Kiểm duyệt phim Việt: Bao giờ rộng cửa?

Minh Nguyễn| 16/10/2019 01:54

Điện ảnh Việt đã áp dụng bốn mức phân loại, dán nhãn cho phim. Vậy hệ thống này dùng để làm gì khi phim ra rạp vẫn phải chịu sự kiểm duyệt gắt gao về nội dung dẫn đến thay đổi cốt truyện, ý định ban đầu của nhà làm phim?

Kiểm duyệt phim Việt: Bao giờ rộng cửa?

Thiên Linh Cái chấp nhận cắt xén không thương tiếc để được ra rạp và đổi tên thành Thất sơn tâm linh, trong khi đó Ròm của Trần Thanh Huy vừa bị thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) ra quyết định xử phạt hành chính vì phát hành phim chưa khi được cấp phép. Cả hai bộ phim này đều không qua được cửa ải kiểm duyệt của Cục Điện ảnh nếu không chỉnh sửa.

1. Lý do khiến Thiên Linh Cái không được duyệt cũng chính là nỗi niềm và trăn trở của các nhà làm phim kinh dị Việt Nam. Đây là thể loại phim đặc biệt, không thể tránh khỏi một số phân cảnh hù dọa, máu me hoặc đề cập đến vấn đề tâm linh để miêu tả trọn vẹn câu chuyện. Trở ngại cũng từ đây mà ra. Ranh giới giữa tâm linh và mê tín dị đoan hoặc những cảnh gây ám ảnh theo quy định của Luật Điện ảnh là vô cùng mập mờ và mong manh, khiến nhà làm phim lúng túng tìm đủ mọi cách né mà vẫn phải trông chờ vào sự may rủi mỗi khi đưa phim đi duyệt.

Trong suốt hai năm qua, điện ảnh Việt đã áp dụng bốn mức phân loại, dán nhãn cho phim gồm: P (phổ biến rộng rãi đến mọi đối tượng), C13 (cấm trẻ em dưới 13 tuổi), C16 (cấm trẻ em dưới 16 tuổi) và C18 (cấm trẻ em dưới 18 tuổi). Vậy hệ thống này dùng để làm gì khi phim ra rạp vẫn phải chịu sự kiểm duyệt gắt gao về nội dung dẫn đến thay đổi cốt truyện, ý định ban đầu của nhà làm phim, đồng thời làm phát sinh thêm nhiều khoảng về thời gian, tiền bạc?

Đầu tháng này, vấn đề kiểm duyệt một lần nữa “nóng” lên khi Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề xuất đổi mới cơ chế kiểm duyệt trong văn bản góp ý sửa đổi Luật Điện ảnh gửi Bộ VH-TT&DL vì theo nhiều doanh nghiệp làm phim, cơ chế cũ vừa tốn thời gian, tiền bạc, vừa can thiệp thái quá vào nội dung, làm ảnh hưởng không chỉ đến sáng tạo nghệ thuật của bộ phim mà còn tác động không nhỏ đến việc kinh doanh của doanh nghiệp.

2. Câu chuyện của Ròm lại trớ trêu hơn. Được phát triển từ phim ngắn 16:30 từng giành nhiều giải thưởng trước đó nhưng bộ phim độc lập kéo dài suốt 7 năm này không còn là câu chuyện với cái kết cổ tích, làm hài lòng giới kiểm duyệt Việt Nam. Nó tăm tối hơn và đời hơn, phản ánh những mâu thuẫn và bạo lực tiềm ẩn trong thế giới của những người nghèo khổ, như tờ Screendaily viết: “Trần Thanh Huy đã mang cả bối cảnh xã hội vào Ròm. Đó là thế giới mà con người phải chà đạp lên nhau để sống trong những ngôi nhà ổ chuột chật chội, bên cạnh những con sông ô nhiễm nặng nề, người ta đánh cược mọi thứ với hy vọng đổi đời qua tấm vé số và đánh cược số đề. Cờ bạc trở thành chứng nghiện phổ biến trong một xã hội nghèo đói, nơi người nghèo hoàn toàn bất lực trước những kẻ cho vay nặng lãi và nhà cái tham lam”.

Việc ban tổ chức Liên hoan phim (LHP) Quốc tế Busan (BIFF) kiên quyết bảo vệ Ròm, dù phim không được Cục Điện ảnh thông qua, để phim được công chiếu và tranh giải, đồng thời trao cho phim giải thưởng cao nhất ở hạng mục New Currents, tương đương giải phim hay nhất, cùng một bộ phim khác là Haifa Street của Iraq-Qatar, chính là lời khẳng định cho chất lượng và sự độc đáo của bộ phim.

Vậy nhưng, trong công văn số 637/ĐA-PBP của Cục Điện ảnh về việc Ròm đi “thi chui” BIFF 2019, có đoạn viết: “Phim phản ánh mặt trái quá đen tối của những con người mong muốn đổi đời bằng việc trông chờ vào những con số may mắn để trúng lô, trúng đề. Những tệ nạn xã hội như chơi lô, đề, cho vay nặng lãi, đòi nợ, mê tín, bạo lực xuyên suốt phim, kết phim bi quan, bế tắc, không lối thoát, thiếu tính nhân văn. Câu chuyện phim diễn ra tại TP.HCM nhưng không có sự quan tâm của chính quyền và các cơ quan chức năng. Đồng thời, phim cũng thể hiện nhiều thông tin tiêu cực, phản cảm, mang ẩn ý và ám chỉ không tốt về chính trị, mang màu sắc phê phán chính trị - xã hội, thể hiện cách nhìn tiêu cực về đất nước, văn hóa và con người Việt Nam”.

Tuy nhiên, “cuộc sống luôn tồn tại hai mặt, sáng và tối. Có nhà làm phim muốn kể những câu chuyện tươi sáng, cũng có nhà làm phim muốn đi sâu vào mổ xẻ những góc tối. Suy cho cùng, tất cả đều là nghệ thuật và nghệ thuật thì cần sự đa dạng”, như chia sẻ của đạo diễn Trần Thanh Huy. “Tôi tin là không khán giả Việt Nam nào xem Parasite (Ký sinh trùng - bộ phim đoạt giải Cành Cọ Vàng tại LHP Cannes 2019) của Hàn Quốc lại nghĩ tiêu cực về đất nước này. Điều quan trọng là chúng ta có đủ can đảm để nhìn vào mặt trái để tốt hơn lên không mà thôi”.

Cần phải nói thêm rằng, BIFF là một trong số các LHP uy tín của thế giới và châu Á với sức ảnh hưởng vô cùng to lớn bởi sự quan tâm có chiều sâu, thể hiện cái nhìn vừa khách quan, vừa kịp thời với những gì đang diễn ra trong khu vực thông qua phim ảnh. Cũng chính Busan, trong nhiều năm trở lại đây đã bền bỉ giới thiệu đến khán giả quốc tế bộ sưu tập đầy đủ nhất các phim độc lập nghệ thuật của Việt Nam như: Đó hay đây (Siu Phạm), Nước 2030 (Nguyễn Võ Nghiêm Minh), Dịu dàng (Lê Văn Kiệt), Cha và con và... (Phan Đăng Di)... Ròm của Trần Thanh Huy là phim Việt Nam đầu tiên đoạt giải ở hạng mục New Currents.

3. Ròm bị phạt vì không tuân thủ Luật Điện ảnh, nhưng giải pháp cho những bộ phim như Ròm trong tương lai là gì? Bởi đây là những bộ phim độc lập và không được làm với mục đích chiếu thương mại. Điện ảnh Việt muốn phát triển và bước ra thế giới, cần những bộ phim có tiếng nói độc đáo, mới mẻ chứ không phải những bộ phim hài hước vô bổ hoặc tô hồng đời sống, quanh quẩn với những góc nhìn quen thuộc. Hơn thế nữa, Cục Điện ảnh cần tạo điều kiện hơn nữa cho các nhà làm phim Việt, nuôi dưỡng thế hệ tài năng trẻ như: Lê Bình Giang (đạo diễn cuối cùng hoàn thiện Thất sơn tâm linh), Trần Thanh Huy, Phạm Ngọc Lân, Lê Bảo...  

Không một nhà làm phim nào lại cố tình hoặc hồn nhiên vi phạm những nội dung bạo lực, thù địch và cũng không có LHP nào chấp nhận cổ xúy những điều đi trái với vẻ đẹp của nghệ thuật. Đã đến lúc Cục Điện ảnh cần mở rộng tư duy kiểm duyệt để điện ảnh Việt thoát khỏi sự kềm kẹp thái quá. Đừng để lưỡi kéo kiểm duyệt kìm hãm sự phát triển của một nền điện ảnh đang sung sức và làm thui chột những tài năng trẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Kiểm duyệt phim Việt: Bao giờ rộng cửa?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO