Quốc tế

Kinh tế Trung Quốc ảm đạm, ảnh hưởng tới lợi nhuận doanh nghiệp toàn cầu

Văn Phúc 29/05/2024 - 13:59

Theo Nikkei Asia, lợi nhuận doanh nghiệp trên toàn cầu giảm trong quý 1/2024 so với cùng kỳ 1 năm trước, phần lớn bởi kinh tế Trung Quốc ảm đạm, ảnh hưởng tới nhiều ngành như hóa chất, thép và máy móc.

Dẫu giảm về tổng thể, nhưng những gã khổng lồ công nghệ Mỹ và công ty liên quan đến chất bán dẫn, lại đạt lợi nhuận cao, nhờ sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo, làm nổi bật sự phụ thuộc ngày càng tăng của kinh tế toàn cầu vào xứ cờ hoa.

img2.chinadaily.com.cn-images-202405-16-_6645bf02a31082fc2b6e1d0a.jpeg
Hàng hóa dư thừa từ Trung Quốc khiến nhiều quốc gia khó khăn - Ảnh: China Daily

Theo báo cáo của Nikkei, lợi nhuận ròng của khoảng 24.600 công ty giao dịch công khai trên thị trường chứng khoán ở Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và Châu Âu - đã giảm 6% trong quý 1/2024, xuống còn 1,11 nghìn tỷ USD.

Các công ty này chiếm hơn 90% tổng vốn hóa thị trường toàn cầu.

Doanh nghiệp Trung Quốc ghi nhận lợi nhuận ròng giảm khoảng 10%. Các ngân hàng tạo ra khoảng 40% tổng lợi nhuận, trong toàn bộ doanh nghiệp niêm yết của đất nước tỷ dân, đang phải hạ lãi suất để hỗ trợ lĩnh vực bất động sản.

Doanh số bán nhà mới ở Trung Quốc giảm khoảng 30% trong quý 1/2024. Nhiều công ty nhà đất lớn như China Vanke đang rơi vào báo động đỏ. Để đối phó tình trạng ảm đạm kéo dài, chính phủ Trung Quốc cuối tuần qua thông báo, họ cho phép chính quyền địa phương mua lại một số nhà ế ẩm.

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cũng bãi bỏ lãi suất tối thiểu, đối với các khoản thế chấp. Tuy nhiên, lãi suất thấp có nguy cơ gây thêm áp lực lên các ngân hàng.

Những rắc rối của kinh tế Trung Quốc đang tác động đến nước khác, và nhiều ngành công nghiệp đa dạng.

Lĩnh vực hóa chất, Trung Quốc đã tăng sản lượng bất chấp nhu cầu trong nước yếu, dẫn đến dư thừa khắp châu Á.

Chủ tịch công ty hóa chất Sumitomo Chemical ở Nhật Bản, ông Keiichi Iwata nói: “Chúng tôi không mong đợi cải thiện lớn trong năm nay, nhất là tại thị trường hóa dầu châu Á. Công ty chúng tôi lỗ ròng trong tháng 1 và tháng 3.”

Nippon Steel và nhà sản xuất thép Hàn Quốc POSCO Holdings, chứng kiến lợi nhuận giảm mạnh, trong bối cảnh nguồn cung dư thừa từ Trung Quốc.

Thị trường trở nên tồi tệ hơn từ khi đạt đỉnh tháng 12/2023. Ngày càng có nhiều thất vọng ở Trung Quốc, do thiếu biện pháp kích thích nền kinh tế. Dư thừa sản phẩm từ Trung Quốc, dẫn đến méo mó thị trường ở Đông Nam Á.

Ông Jeong Ki-seop, giám đốc chiến lược của POSCO

Ngành công nghiệp máy móc, và lĩnh vực đầu tư vốn, cũng ghi nhận lợi nhuận giảm 14% trên toàn cầu.

Ngành vật liệu và năng lượng, giảm 26% lợi nhuận. Tập đoàn khổng lồ BP và các công ty dầu mỏ lớn khác, đang đối mặt nhiều khó khăn khi giá khí đốt tự nhiên giảm, sau đợt tăng vọt do Nga tấn công Ukraine năm 2022.

Lợi nhuận trong ngành tài chính giảm quý thứ hai liên tiếp. Lãi suất cao ở Mỹ đã hạ nhu cầu vay vốn, giáng một đòn mạnh vào “Bank of America” cùng nhiều tổ chức hàng đầu khác.

Ngược lại, một số ngành công nghiệp hưởng lợi từ bùng nổ trí tuệ nhân tạo (AI). Lợi nhuận ở lĩnh vực công nghệ thông tin tăng 13%, sản xuất linh kiện điện tử tăng 26%.

Một số gã khổng lồ như Alphabet – công ty mẹ của Google, Meta – công ty mẹ của Facebook, Amazon và Microsoft, đều chứng kiến lợi nhuận tăng. Riêng Amazon, lợi nhuận tăng gấp 3 lần, nhờ dịch vụ điện toán đám mây – vốn là chìa khóa của các hệ thống AI.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Kinh tế Trung Quốc ảm đạm, ảnh hưởng tới lợi nhuận doanh nghiệp toàn cầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO