Kinh phí làm phim: Bài toán không quá khó!

ĐINH HƯƠNG| 01/08/2011 05:34

Kinh doanh phim điện ảnh để chiếu rạp được đánh giá là thị trường đầy rủi ro ở Việt Nam. “Bỏ bạc tỷ lượm bạc cắc”, nên vấn để kinh phí bao giờ cũng là nan giải nhất trong sản xuất phim Việt. Thế nhưng, mấy năm gần đây, số lượng phim Việt chiếu rạp vẫn tăng. Các nhà làm phim đã có “chiêu” gì để “xoay” kinh phí sản xuất phim?

Kinh phí làm phim: Bài toán không quá khó!

Kinh doanh phim điện ảnh để chiếu rạp được đánh giá là thị trường đầy rủi ro ở Việt Nam. “Bỏ bạc tỷ lượm bạc cắc”, nên vấn để kinh phí bao giờ cũng là nan giải nhất trong sản xuất phim Việt. Thế nhưng, mấy năm gần đây, số lượng phim Việt chiếu rạp vẫn tăng. Các nhà làm phim đã có “chiêu” gì để “xoay” kinh phí sản xuất phim?

Tìm tài trợ từ nước ngoài

Phim Cánh đồng bất tận

Phim chiếu rạp cần vốn đầu tư lớn, thời gian phát hành ngắn, thường chỉ trụ rạp từ 2 tuần đến 1 tháng. Do vậy, khả năng thu hồi vốn phụ thuộc hoàn toàn vào “tay nghề”, kinh nghiệm và “cái duyên” của nhà sản xuất và đạo diễn với khán giả.

Nhìn vào danh sách các phim chiếu rạp ở Việt Nam trong vài năm gần đây có thể thấy, phần lớn đạo diễn đều là những người có tên tuổi. Điều đó cho thấy, cơ hội để các đạo diễn trẻ thử sức với phim chiếu rạp là rất hiếm, mà làm phim nghệ thuật lại càng khó khăn hơn...

Việc tìm tài trợ từ các quỹ đầu tư nước ngoài là lối đi mở cho các đạo diễn tâm huyết với nghề. Đây cũng là con đường mà hầu hết đạo diễn thuộc dòng phim độc lập trên thế giới đều trải qua.

Ở ta, 5 năm trở lại đây đã có một số đạo diễn xin được tài trợ từ nước ngoài, như Nguyễn Võ Nghiêm Minh với phim Mùa len trâu, Nguyễn Vinh Sơn với phim Trăng nơi đáy giếng, Bùi Thạc Chuyên với phim Sống trong sợ hãi và Chơi vơi, Phan Đăng Di với Bi, đừng sợ!...

Hiện có hàng chục quỹ tài trợ làm phim cho các đạo diễn khắp thế giới. Tuy nhiên, để “nắm” được tiền từ các quỹ này, các nhà làm phim đều phải trải qua một quãng đường “trầy vi tróc vẩy”.

Dự án Bi, đừng sợ! của Phan Đăng Di phải vượt qua hơn 200 dự án khác từ khắp nơi trên thế giới để được vào danh sách 35 dự án của Liên hoan phim quốc tế (LHPQT) Busan năm 2007, và nhận được tài trợ 10.000USD.

Sau đó Bi, đừng sợ! phải cạnh tranh với 103 dự án khác để nhận được 50 ngàn euro của Quỹ World Cinema của LHPQT Berlin, và cuối cùng là đến LHP Cannes 2008 nhận thêm 10.000USD từ Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Pháp...

Sau khi nhận được tài trợ 130.000 euro từ Quỹ Hubert Bals của LHP Rotterdam (Hà Lan) và Quỹ Fonds Sud (Pháp) cho phim Chơi vơi, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên chia sẻ: “Tìm tiền tài trợ làm phim từ nước ngoài giống như đi câu, phải biết nghệ thuật câu như thế nào để cá cắn mồi. Chưa kể, muốn câu được cá, phải tập tính kiên nhẫn. Tôi đã mất 4 năm trời “thả mồi” mới câu được”.

Nhờ từng xin được tài trợ cho Bi, đừng sợ! và sau đó bộ phim này giành giải thưởng ở các LHP Cannes (Pháp), Thụy Điển, Hồng Kông..., nên Phan Đăng Di đã nhẹ gánh hơn khi làm tiếp phim Cha, con và... (đang chuẩn bị bấm máy) với khoản tài trợ đầu tiên 150 triệu đồng từ Quỹ Paris Project tại Đại hội tài chính cho điện ảnh (HAF) trong khuôn khổ LHPQT Hồng Kông 2011.

Tháng 7 này, Phan Đăng Di còn được mời sang Pháp để giới thiệu dự án phim tới các nhà đầu tư trong khuôn khổ LHPQT Paris 2011. Cần khoảng 200 - 300 nghìn USD để làm phim, nên Phan Đăng Di vẫn tiếp tục đem kịch bản đi “chào hàng”.

Tuy việc tìm đủ vốn để làm phim vẫn còn “căng”, nhưng phía trước cũng hé lộ nhiều hy vọng cho các đạo diễn. Một đạo diễn trẻ vừa tốt nghiệp đại học điện ảnh từ nước ngoài về là Phan Gia Nhật Linh cũng xin được một khoản tài trợ kha khá để sắp tới khởi quay bộ phim điện ảnh đầu tay Những đôi mắt lạnh của mình...

Huy động vốn

Phim Sài Gòn Yo!

Năm 2007, để có vốn làm được bộ phim đầu tiên Dòng máu anh hùng, các thành viên trong Hãng phim Chánh Phương đã ngoài gom góp vốn liếng của mình, phải vay thêm bằng cách thế chấp tài sản. Tổng vốn đầu tư là 1,6 triệu USD, thu về (từ cả thị trường trong và ngoài nước) hơn 1,2 triệu USD, nên đến nay họ vẫn chưa trả hết nợ.

Tuy nhiên, Dòng máu anh hùng đã tạo được ấn tượng rất tốt với cả giới làm phim và khán giả. Và, những bài học, kinh nghiệm rút ra từ bộ phim Dòng máu anh hùng đã giúp các phim Chánh Phương sản xuất sau này đều thu được lãi.

Phim Bẫy rồng (2009, có vốn đầu tư chỉ khoảng 800.000USD), không chỉ mang lại cho Chánh Phương những khoản lãi vẫn đang tiếp tục thu về, mà còn mở cho họ một cánh cửa khác: khi họ đưa ra bất cứ dự án nào, các nhà đầu tư đều sẵn sàng chi toàn bộ số vốn. Có thể thấy, tạo dựng được thương hiệu và uy tín làm phim là một cách giúp nhà sản xuất dễ dàng hơn trong việc huy động vốn.

Không riêng gì Chánh Phương, nhiều nhà sản xuất khác từ nước ngoài về Việt Nam làm phim, như: Early Risers Media Group, Wonder Boy Entertainment, Hoàng Trần Film..., cũng đều bỏ tiền túi và huy động bạn bè, người thân hùn tiền để làm phim đầu tiên.

Với kinh phí sản xuất khoảng 5-7 tỷ đồng/phim thì chuyện huy động vốn làm phim không phải là quá khó với nhiều nhà sản xuất hiện nay. Vấn đề là khả năng hòa vốn hay có lãi sau khi phát hành phim. Hãng Chánh Phương từng phải đóng “học phí giá cao” khi sản xuất bộ phim 14 ngày phép (đầu tư 300.000USD, thu về chỉ 200.000USD).

Theo nhà sản xuất Jimmy Nghiêm Phạm, 14 ngày phép cho Chánh Phương một bài học, họ đã tính nhầm và vạch hướng đi sai ngay từ đầu với bộ phim này, vì phim chỉ hợp với một bộ phận rất nhỏ công chúng là Việt kiều. Gần đây, bộ phim Lệnh xóa sổ của Hoàng Trần Film, với vốn đầu tư gần 600 ngàn USD, xem ra cũng tương tự trường hợp 14 ngày phép của Chánh Phương.

Có một cách khác để huy động vốn sản xuất đang được nhiều hãng phim thực hiện, đó là “bắt tay” nhau giữa các hãng phim. Chẳng hạn, Hãng phim Thiên Ngân hợp tác với LBT làm phim Bóng ma học đường, Early Risers Media Group và Wonder Boy Entertament cùng làm phim Để Mai tính; Phương Nam Film và Saiga Films cùng sản xuất phim Bức huyết thư; Saiga Films - Star Media Group - BHD - Thiên Ngân - Saigon Movies Media - Phương Nam Films cùng sản xuất phim Cô dâu đại chiến...

Xu hướng hợp tác này đã chứng tỏ hiệu quả khi Để Mai tính thu về hơn 30 tỷ đồng (trong khi vốn đầu tư chỉ khoảng hơn 6 tỷ), hay Cô dâu đại chiến thu về hơn 37,6 tỷ đồng (vốn đầu tư chừng 5 tỷ)... Chính doanh thu của các phim này đã trở thành một động lực lớn để tăng số đầu phim điện ảnh trong năm 2011 này.

Và tài trợ từ doanh nghiệp

Phim Cô dâu đại chiến

Từ năm 2003 đã xuất hiện hình thức này trong bộ phim Gái nhảy. Sau thành công của bộ phim này, đạo diễn Lê Hoàng là người đầu tiên kêu gọi các doanh nhân, doanh nghiệp tham gia tài trợ, góp vốn làm phim. Bộ phim Bẫy rồng do Hãng Chánh Phương thực hiện đã nhận được tài trợ của khoảng 20 nhãn hàng lớn.

Chẳng hạn, hãng xe hơi nổi tiếng BMW tài trợ cho Bẫy rồng 6 chiếc xe để thực hiện các cảnh rượt đuổi, cháy nổ. Từ trước khi phim bấm máy, bộ phim đã có tài trợ của các hãng lớn như Enervon, NinoMaxx, AR Group, Furla, Geox, Culet Fashion, Sheraton, Cali Wow, Pho 24, Highland coffee, Chicilon Media, AIG, Debor, Minh Long...

Tuy số tiền tài trợ không nhiều, đôi khi là bằng sản phẩm, nhưng nhờ có sự tham gia của các nhãn hàng mà chi phí làm Bẫy rồng giảm xuống đáng kể.

Được thực hiện bởi đạo diễn gốc Việt Stephane Gauger gây ấn tượng tốt nhờ phim Cú và chim se sẻ trước đó, cộng với danh tiếng của Hãng phim Chánh Phương, bộ phim Sài Gòn Yo! cũng nhận được tài trợ của các nhãn hàng lớn như Samsung, Adidas, Highland coffee... Tiếc là phim này lồng ghép quảng cáo của nhà tài trợ hơi lộ liễu nên gây phản cảm.

Long Ruồi - một bộ phim hành động, hài hước mới nhất do Hãng phim Thiên Ngân phối hợp cùng BHD và Early Riser sản xuất - cũng nhận được tài trợ chính của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và một số doanh nghiệp khác.

Đại diện Công ty Early Riser - diễn viên Dustin Nguyễn cho biết: “Nhờ có thêm kinh phí từ các nhà tài trợ, những người làm phim có thể tự do sáng tác và bộ phim có được những cảnh quay hoành tráng và đẹp mắt hơn”...

Hàng chục năm nay, điện ảnh Hollywood có được nhiều bộ phim “bom tấn” là nhờ một phần đóng góp đáng kể của các nhãn hàng, doanh nghiệp. Sự nở rộ về số lượng của phim truyền hình Việt hiện nay cũng nhờ sự “chống lưng” của các nhãn hàng bằng hình thức tài trợ quảng cáo trong phim hay đổi spot quảng cáo cho nhà đài.

Bí quyết để thu hút vốn làm phim từ các nhà tài trợ được nhà sản xuất Jimmy Nghiêm Phạm của Hãng Chánh Phương chia sẻ: “Việc cần thiết nhất là phải biết nhà tài trợ muốn gì và chiến dịch quảng cáo của họ như thế nào thì mình mới kết hợp được để xin nhiều tài trợ. Việc xin tài trợ phải thực hiện ngay từ giai đoạn đang viết kịch bản để lồng ghép những đoạn quảng bá sản phẩm vào phim”.

Thay lời kết

Cách đây ít lâu, khi trao đổi về việc kêu gọi các doanh nghiệp bỏ vốn hay tài trợ sản xuất phim chiếu rạp, đạo diễn Lê Hoàng từng đưa ra các lý do: Thứ nhất, giới trẻ Việt Nam có nhu cầu đến những nơi công cộng để giải trí rất cao, mà điện ảnh có thể đánh thức và thỏa mãn nhu cầu đó. Thứ hai, kinh phí làm phim ở Việt Nam hiện đang rẻ nhất thế giới. Thứ ba, phim Việt Nam không sợ bị cạnh tranh từ bên ngoài.

Dù điện ảnh Mỹ đang thống trị toàn thế giới, nhưng phim Mỹ không thể làm được những câu chuyện, vấn đề của người Việt Nam, điều mà người xem Việt Nam quan tâm hơn hết...

Còn một nhà sản xuất thì từng đúc kết rằng, muốn huy động được vốn để sản xuất phim thì cần phải có kịch bản hay và hấp dẫn, nhà sản xuất và đạo diễn giỏi, dàn diễn viên nổi tiếng và diễn xuất tốt, các cảnh quay đẹp, chiến dịch PR và quảng bá chuyên nghiệp và mới lạ, thời điểm phát hành được xác định trước cả khi bấm máy... Một dự án đầy đủ như thế mới có thể thuyết phục được nhà tài trợ (trong và ngoài nước).

Bấy lâu nay, các nhà sản xuất ở ta chưa có thói quen công khai kinh phí làm phim và doanh thu của phim. Trong khi thực tế là việc công bố chính thức các con số này sẽ gây được sự chú ý, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư.

Hoặc, những chiến dịch huy động vốn làm phim được tổ chức một cách công khai sẽ được nhiều người biết hơn, và biết đâu các fan của nhà sản xuất, đạo diễn, thậm chí diễn viên tham gia trong phim sẽ đóng góp tiền để làm phim.

Mới đây, một số nhà làm phim ở Anh, Mỹ đã thành công khi dùng “chiêu” khai thác tiện ích của internet để huy động tiền làm phim từ các fan. Theo dự báo thì đây sẽ là một giải pháp tốt cho các nhà làm phim ít tiền.

Dù có đang “bỏ bạc tỷ, lượm bạc cắc” và chịu nhiều rủi ro, song có thể thấy thị trường điện ảnh ở Việt Nam vẫn nhiều tiềm năng. Biết cách huy động vốn từ nhiều nguồn lực trong và ngoài nước thì giải bài toán kinh phí làm phim Việt không quá khó.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Kinh phí làm phim: Bài toán không quá khó!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO