Tổn thất cả trăm triệu đôla vì thủ tục thông quan

09/01/2014 05:45

Rủi ro trong thủ tục thông quan buộc các chủ hàng phải tự bảo hiểm bằng cách duy trì lượng hàng tồn trữ lớn hơn mức cần thiết, đẩy chi phí tăng lên.

Tổn thất cả trăm triệu đôla vì thủ tục thông quan

Rủi ro trong thủ tục thông quan buộc các chủ hàng phải tự bảo hiểm bằng cách duy trì lượng hàng tồn trữ lớn hơn mức cần thiết, đẩy chi phí tăng lên.

Trong báo cáo "Kho vận hiệu quả: Chìa khóa để Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh", Ngân hàng Thế giới (WB) tính toán các chủ hàng Việt Nam tốn khoảng 100 triệu USD mỗi năm để trữ hàng do lo ngại chậm trễ trong thông quan hàng hóa.

Dự kiến đến năm 2020, mức tổn thất này có thể lên tới 180 triệu USD. Đây là điều "cực chẳng đã", bởi nếu không tự bảo hiểm, doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với việc mất khách hàng, sản xuất gián đoạn hoặc phải giao nhận khẩn cấp với giá đắt hơn.

Chi phí kho vận tại Việt Nam cũng đắt hơn so với ở Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia, Thái Lan. Hơn một nửa doanh nghiệp được khảo sát phản ánh quy định hải quan ngặt nghèo, dẫn đến chi phí tuân thủ cao hơn các nước châu Á khác. Làm việc với cơ quan hải quan Việt Nam cũng khó khăn hơn so với nước láng giềng.

Ngân hàng Thế giới cho rằng tình trạng quan liêu, không minh bạch khi làm thủ tục hải quan đang khiến các doanh nghiệp xuất nhập khẩu thiệt hại lớn. Tất cả các hãng vận tải biển, dịch vụ kho vận được hỏi đều cho biết những khoản phí bồi dưỡng không chứng từ chi cho cán bộ giám sát chiếm từ 5-50% mức phí làm thủ tục ủy thác, kiểm hóa, vận tải.

Giả sử toàn bộ các container hàng hóa nước ngoài xuất nhập khẩu đều phát sinh phí bồi dưỡng, tổ chức này ước tính phí "bôi trơn" mà doanh nghiệp phải chịu trong năm 2012 là 261 triệu USD và tăng lên 493 triệu USD vào năm 2020.

Chi phí cao trở thành thách thức lớn để tăng năng lực cạnh tranh thương mại của Việt Nam. Theo đánh giá của WB, hoạt động kho vận có tỷ trọng đặc biệt cao trong xuất khẩu do hàng hóa Việt Nam có hàm lượng nhập khẩu cao. Ước tính cho thấy, 70-80% giá trị hàng may mặc xuất khẩu của Việt Nam là nguyên phụ liệu, phụ kiện nhập khẩu. Con số tương ứng của giày dép xuất khẩu là 50%.

Bên cạnh đó, điều này cũng cản trở Việt Nam tìm ra các động lực mới cho tăng trưởng kinh tế. Các tổ chức trong và ngoài nước đều đánh giá sự tăng trưởng của Việt Nam trong 20 năm qua chủ yếu nhờ sự gia tăng nhanh chóng của lực lượng lao động và chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang các lĩnh vực sản xuất, chế biến, dịch vụ có năng suất cao hơn.

"Tuy nhiên, hai động lực tăng trưởng trên đều đang dần cạn kiệt và cần được thay thế với những nguồn tăng năng suất mới", bà Victoria Kwakwa, Giám đốc WB tại Việt Nam nói.

Do vậy, nâng cao chất lượng vận tải, kho vận thương mại sẽ đóng một vai trò quan trọng cho việc nâng cao năng suất trong giai đoạn tới, đồng thời tạo điều kiện để các nhà đầu tư quốc tế và nội địa tìm nguồn hàng xuất khẩu với tổng chi phí thấp hơn so với các nước khác, WB khuyến nghị.

Hiện có 80% đơn vị được khảo sát hoan nghênh ý tưởng thành lập cơ quan giám sát kho vận quốc gia, chịu trách nhiệm quản lý số liệu liên quan đến lưu thông hàng hóa bởi hiện nay đa số các đơn vị phải lệ thuộc vào những nguồn số liệu thiếu tin cậy hoặc không đủ thông tin cập nhật.

Ngoài ra, Việt Nam cũng cần đầu tư xây dựng hạ tầng cả đường bộ và đường biển để đáp ứng nhu cầu giao thương hàng hóa, giảm thiểu chi phí cho doanh nghiệp. Ước tính cho biết, năm 2012, các chủ hàng phải chi trả khoảng 150 triệu USD chi phí vận tải đường bộ phụ trội và đến năm 2020 sẽ là 270 triệu USD do nạn ách tắc trên đường quốc lộ.

Thủ tục hành chính cũng cần được đơn giản và minh mạch hơn để tránh những kẽ hở cho hành vi nhận tiền bồi dưỡng của cán bộ. Đây là một yếu tố đáng kể khiến thời gian xử lý thủ tục cho hàng hóa xuất nhập khẩu giảm đi, WB cho biết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tổn thất cả trăm triệu đôla vì thủ tục thông quan
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO