Nông dân trồng lúa lời nhiều vẫn nghèo

CÁC NGỌC| 01/04/2009 09:56

Theo tính toán của ngành nông nghiệp, với năng suất bình quân đạt 6,2 - 6,3 tấn/ha trong vụ đông xuân năm nay thì giá thành sản xuất lúa là từ 2.000 - 2.300đ/kg. Hiện nay, các doanh nghiệp (DN) thu mua lúa của nông dân với giá 4.200- 5.000đ/kg.

Nông dân trồng lúa lời nhiều vẫn nghèo

Theo tính toán của ngành nông nghiệp, với năng suất bình quân đạt 6,2 - 6,3 tấn/ha trong vụ đông xuân năm nay thì giá thành sản xuất lúa là từ 2.000 - 2.300đ/kg. Hiện nay, các doanh nghiệp (DN) thu mua lúa của nông dân với giá 4.200- 5.000đ/kg. Nếu nhìn giá bán lúa như trên, người ta có thể nghĩ lợi nhuận của nông dân chiếm đến trên 50% tổng thu nhập. Song, thực tế số hộ nông dân sống bằng nghề trồng lúa vẫn còn nghèo. Xuất khẩu (XK) gạo vẫn khả quan trong năm nay, nhận định này đi đôi với những khuyến cáo của các tổ chức quốc tế về sản lượng gạo XK trong tương lai.

Nông dân có vài công đến 1ha ruộng còn nghèo mãi

Khuyến cáo và dự báo

Theo Tổ chức Lương nông Thế giới (FAO), dự kiến năm 2009 sản lượng gạo XK trên thế giới đạt khoảng 31 triệu tấn, tăng khoảng 0,6% so với năm 2008. Việt Nam vẫn là một trong hai nước XK gạo nhiều nhất. Tuy vẫn duy trì XK nhưng Viện Nghiên cứu lúa quốc tế nhận định, những biến đổi về khí hậu, đất trồng lúa bị thu hẹp do quá trình đô thị hóa và diện tích trồng những loại cây làm nguyên liệu sản xuất nhiên liệu sinh học có thể sẽ ảnh hưởng đến sản lượng lúa của Việt Nam.

Từ trước đến nay, sản lượng lúa tăng là do diện tích đất trồng tăng chứ chưa phải do tăng năng suất. Năm 2008, nông dân mở rộng diện tích trồng lúa hơn 7,6 triệu ha, tăng 400.000ha so với năm 2007, sản lượng lúa đạt 38,6 triệu tấn, tăng 2,7 triệu tấn so với năm 2007. Đến năm 2009, diện tích trồng lúa giảm còn 7,2 triệu ha, với cố gắng tăng năng suất, tăng vụ, sản lượng lúa cả năm 2009 dự kiến ở mức từ 37,5 - 38 triệu tấn.

Xu hướng của các nước hiện nay cũng là diện tích không tăng nên phải làm cho năng suất tăng để sản lượng không giảm, trong khi đòi hỏi cạnh tranh chất lượng gạo là điều đáng quan tâm. Đến giờ, khi Việt Nam đã là nước XK gạo thuộc hàng nhất, nhì trên thế giới thì Viện Nghiên cứu chính sách lương thực quốc tế vẫn cho là đầu tư vào nông nghiệp của Việt Nam còn lơ là, quy hoạch phát triển lúa gạo chưa thật sự theo hướng hàng hóa chất lượng cao.

Bằng chứng là trong quý 3/2008, khi tốc độ XK gạo của Việt Nam chậm lại, ngành nông nghiệp cho là do nông dân trồng nhiều lúa IR 50404. Thế mà vẫn không có định hướng nào khác cho việc tiêu thụ lúa đặc sản chất lượng cao. Hiện nay, các DN vẫn đang tập trung vào các hợp đồng XK gạo phẩm cấp thấp (15 - 25% tấm) nên các hộ vẫn sản xuất lúa IR 50404 và OM 576 để dễ tiêu thụ hơn.

Theo nhận định của FAO, giá gạo thế giới năm 2009 sẽ không tăng đột biến như năm 2008, có thể sẽ giảm từ 10 - 15% so với mức trung bình năm 2008, nhưng sẽ tăng nhẹ so với mức thấp cuối năm 2008. Năm 2009, XK gạo của Việt Nam không thay đổi về lượng, đạt 4,8 triệu tấn, nhưng có thể sẽ giảm khoảng 32,8% về giá trị XK so với năm 2008.

Thay đổi chính sách cho sâu sát

Ông Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương lên tiếng: Các cơ quan Nhà nước cứ lo làm chính sách, thay đổi chính sách nhưng không sâu sát xem chính sách mang lại hiệu quả cho người dân đến mức nào. Có những chính sách bất khả thi, ví dụ Nhà nước nói hỗ trợ 80% giá giống cho nông dân, nhưng hỏi 80% chính xác là bao nhiêu thì không trả lời được.

Bởi có sự khác biệt giữa chính sách và thực hiện chính sách nên nói nông dân mò mẫm làm là không sai, vì việc tư vấn cho nông dân về thị trường là hầu như không có. Cho nên nông dân có đất rồi chẳng lẽ ngồi chơi, làm ra sản phẩm rồi, nhẩm tính thấy lời to nhưng việc tiêu thụ lại phụ thuộc vào DN nên mỗi vụ thắng hay thua, chừng nào bán được lúa thì nông dân mới rõ.

Trong khi một số ý kiến cho rằng Nhà nước chỉ cần tập trung cho thủy lợi là đã giúp nông dân, nhưng Ngân hàng Thế giới (WB) khẳng định, xây dựng kênh mương, đê điều mới chỉ là một phần hỗ trợ. WB rất quan tâm xem trong phân phối lúa gạo, giữa người sản xuất gạo và các công ty thương mại, XK gạo thì khâu nào hưởng lợi nhuận nhiều. Trong đề án an ninh lương thực của Cục Trồng trọt không thấy đề cập vấn đề này. Theo WB, phải giành quyền cho nông dân trong khâu tiêu thụ.

Quyết định 80 của Chính phủ vẫn được đề nghị phải nhanh chóng sửa đổi vì thiếu thực tế ngay khi vừa ban hành. Tưởng là Quyết định 80 có hướng hỗ trợ cho người nông dân thật sự an tâm với nghề trồng lúa, nhưng không phải lúc nào mối quan hệ giữa DN và nông dân cũng khăng khít, mà chỉ thể hiện lúc được mùa, được giá thôi.

Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Long An quả quyết thời gian qua, hầu như các địa phương không thực hiện được Quyết định 80. Khi quyền lợi của nông dân và DN đối nghịch nhau thì mấu chốt của vấn đề là các biện pháp chế tài. Quyết định 80 không đưa ra biện pháp chế tài.

Giá lúa ba tháng qua tăng là do các DN đang tích cực thu mua để phục vụ cho các hợp đồng giao hàng trong 6 tháng đầu năm với khối lượng khá lớn (hơn 3 triệu tấn) và chỉ đạo mới của Thủ tướng Chính phủ là giao hai tổng công ty lương thực mua hết lượng lúa gạo trong dân, đảm bảo mức lời tối thiểu 30% cho nông dân. Ông Phan Huy Thông - Cục phó Cục Trồng trọt phân tích, lời tối thiểu 30% cũng chưa thật khuyến khích người nông dân lắm. Vụ đông xuân vừa qua, chi phí sản xuất tốn 2.000 - 2.300đ/kg, DN thu mua với giá 4.200 - 5.000đ/kg mới là chấp nhận được.

Trong một nghiên cứu về chi phí và lợi nhuận mà nông dân và DN hưởng trên 1kg lúa của TS Nguyễn Thị Hiền Thuận ở Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Môi trường, số liệu được thu thập vào vụ đông xuân và hè thu 2007 tại Cần Thơ. Kết quả được chia làm hai kênh tiêu thụ: nội địa và XK. Ở kênh nội địa, người nông dân chiếm 61,31% lợi nhuận trên 1kg lúa trong toàn chuỗi cung ứng, DN chỉ chiếm 8,83%; đối với XK thì người nông dân chiếm tới 58,98% lợi nhuận trên 1kg lúa, DN chỉ chiếm 32,53%, còn lại là của thương lái.

Điều này nói lên trong tình hình sản xuất ổn định, người nông dân có tỷ lệ lợi nhuận trên 1kg lúa cao nhất so các tác nhân khác trong chuỗi. Nhưng tại sao người nông dân vẫn nghèo? Bởi lợi nhuận trên được tính trên 1kg lúa, còn tổng lợi nhuận toàn chuỗi trong năm thì DN chế biến chiếm tỷ lệ rất cao vì toàn bộ lúa hàng hóa của hàng triệu nông dân hầu hết chỉ tập trung vào hai tổng công ty lương thực miền Bắc và miền Nam, một số cho khoảng 8 DN lớn khác. T

ổng lợi nhuận toàn chuỗi và tổng thu nhập toàn chuỗi thì thuộc về DN XK, nông dân có vài công đến 1ha ruộng còn nghèo mãi. Chính vì vậy, năm 2007 cả nước còn 15% hộ nghèo không đủ gạo ăn trong lúc giáp hạt. Tỷ lệ này là khá cao và thật đáng buồn khi Việt Nam là một trong hai nước XK gạo nhiều nhất thế giới.

Ông Trần Văn Thông - Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Sản xuất lúa chất lượng cao: Chú trọng hỗ trợ nông dân nghèo


- Chính sách đối với nông dân chưa đủ. Nông dân trồng lúa không có định hướng gieo giống gì cho những năm kế tiếp, họ chỉ gieo giống mình có. Còn các DN thì mua lúa theo cảm tính. Ít nhất mỗi năm các nhà khoa học, các nhà hoạch định kế hoạch phải định hướng cho nông dân gieo giống gì trong năm tới để giúp nông dân an tâm sản xuất.

Chứ như hiện nay, cứ để cho nông dân tự sản xuất rồi DN mua giá nào nông dân cũng phải chịu, nông dân hầu như không làm chủ được giá bán hàng hóa của mình.


CLB của tôi sản xuất lúa giống, có 120 hộ liên kết ký hợp đồng với một công ty. Chẳng những nông dân trong CLB thiệt thòi mà nông dân bên ngoài CLB cũng vậy, sản xuất giống ra rồi lại rất khó tiêu thụ. CLB không thu nhận thêm hội viên được nữa vì DN mua lúa giống có hạn. Nếu DN mua lúa hàng hóa làm được như DN mua lúa giống thì quá tốt.


Nông dân bây giờ có thể sản xuất năng suất năm sau cao hơn năm trước nhưng ở tỉnh đang hạn chế sản xuất lúa vụ ba, trong khi Bộ NN&PTNT lại khuyến khích nông dân tăng sản lượng, thật là trái ngược. Nghiên cứu cho rằng nông dân thu lợi cao trên 1kg lúa có thể đúng, nhưng diện tích đất trồng ít, 6 - 7 công cho một gia đình 4 - 5 nhân khẩu một năm là không đủ. Nông dân giàu là những người có từ 10 - 20 ha trở lên.

Một điều đáng nói nữa là những chính sách của Nhà nước dành cho nông thôn thì thường nông dân giàu hưởng, nông dân nghèo không được gì. Ví dụ sau thu hoạch Nhà nước hỗ trợ máy cắt lúa hay lò sấy lúa thì những hộ khá mới có khả năng đầu tư, còn hộ ít đất lại phải đi thuê máy của các hộ khá giả, vô tình khiến người giàu càng giàu thêm.

Tôi đề nghị Nhà nước chú trọng hỗ trợ nông dân nghèo, hộ có khoảng 5.000m2 đất trở xuống, chứ cách hỗ trợ đại trà thì nông dân nghèo vẫn nghèo.


Ông Võ Hùng Dũng - Giám đốc Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Cần Thơ: Đã quyết định xây kho dự trữ thì nên xây nhanh

- Kho dự trữ là vấn đề lớn của một quốc gia XK gạo nhiều. Cứ vào vụ đông xuân thì giá lúa hạ xuống, sang hè thu và cuối năm thường là cao. Sự biến động này thấy rất rõ trong năm 2007. Như vậy, kho dự trữ của Chính phủ (không phải kho dự trữ của DN) có thể mua vào lúc thấp điểm và bán vào lúc cao điểm để điều hòa lương thực.

Chính phủ đã quyết định xây kho dự trữ thì nên xây nhanh, giờ mới bàn là quá trễ. Còn với chính sách cho nông dân và địa phương nông nghiệp, người ta cứ so sánh làm công nghiệp thì giàu, còn làm nông nghiệp nghèo mãi nên chạy đua mở khu công nghiệp. Từ cú sốc về gạo năm 2008, Chính phủ nên sớm thông qua đề án an ninh lương thực quốc gia đến năm 2020.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nông dân trồng lúa lời nhiều vẫn nghèo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO