã khẳng định tầm quan trọng của thương mại tự do tại hội nghị. Ngay cả khi căng thẳng thương mại và căng thẳng địa chính trị gia tăng giữa Mỹ với Trung Quốc, thì Nhật Bản và Hàn Quốc cũng không thể tách rời quan hệ kinh tế với Trung Quốc.
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của cả Nhật Bản và Hàn Quốc, chiếm khoảng 20% tổng thương mại mỗi nước. Đối với Trung Quốc, Nhật Bản là đối tác thương mại lớn thứ hai, Hàn Quốc đứng thứ ba và Mỹ đứng thứ nhất.
Đối tác thương mại số 2 của Nhật Bản là Mỹ, tiếp theo là Úc và Hàn Quốc. Với Hàn Quốc, Mỹ là đối tác đứng thứ hai, Việt Nam thứ ba và Nhật Bản thứ tư.
Với sự gắn kết mạnh mẽ lẫn nhau về kinh tế giữa 3 nước, giảm hợp tác chắc chắn sẽ gây ra tình trạng tăng trưởng trì trệ. Lo ngại này là yếu tố quan trọng thúc đẩy các lãnh đạo nối lại hội nghị thượng đỉnh năm nay.
Ba nước đều là thành viên của Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), có hiệu lực từ năm 2022. Hiệp định tạo ra một vùng thương mại tự do chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu.
Nhằm chống lại các hạn chế thương mại từ Mỹ, Trung Quốc đang tìm cách đạt được thỏa thuận thương mại tự do với Nhật Bản và Hàn Quốc.
Trong khi đó, Nhật Bản và Hàn Quốc lại bày tỏ quan ngại với Trung Quốc, về vấn đề an ninh kinh tế. Cả hai đều muốn tăng cường tính minh bạch, giúp củng cố chuỗi cung ứng tài nguyên khoáng sản và thực phẩm.
Hội nghị thượng đỉnh lãnh đạo doanh nghiệp ba nước được tổ chức cùng lúc, tạo cơ hội cho 3 lãnh đạo kêu gọi tăng cường đầu tư xuyên biên giới.
Về an ninh quốc gia, chi tiêu cho quân sự của Trung Quốc vượt xa Nhật Bản và Hàn Quốc. Theo sách trắng quốc phòng Nhật Bản ấn hành năm 2023, Trung Quốc có 970.000 quân chính quy, Hàn Quốc là 420.000 và Nhật Bản là 140.000. Đội tàu chiến của hải quân Trung Quốc có tổng cộng 720 chiếc, so với 230 của Hàn Quốc và 128 của Nhật Bản. Không quân Trung Quốc cũng có lợi thế tương tự về số lượng.
Tăng cường tiềm lực quân sự của Trung Quốc, đẩy căng thẳng ở Đông Á và khu vực lân cận lên cao. Quân đội Trung Quốc liên tục tập trận quanh Đài Loan, sau lễ nhậm chức của ông Lại Thanh Đức. Nhật Bản đang hết sức chú ý tới các mối đe dọa này.
Kể từ hội nghị thượng đỉnh ba bên năm 2019, nhiều biến cố đã xảy ra như Nga tấn công Ukraine năm 2022, chiến sự Gaza và Triều Tiên tiếp tục phát triển chương trình hạt nhân-tên lửa. Mối quan hệ chặt chẽ hơn giữa Trung Quốc, Nga và Triều Tiên, đang làm thay đổi trật tự quốc tế. Mức độ mà Nhật Bản và Hàn Quốc có thể giải quyết những quan ngại như vậy với Trung Quốc, cũng là tâm điểm khác của hội nghị năm nay.